Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Lấy ý kiến nâng cao chất lượng giáo dục mầm non ở đô thị, khu công nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 25-9, Bộ GD-ĐT, Tiểu ban Giáo dục mầm non tổ chức Hội thảo tham vấn giải pháp phát triển cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại địa bàn đô thị, khu công nghiệp (KCN).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ GDMN Nguyễn Bá Minh, cho biết từ năm 2012-2013 áp lực về nhu cầu gửi trẻ của công nhân ở KCN gia tăng do sự dịch chuyển dân số. Dân số cơ học trên địa bàn một số tỉnh thành có KCN tăng vọt, các cơ sở GDMN công lập không đủ năng lực đáp ứng được các nhu cầu. Hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách để phát triển của các cơ sở GDMN ngoài công lập cũng chưa theo kịp nhu cầu. Trong bối cảnh này, xuất hiện các loại hình mới như cơ sở GDMN độc lập tư thục, mặc dù linh hoạt nhưng điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn GDMN rất hạn chế. “Liên tục, hầu như ngày nào trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng có những vụ việc về các trẻ mầm non không được đảm bảo an toàn liên quan đến các cơ sở giáo dục này”, ông Nguyễn Bá Minh nói.

Quang cảnh hội thảo

Theo Vụ trưởng Vụ GDMN, thực hiện Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15-1-2024 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT xây dựng đề án “Phát triển cơ sở GDMN và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ 6 tháng đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có KCN-KCX giai đoạn 2024-2030” và Công văn số 41/TTg-QHĐP ngày 10-1-2024 thì Bộ GD-ĐT xây dựng đề án “Nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn đô thị, KCN”.

Tuy nhiên, căn cứ thực tiễn cho thấy cần thiết ban hành một đề án theo hướng tích hợp 2 nhiệm vụ được giao để tránh trùng lặp nội dung, đối tượng, tập trung nguồn lực. Theo đó, Bộ GD-ĐT đề xuất gộp thành đề án “Nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn đô thị, KCN giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045”.

Đề án vẫn bảo đảm mục tiêu được giao, thúc đẩy phát triển GDMN ở địa bàn đô thị, KCN, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, giúp công nhân, người lao động yên tâm tham gia lao động sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội.

“Trên cơ sở những ý kiến góp ý tại hội thảo, ban tổ chức tổng hợp, tiếp thu nghiên cứu để đưa đề án trình Chính phủ trong thời gian tới”, ông Nguyễn Bá Minh cho hay.

Tính đến cuối năm 2023, cả nước có 431 KCN được thành lập tại 221 đơn vị cấp huyện thuộc 59/63 tỉnh, thành phố. Tại 221 đơn vị này có 13.137 cơ sở GDMN, trong đó 3.612 trường công lập, 1.770 trường ngoài công lập và 7.755 cơ sở GDMN độc lập tư thục. Các cơ sở này huy động được hơn 1,8 triệu trẻ em trong đó tỷ lệ trẻ em là con công nhân làm việc tại các KCN chiếm khoảng 21,5%.

Với đặc điểm tổ chức hoạt động linh hoạt về thời gian nhận, trả trẻ, học phí phù hợp với nhu cầu của người lao động thu nhập thấp, địa điểm gần nơi ở trọ của công nhân, các cơ sở GDMN độc lập tư thục là lựa chọn của đa số công nhân nhập cư làm việc tại KCN.

Những chính sách hỗ trợ đối với GDMN tại địa bàn có KCN đã góp phần nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non tại các cơ sở GDMN độc lập tư thục, giảm bớt khó khăn đối với công nhân, người lao động làm việc tại KCN, góp bảo đảm chất lượng GDMN ở khu vực này.

Tuy nhiên, GDMN ở địa bàn đô thị, KCN, nơi tập trung nhiều lao động vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Công tác quy hoạch, phát triển cơ sở GDMN chưa phù hợp với nhu cầu của công nhân, người lao động. Chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em còn một số hạn chế, đặc biệt là trẻ em nhà trẻ tại cơ sở GDMN độc lập tư thục. Cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển GDMN và công tác phối hợp liên ngành còn một số khó khăn, bất cập.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo

Với dự thảo đề án “Nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn đô thị, KCN giai đoạn 2024-2030, định hướng đến năm 2045” hướng đến mục tiêu giúp trẻ em là con công nhân, người lao động được bảo đảm công bằng trong tiếp cận dịch vụ GDMN có chất lượng.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 100% trẻ em trong cơ sở GDMN ở địa bàn đô thị, KCN được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục bảo đảm an toàn; 100% trẻ em từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ GDMN bảo đảm chất lượng.

Có ít nhất 90% cán bộ quản lý, giáo viên được tiếp cận tài liệu và bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; xây dựng kho tài liệu, học liệu số dành cho cán bộ quản lý, giáo viên dùng chung, tài liệu phổ biến kiến thức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non dành cho cha mẹ được phổ biến trên môi trường điện tử.

Đề án cũng phấn đấu tăng thêm ít nhất 10% số trường mầm non công lập tại địa bàn có KCN có nhóm trẻ dưới 24 tháng; 100% cơ sở GDMN độc lập tư thục đạt tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích theo quy định.

Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố có từ 50.000 lao động làm việc tại KCN triển khai các mô hình cơ sở GDMN phù hợp với đặc thù địa bàn KCN.

Đề án định hướng đến năm 2045 củng cố và tiếp tục nâng cao chất lượng GDMN ở địa bàn đô thị, KCN; triển khai nhân rộng các mô hình GDMN chất lượng, hiệu quả tại tất cả địa bàn các đô thị, KCN theo quy định của pháp luật.

Tại hội thảo, đại diện sở ngành các tỉnh thành trên cả nước đã tham luận những kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng GDMN ở các địa bàn có KCN, nơi có nhiều lao động.

N.Trinh

Bình luận (0)