Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về phát triển kinh tế – xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 24-9, tại TP.Biên Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm 2024, những kiến nghị, đề xuất của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai về tình hình phát triển kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2024. Ảnh: VGP  

Tham dự buổi làm việc có: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy; Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh; Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Theo báo cáo, trong những tháng đầu năm, tỉnh Đồng Nai đã đạt những kết quả tích cực về phát triển kinh tế – xã hội. GRDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,8%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,42%), xếp thứ 3/6 của vùng Đông Nam bộ và xếp thứ 25/63 cả nước. Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đạt 15,6 tỷ USD, tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,3 tỷ USD, tăng 8,71%; xuất siêu 4,3 tỷ USD. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước 9 tháng đạt 43.700 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định. Công nghiệp tiếp tục phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 7,37% so cùng kỳ, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (tăng 4,02%). Thương mại, dịch vụ phát triển tốt; giá cả, lạm phát được kiểm soát. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 12,6%. CPI bình quân 8 tháng tăng 2,95% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Vốn đầu tư trong nước là điểm sáng, 9 tháng năm 2024 đã đăng ký cấp giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư và điều chỉnh tăng vốn hơn 42.100 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ. Thu hút FDI đạt 1,089 tỷ USD, tăng 34%. Tình hình quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Làm tốt công tác y tế – giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo, các đề xuất của Đồng Nai, các ý kiến phát biểu sâu sắc, thẳng thắn, sát thực tiễn của các đại biểu. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan rà soát, tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện, sớm trình ban hành Kết luận của Thủ tướng Chín phủ để thống nhất triển khai, thực hiện.

Các đại biểu tham dự buổi làm việc. Ảnh: Nhật Bắc

Nhấn mạnh thêm về tiềm năng, lợi thế của Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỉnh có diện tích không lớn nhưng nguồn nhân lực dồi dào với dân số đứng thứ 5 cả nước. Tỉnh có vị trí địa lý chiến lược quan trọng của vùng Đông Nam bộ, có liên kết chặt chẽ với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu là những động lực tăng trưởng của khu vực và cả nước. Đồng Nai là đầu mối giao thông quan trọng, thủ phủ công nghiệp; có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng và văn hóa phong phú; cảnh quan thiên nhiên sinh thái đa dạng là “lá phổi xanh” giữa miền Đông Nam bộ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương nỗ lực và những kết quả quan trọng về kinh tế – xã hội trong những tháng đầu năm mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Đồng Nai đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước. Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Đồng Nai đã nỗ lực rất lớn, đặc biệt làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; tích cực triển khai các dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TP.HCM. Thủ tướng đánh giá, Đồng Nai có thể hoàn thành được những chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh khó khăn, góp phần hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, quan trọng, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Đồng Nai. Theo đó, kinh tế có mức tăng trưởng cao, nhưng chưa thực sự bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Chất lượng tăng trưởng phải nỗ lực nâng cao hơn. Thu hút FDI lớn nhưng cần theo hướng chất lượng hơn nữa, nhất là các dự án giá trị gia tăng, hàm lượng khoa học – công nghệ cao. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng chiến lược chưa theo kịp nhu cầu phát triển. Cần chú trọng hơn đầu tư, phát triển các thiết chế văn hóa, xã hội.

Về quan điểm, định hướng thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp để có giải pháp phù hợp, những việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn, những mục tiêu có khả năng đạt được thì cần tăng tốc, những gì chưa đạt được thì phải có giải pháp đột phá. Cùng với đó, phải nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để đóng góp tích cực hơn cho vùng và cả nước. Phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; suy nghĩ phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, càng áp lực thì càng phải nỗ lực, phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

Phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc. Tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực và động lực của phát triển; coi trọng công tác bảo đảm an sinh xã hội với quy mô dân số 3,3 triệu người, đứng thứ 5 cả nước, không để ai bị bỏ lại phía sau…

Hà Văn (VGP)

Bình luận (0)