Giảm số câu hỏi, tăng tỷ lệ vận dụng lên 40%, xuất hiện nhiều câu hỏi mới là những điểm mới đáng chú ý sẽ xuất hiện trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM năm 2025…
Môn ngữ văn: Ngữ liệu nằm ngoài sách giáo khoa
Ở môn ngữ văn, cấu trúc đề thi tuyển sinh 10 hiện chỉ còn 2 phần là Đọc hiểu và Viết thay vì 3 phần rõ rệt như trước đây là Đọc hiểu; Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Đặc biệt, ngữ liệu phần Đọc hiểu được trích dẫn nằm ngoài sách giáo khoa là văn bản văn học và một trong hai loại: văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin.
Đề thi có 1 câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu. Việc đánh giá tập trung vào các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong Chương trình GDPT 2018 – môn ngữ văn cấp THCS, chủ yếu là lớp 8, lớp 9.
Ông Quốc thông tin, tỷ lệ phân bổ mức độ kiến thức trong đề cũng được điều chỉnh, giảm mức độ nhận biết, thông hiểu, tăng tỷ lệ vận dụng trong đề thi. Trước đây, mức độ nhận biết, thông hiểu sẽ chiếm từ 70-75% kiến thức trong đề thi, hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 60%. Tỷ lệ vận dụng tăng lên 40%. Điều này nhằm đánh giá khả năng vận dụng thực tế của học sinh theo Chương trình GDPT 2018.
Cụ thể: Tỷ lệ nhận biết chiếm 20% trong đề thi, tập trung vào các phần kiến thức, kỹ năng: Đọc hiểu văn bản văn học (5%); Đoạn văn nghị luận văn học hoặc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ (5%) và bài văn nghị luận xã hội (10%).
Thông hiểu 40% tập trung ở các phần kiến thức, kỹ năng: Đọc hiểu văn bản văn học (15%); Đọc hiểu văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin (10%); Đoạn văn nghị luận văn học hoặc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ (5%); Bài văn nghị luận xã hội (10%).
Mức độ vận dụng 40% tập trung ở các phần kiến thức, kỹ năng: Đọc hiểu văn bản văn học (10%); Đoạn văn nghị luận văn học hoặc đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về một bài thơ, đoạn thơ (10%); Bài văn nghị luận xã hội (20%).
Môn toán: Giảm số câu hỏi về bài toán thực tế
Ở môn toán, đề thi tuyển sinh 10 của TP.HCM đã giảm từ 8 câu trước đây xuống còn 7 câu. Trong đó, các bài toán thực tế giảm từ 5 câu xuống còn 4 câu (từ câu 3 – câu 6), bao gồm các dạng: Dạng toán thực tế liên quan đến xác suất, thống kê; Dạng toán thực tế liên quan đến hình học; Dạng toán thực tế liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn.
Phạm vi kiến thức trong đề thi sẽ ở môn toán Chương trình GDPT 2018 cấp THCS. Bao gồm các mạch kiến thức: Hình học và Đo lường; Số và Đại số; Thống kê và Xác suất.
Nội dung kiểm tra nhằm mục đích đánh giá các năng lực toán học: Tư duy và lập luận toán học; Giải quyết vấn đề toán học; Mô hình hóa toán học.
Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, tỷ lệ kiến thức trong đề thi được phân bổ như sau: nhận biết 30%; thông hiểu 40% và vận dụng 40%.
Việc giảm số câu hỏi bài toán thực tế trong đề thi nhằm giúp học sinh định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết khi bước vào cấp THPT. Giảm bớt áp lực cho học sinh, phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Học sinh biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế. Khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt.
Môn tiếng Anh: Thêm 2 câu hỏi mới
Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 TP.HCM môn tiếng Anh năm 2025 bao gồm 40 câu hỏi, chia ra 4 phần: Ngữ âm (từ câu 1-4); Từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp (từ câu 5-16); Đọc hiểu (từ câu 17-28); Viết (từ câu 29-40).
Điểm mới nữa trong đề thi tuyển sinh 10 môn tiếng Anh đó là có 2 câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. 2 câu hỏi mới nhằm kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức.
Mức độ kiến thức trong đề cũng có sự điều chỉnh, cụ thể: nhận biết chiếm 20%; thông hiểu chiếm 40% và vận dụng chiếm 40%.
Yến Hoa
Bình luận (0)