Áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) có nguy cơ thành bão số 4 đi vào biển Đông đã trực tiếp gây mưa lớn dọc dãy miền Trung. Để đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng người dân, các tỉnh, thành đã khẩn trương lên kế hoạch ứng phó…
Tại tỉnh Quảng Ngãi: Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hồi 13 giờ ngày 17-9, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 16,8 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 820km về phía Đông. Do ảnh hưởng của ATNĐ sau mạnh lên thành bão, khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh. Khả năng từ ngày 18 đến 19-9, vùng biển Quảng Ngãi gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; trên đất liền sẽ có đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa từ 80-150 mm, có nơi mưa lớn hơn 200mm.
Để đảm bảo an toàn, ngày 18-9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành công điện khẩn gửi các sở ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Khẩn trương thông báo cho chủ phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ, bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới: 15,0N – 19,0N; phía Đông kinh tuyến 112.5E.
Cùng với đó, từ 12 giờ trưa nay (18-9), Quảng Ngãi cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động cho đến khi thời tiết ổn định. Thông báo, hướng dẫn và kêu gọi các chủ lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên sông, biển khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân gia cố nhà ở; khẩn trương tổ chức chặt tỉa các cành cây có nguy cơ gãy, ngã đổ để đảm bảo an toàn cho người, nhà ở… Kiểm tra, rà soát để di dời các hộ dân vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, vùng có nguy cơ bị chia cắt đến nơi an toàn.
Đặc biệt lưu ý các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi đóng quân, cơ sở sản xuất ở vùng đã bị sạt lở đất và có nguy cơ cao bị sạt lở đất tại các huyện: Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và khu dân cư vùng trũng, thấp thường xuyên bị ngập sâu thuộc các xã ven sông Trà Bồng, Vệ, Trà Câu, Phước Giang tại các huyện Nghĩa Hành, Bình Sơn và thị xã Đức Phổ. Bố trí lực lượng canh gác 24/24 giờ, cắm biển cảnh báo và quyết liệt trong việc ngăn cấm người dân đi lại qua các khu vực nguy hiểm (ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập sâu, sạt lở…); tạm dừng hoạt động các đò ngang và không để người dân đánh cá, vớt củi trên sông trong thời gian có mưa, lũ.
Tại TP.Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Lê Trung Chinh cho biết, TP đã có kịch bản ứng phó theo từng cấp độ thiên tai, cùng với kinh nghiệm ứng phó bão lũ trong các năm trước. Các đơn vị, địa phương theo chức năng, tình hình thực tiễn, triển khai ngay các phương án phòng chống kịp thời, đặc biệt là phòng chống ngập úng và sạt lở tại các khu vực có nguy cơ cao.
Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng yêu cầu Sở Xây dựng khẩn trương rà soát, kiểm tra việc nạo vét hệ thống thoát nước, khơi thông miệng hố ga, kênh mương, cống, rãnh, trục tiêu có nguy cơ bị tắc nghẽn; hố ga các tuyến công trình đang thi công có nguy cơ gây ngập úng khu dân cư.
Sở NN&PTNT rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình hồ đập thủy lợi, nhất là các hồ đập xung yếu. Bộ Chỉ huy quân sự TP, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng TP, Công an TP chủ động bố trí lực lượng vũ trang tại các vị trí xung yếu, có nguy cơ ngập cao. Đồng thời, tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển, tập trung hướng dẫn, đôn đốc tàu cá rời ngay khỏi khu vực nguy hiểm.
UBND quận Cẩm Lệ khẩn trương đề xuất phương án chống sạt lở tại Cụm công nghiệp Cẩm Lệ, tuyệt đối bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản cho người dân.
Sở Thông tin và Truyền thông triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện nhằm đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Các cơ quan truyền thông tăng thời lượng phát sóng; đưa tin kịp thời, đầy đủ chính xác về ATNĐ; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại thấp nhất.
Tại Quảng Trị: UBND tỉnh đã có công điện hỏa tốc gửi các sở, ban ngành, các địa phương yêu cầu chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Đặc biệt lưu ý, đối với các huyện ven biển, huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với các đơn vị chức năng tiếp tục hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh, trú an toàn.
Tiến hành rà soát, hoàn thiện kịch bản ứng phó với ATNĐ, bão, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, tập trung bảo đảm an toàn, tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản của nhân dân. Triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng, khu đô thị có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư tại các địa bàn trọng điểm để sẵn sàng triển khai ứng phó ATNĐ, bão, mưa, lũ, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo dự báo, từ chiều tối nay đến ngày 20-9, khu vực Quảng Trị khả năng xuất hiện một đợt mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, TP.Đông Hà, Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, Hải Lăng, Cồn Cỏ phổ biến từ 150-250 mm, có nơi trên 300mm. Dự báo tác động của mưa lớn, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở khu vực vùng núi; lũ trên các sông; ngập lụt tại các khu vực trũng, thấp.
Tại tỉnh Quảng Bình: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công điện số 14/CĐ-UBND về việc ứng phó với ATNĐ có thể mạnh lên thành bão và mưa lớn. Để chủ động ứng phó, UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương ven tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ. Bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển, không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Tổ chức cấm biển bắt đầu từ 0 giờ ngày 19-9 cho đến khi biển an toàn, không còn cảnh báo rủi ro thiên tai theo dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. UBND các địa phương khẩn trương kiểm tra, triển khai các phương án ứng phó với bão, mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất, chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn (đặc biệt lưu ý các vị trí có nguy cơ sạt lở cao như đồi Phòng không xã Đức Hóa, sạt lở thôn 5 thị trấn Quy Đạt, thôn Rục xã Hồng Hóa…); dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày; nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ; bố trí lực lượng phân luồng giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, các bến đò, chủ động tạm dừng hoạt động đối với các cầu phao, đò ngang khi có mưa lũ lớn.
Thiên Phúc
Bình luận (0)