Năm học 2023-2024 số học sinh khuyết tật tham gia học tập tại TP.HCM tăng 1.274 em so với năm học trước. Trong đó, số lượng học sinh khuyết tật hòa nhập từ lứa tuổi mầm non đến THPT đều tăng mạnh.
Chiều 25-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết giáo dục khuyết tật năm học 2023-2024 và phương hướng hoạt động năm học 2024-2025.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, TP.HCM hiện có 39 đơn vị giáo dục đặc biệt, bao gồm 20 đơn vị công lập (3 trung tâm và 17 trường chuyên biệt) và 19 đơn vị ngoài công lập (15 trung tâm, 4 trường chuyên biệt).
Trong đó, có 21 trường chuyên biệt và 18 trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, với tổng số 326 trẻ mầm non, 3.312 trẻ khuyết tật. Tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 698 người.
Cạnh đó, toàn thành phố có 907 trường từ mầm non đến THPT thực hiện giáo dục hòa nhập. Trong đó, có 56 trường mầm non, 482 trường tiểu học, 274 trường THCS và 95 trường THPT. Tổng số học sinh giáo dục hòa nhập là 10.441 trẻ. Cụ thể, mầm non có 234 trẻ, tiểu học có 4.911 em, THCS có 3.639 em, THPT có 1.657 học sinh.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm học 2023-2024 số học sinh khuyết tật tham gia học tập tăng lên so với năm học trước là 1.274 em. Trong đó, số lượng học sinh khuyết tật hòa nhập từ lứa tuổi mầm non đến THPT đều tăng mạnh.
Theo ông, thành phố luôn tạo môi trường thuận lợi để học sinh khuyết tật được thể hiện phẩm chất, năng lực bản thân, được tiếp cận môi trường và các chương trình giáo dục.
Trong năm học, đội ngũ giáo viên không ngừng được đào tạo và nâng cao năng lực dạy học trẻ khuyết tật. Nhiều thầy cô đã chủ động ứng dụng công nghệ, phương pháp giảng dạy mới để hỗ trợ học sinh một cách hiệu quả. Sự quan tâm của gia đình và cộng đồng, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động trợ giúp người khuyết tật đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện tốt hơn cho các em học sinh khuyết tật được hòa nhập với môi trường học đường.
Tuy nhiên, ông Quốc đánh giá, công tác giáo dục trẻ khuyết tật của thành phố vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục: Cơ sở vật chất, trang thiết bị hỗ trợ giáo dục cho trẻ khuyết tật tại một số cơ sở giáo dục chưa đáp ứng đủ nhu cầu; Chương trình giảng dạy áp dụng cho trẻ khuyết tật nặng, giáo dục đặc thù vẫn cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc điểm riêng của từng nhóm học sinh khuyết tật.
Đội ngũ giáo viên chuyên trách tại các trường chuyên biệt cũng có biến động, nhiều giáo viên xin nghỉ việc, chuyển công tác khác gây khó khăn cho việc duy trì và nâng cao chất lượng giảng dạy.
6 nhiệm vụ trọng tâm với giáo dục khuyết tật
Năm học 2024-2025, để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục cho trẻ khuyết tật, ngành giáo dục TP.HCM đặt ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm:
*Thực hiện Chương trình giáo dục chuyên biệt và hòa nhập: giáo viên phối hợp với nhân viên hỗ trợ, cán bộ y tế và phụ huynh xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho từng trẻ. Các kế hoạch dạy học cần linh hoạt, phù hợp với đối tượng học sinh, cân nhắc kéo giãn thời lượng, nội dung bài học, giảm yêu cầu cần đạt ở giai đoạn đầu năm và chia thành nhiều “chặng” tiếp theo; xây dựng nội dung học tập theo từng chủ đề, từng bài học, từng hoạt động phù hợp…
*Tăng cường huy động các nguồn lực để chăm lo cho giáo dục khuyết tật: Tăng cường xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư giáo dục. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối, vận động nguồn lực xã hội nhằm thực hiện cầu nối yêu thương giữa cộng đồng và người khuyết tật. Tôn vinh, lan tỏa tinh thần, ý nghĩa nhân văn và nhân rộng các tấm gương người tốt việc tốt vì người khuyết tật.
*Ðổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và đánh giá học sinh khuyết tật.
*Thực hiện quy hoạch hợp lý mạng lưới trường, lớp giáo dục chuyên biệt và thực hiện công bằng trong giáo dục: Triển khai rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục chuyên biệt theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; Tích cực tham mưu với UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện thành lập trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, phòng hỗ trợ giáo dục hòa nhập nhằm thúc đẩy công tác giáo dục hòa nhập ở địa phương.
*Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục khuyết tật.
*Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, giáo dục trẻ khuyết tật không chỉ là nhiệm vụ của ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Để các em có cơ hội vươn lên trong học tập và cuộc sống, ngành giáo dục cần chung tay xây dựng một môi trường giáo dục tích cực phù hợp với nhu cầu của trẻ khuyết tật, luôn đầy ắp lòng yêu thương và sự quan tâm.
Theo ông, trong năm học mới, bên cạnh việc thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, TP.HCM sẽ tập trung tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị hỗ trợ học sinh khuyết tật; tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; đẩy mạnh chuyển đổi số giáo dục; thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật.
Đặc biệt, điều chỉnh chương trình giáo dục để phù hợp với nhu cầu cá nhân của từng nhóm học sinh, đảm bảo các em đều có cơ hội được học tập, phát triển toàn diện, công bằng, bình đẳng.
Tăng cường hoạt động ngoại khóa, các chương trình thể thao, văn nghệ, giúp học sinh khuyết tật phát triển toàn diện và tăng cường kỹ năng xã hội.
TP.HCM kiến nghị có thêm chính sách hỗ trợ cho trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập
Từ thực tế triển khai giáo dục khuyết tật trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình hướng nghiệp, chương trình giáo dục giới tính cho học sinh khuyết tật thần kinh, học sinh chậm phát triển trí tuệ. Xây dựng Bộ công cụ giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp cho học sinh chậm phát triển trí tuệ. Đặc biệt cần có thêm những chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước cho các đơn vị tư thục là các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập vì tính chất xã hội thiện nguyện, giúp học sinh khuyết tật có thêm cơ hội đến trường. |
Yến Hoa
Bình luận (0)