Đầu giờ chiều 19-9, bão số 4 đã áp sát bờ biển các tỉnh miền Trung kèm theo mưa lớn đã làm xuất hiện một số điểm sạt lở. Chính quyền các địa phương đã khẩn trương di dời dân để đảm bảo an toàn…
Tại tỉnh Quảng Nam: Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, mưa lớn trên địa bàn huyện hai hôm nay đã khiến mực nước sông dâng cao chảy xiết. Kèm theo đó đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở. Huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành sơ tán khẩn cấp 51 hộ dân với 164 nhân khẩu ở các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở cao về nơi trú ẩn an toàn. Cụ thể, xã Trà Mai đã sơ tán 8 hộ với hơn 20 nhân khẩu của khu dân cư Tăk Ven về trú ẩn tại khu trung tâm lễ hội sâm Ngọc Linh. Một số hộ dân dọc đường ĐH10 khu trung tâm hành chính Tắc Pỏ được sơ tán về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú – THCS Trà Mai.
Mưa lớn cũng đã gây sạt lở điểm trường Răng Chuỗi ở thôn 1 xã Trà Tập; khu dân cư Măng Xoan – Tu Chân thuộc thôn 4 xã Trà Cang; sạt lở taluy âm tuyến đường DH3 xã Trà Cang, ĐH1 từ Trà Dơn đi Trà Leng, tuyến đường từ Trà Mai đi Trà Vân – Trà Vinh… Ông Đinh Văn Vượng, Phó Chủ tịch UBND xã Trà Don, cho biết xã đã sơ tán xong các hộ trong danh sách cần sơ tán khẩn cấp. Tuy nhiên, khi mưa ngày càng lớn, đã xuất hiện những điểm sạt mới, nằm ngoài dự đoán của địa phương. Ngay trong đêm 18-9, xã phải sơ tán thêm 4 hộ với gần 10 nhân khẩu đến nơi tránh trú an toàn.
UBND huyện Nam Trà My cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng đảm bảo lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ di dời khẩn cấp. Đồng thời yêu cầu các xã tiếp tục kiểm tra bám sát tình hình thực tế và sẵn sàng triển khai di dời các hộ dân đến nơi an toàn nếu thấy nguy cơ sạt lở.
Tại tỉnh Thừa Thiên – Huế, mưa diễn ra với cường độ lớn. Ước tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm. Tỉnh này đã khẩn trương lên phương án di dời 16.349 hộ/52.186 khẩu đến vùng an toàn trong tình huống mưa lớn tiếp tục, gây ngập lụt và nguy cơ sạt lở đe dọa. Trước đó, tại huyện Quảng Điền, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Quảng Điền cử cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp về cơ sở giúp dân. Tại xã Quảng Phước, lực lượng đã triển khai gia cố, xử lý sạt lở kè hói Hàng Tổng đoạn trước cống Mai Dương nhằm ngăn chặn tình trạng xói lở có thể xảy ra khi nước lũ về.
Ban CHQS huyện Quảng Điền cũng đã cử các tổ cán bộ, chiến sĩ cơ động về địa phương phối hợp với lực lượng tại chỗ tổ chức kiểm tra các tuyến đê trên địa bàn các xã Quảng Vinh, Quảng Phú… để có phương án hỗ trợ kịp thời. Phối hợp với người dân các xã ven biển Quảng Công, Quảng Ngạn tổ chức neo đậu tàu thuyền tránh thiệt hại lớn khi bão vào bờ.
Tại tỉnh Quảng Bình, mưa lớn trong đêm 18-9, rạng sáng 19-9 đã gây sạt lở, chia cắt cục bộ một số điểm như: Tại Km121+950 QL 12A nước từ trên đồi kèm theo đất đá trôi xuống đường; Ngầm K Ai/xã Dân Hóa (địa bàn Đồn Cha Lo) nước dâng cao khoảng 1m, người và phương tiện không qua lại được; Ngầm CuPi, Ngầm Tà Cổ/xã Trọng Hóa (địa bàn Đồn Ra Mai) nước dâng cao khoảng 0,5-0,7m, người và phương tiện không qua lại được; Ngầm CuPi bị xói, lở hoàn toàn; Cầu Cây Bươu, ngầm cầu tràn bản Lương Năng/xã Hóa Sơn (địa bàn đồn Cà Xèng) nước ngập sâu khoảng 0,6m, người và phương tiện không qua lại được. Tại các điểm kể trên, lực lượng biên phòng đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Tính đến 11 giờ ngày 19-9, Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 238hộ/918 khẩu, cụ thể: Huyện Lệ Thủy: 35 hộ/100 khẩu (bản Mít Cát); huyện Bố Trạch: 82 hộ/347; huyện Tuyên Hóa: 27 hộ/90 khẩu (đồi Phòng không); huyện Minh Hóa: xã Hồng Hóa di dời 94 hộ/381 khẩu.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)