Sẽ nghèo nàn biết mấy cho tiếng Việt nếu không có số lượng từ Hán Việt trong kho tàng ngôn ngữ của chúng ta! Bởi vì số lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt chiếm khoảng 60 đến 70%, từ thuần Việt chỉ khoảng 30 đến 40% mà thôi.
Điều đó không có gì lạ do điều kiện lịch sử của dân tộc Việt Nam ngày xưa sống gần một ngàn năm Bắc thuộc! Kể từ khi Ngô Quyền khởi nghĩa, giành được độc lập (năm 939), đất nước ta đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và luôn tỏ rõ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, yêu nước thương nòi; tỏ rõ một sức sống mãnh liệt về nhiều mặt, trong đó có ngôn ngữ tiếng Việt. Với vốn từ Hán trong cuộc sống, trong giao tiếp; ông cha ta đã phát theo âm Việt, phả hồn Việt vào đó và trở thành từ Hán Việt lung linh muôn sắc màu. Lớp từ Hán Việt trong kho tàng tiếng Việt là không thể phủ nhận, không thể có lớp từ ngữ nào thay thế được! Điều diệu kỳ là ngôn ngữ Việt không mất đi mà càng thêm phần sức sống, phong phú hơn, sinh động hơn bởi sự bồi đắp của từ Hán Việt. Lớp từ Hán Việt là công lao tạo dựng từ bao đời của ông cha ta, là vốn quý mà tổ tiên để lại cho con cháu đời sau.
Việc học từ Hán Việt không thể cho là “mất gốc”, bởi từ Hán Việt là hồn cốt của người Việt, của dân tộc Việt Nam. Không riêng gì môn ngữ văn, các môn học khác trong nhà trường như toán, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử… đều gặp rất nhiều từ Hán Việt. Không những học trong nhà trường, chúng ta cũng cần phải tự học, tự tìm hiểu ý nghĩa của từ Hán Việt để thuận tiện khi sử dụng trong công việc, nghề nghiệp của mình.
Trong nhà trường, việc học và sử dụng từ Hán Việt của học sinh chỉ là những kiến thức cơ bản, giới hạn trong tiết học, bài học. Giáo viên các bộ môn cũng cần nắm được nghĩa gốc của từ Hán Việt để khi cần giải thích cặn kẽ cho học sinh hiểu sâu hơn. Thí dụ: “Khi đi sứ Trung Quốc về, Nguyễn Du được thăng chức tham tri bộ Lễ”. Trong sách giáo khoa, không giải thích “tham tri”, “bộ Lễ” là nghĩa thế nào. Nếu học sinh hỏi thì giáo viên sẽ trả lời ra sao nếu không biết nghĩa “tham tri”, “bộ Lễ” ở trên? Nghĩa của từ “tham tri”: Là một chức quan dưới chức Thượng thư trong triều đình phong kiến (tham: dự vào; tri: biết). “Thượng thư” như chức Bộ trưởng và “Tham tri” như chức Thứ trưởng bây giờ. “Bộ Lễ” là một trong sáu bộ trong triều đình Huế, chuyên trông coi việc cúng tế. Còn rất nhiều trường hợp mà chúng ta phải tự học, tự đọc, tự tìm hiểu, không ngừng tích lũy vốn từ Hán Việt cho mình để sử dụng đúng lúc, đúng nơi, đạt hiệu quả biểu đạt, tương tác cao. Nhiều khi thật bức xúc khi trên các phương tiện thông tin đại chúng còn tình trạng sử dụng từ Hán Việt sai, do không hiểu nghĩa. Thí dụ: “Các địa phương chuẩn bị kịch bản chống thiên tai”. Dùng từ “kịch bản” ở đây không đúng! Vì “kịch bản” là “vở kịch được viết ra”. Không lẽ các địa phương viết kịch bản để… chống thiên tai? Phải dùng từ “phương án” mới đúng nghĩa. Phương án là dự kiến về cách thức, trình tự tiến hành công việc trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định nào đó (phương: hướng, cách thức; án: xem xét tình hình trong một việc).
Xem ra việc học từ Hán Việt chẳng dễ dàng chút nào nhưng là một việc rất cần thiết, không thể coi nhẹ. Chúng ta phải học, tự học, tự tìm tòi để làm chủ vốn từ Hán Việt, qua đó sử dụng đúng trong hoàn cảnh mình gặp.
ThS. Lê Đức Đồng
Tài liệu tham khảo: Giải nghĩa và mở rộng từ ngữ Hán Việt (dành cho học sinh các lớp 6-7-8-9), NXB ĐHQG Hà Nội, 2008. Từ điển từ và ngữ Hán Việt – GS. Nguyễn Lân, NXB Từ điển bách khoa, 2002.
Bình luận (0)