Nghị quyết 31 đã giao nhiệm vụ cho TP.HCM đến năm 2030 trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại và năm 2045 là TP có nền công nghiệp phát triển hiện đại, ngang tầm các nền kinh tế trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn và cụ thể. Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo TP cam kết sẽ tạo thuận lợi hơn nữa để doanh nghiệp yên tâm đầu tư…
Chuyển đổi công nghiệp – yêu cầu cấp thiết
Với vai trò của một trung tâm kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ năng động, sáng tạo, đã có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của cả nước, TP.HCM đang đứng trước yêu cầu cấp bách của tiến trình nâng cao chất lượng và giá trị sống của người dân. Đồng thời, xây dựng một TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình…
Để đạt được nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược mà Nghị quyết 31 đã đề ra, ông Nguyễn Văn Nên – Bí thư Thành ủy TP.HCM – cho biết, giai đoạn hiện nay cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, TP.HCM chọn chuyển đổi xanh, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm; chuyển đổi công nghiệp là động lực; chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu…
“Trước mắt phải tập trung vượt qua khoảng cách lớn. Đó là cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, công nghệ môi trường cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải cách thể chế, thủ tục hành chính. TP cũng cần có những cơ chế chính sách vượt trội, đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển.
Cùng với đó, TP.HCM mong muốn tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư hoạt động và phát triển”, Bí thư Nên nêu bật những ưu tiên để phát triển bền vững.
Theo ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM, chuyển đổi công nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà còn là một yêu cầu cấp thiết đối với TP.HCM và các đô thị trên toàn thế giới. TP.HCM cam kết sẽ tiếp tục là một đối tác năng động, cởi mở và chân thành với các địa phương trên thế giới…
Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh, trước áp lực kép từ việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội ngày càng khắt khe, buộc phải đổi mới và thích ứng. Hành trình chuyển đổi công nghiệp của TP.HCM được thúc đẩy bởi cả động lực nội tại và những xu hướng toàn cầu.
Để duy trì tính cạnh tranh và phát triển bền vững, TP.HCM cần phải chuyển đổi từ các ngành công nghiệp truyền thống sang các ngành công nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn. Theo thống kê, hiện tỷ trọng các ngành công nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 23% trong tổng GDP của TP, mục tiêu của TP.HCM là nâng tỷ trọng này lên 40% vào năm 2030. Qua đó, không chỉ duy trì sự đóng góp của TP.HCM vào nền kinh tế quốc gia mà còn củng cố vị thế dẫn đầu trong cả nước và khu vực.
“Để duy trì sự hiện diện vững chắc trên thị trường toàn cầu, TP.HCM cần phải đáp ứng những tiêu chuẩn này. Để ứng phó với những thách thức này, TP.HCM đã áp dụng một chiến lược kép, kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số”, ông Mãi nói.
Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, đầu tư vào công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data) có thể giúp tiết kiệm chi phí sản xuất lên đến 20% và giảm lượng khí thải carbon đến 15% trên mỗi đơn vị sản phẩm. Mục tiêu của TP.HCM là xây dựng một nền kinh tế bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi, trở thành mô hình có thể tham khảo đối với các địa phương.
.HCM cũng đang tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào tự động hóa, nhà máy thông minh và công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm nâng cấp chuỗi giá trị.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng công nghệ cao có thể tăng năng suất lao động lên đến 30% trong vòng 10 năm tới, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên và tăng cường khả năng cạnh tranh.
“Chuyển đổi công nghiệp là một hành trình không thể thực hiện đơn lẻ mà cần có sự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và khám phá các cơ hội hợp tác mới”, ông Mãi khẳng định.
Chú trọng đầu tư cho khoa học công nghệ và nguồn nhân lực
Bà Nguyễn Minh Hằng – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – cho biết, trải qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng 96 lần so với năm 1986; vai trò, vị thế, uy tín quốc tế được tăng cường. Vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên nhóm 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong nhóm 20 quốc gia lớn nhất thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia; trong đó có 7 nước đối tác chiến lược toàn diện, 11 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Với tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao, Việt Nam sẽ tiếp tục nắm bắt mọi thuận lợi, thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển nhanh và bền vững dựa trên nền tảng đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát huy tối đa nội lực, kết hợp hiệu quả ngoại lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
“Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy; là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong đó, TP.HCM sẽ tiếp tục đóng vai trò động lực, đầu tàu dẫn dắt của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là “trung tâm” lớn của Việt Nam về kinh tế, tài chính, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, GD-ĐT; là “cửa ngõ” quan trọng kết nối với khu vực và thế giới”, bà Hằng nói.
Theo bà Hằng, lịch sử chuyển đổi công nghiệp trên toàn cầu và bài học thành công của một số nước công nghiệp hóa đi sau cũng khẳng định, nhất thiết phải chú trọng đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực. Coi công nghệ và phát triển nguồn nhân lực là con đường chủ đạo để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”; coi con người là nhân tố trung tâm của công cuộc chuyển đổi công nghiệp.
“Chúng ta không thể thực hiện các mục tiêu cao cả về phát triển và thịnh vượng chung trên toàn cầu nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng. Chúng ta cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các địa phương, thúc đẩy giao lưu văn hóa và chia sẻ kinh nghiệm phát triển. Với tinh thần hữu nghị và hợp tác, chúng ta sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức và đạt được những thành tựu to lớn trong tiến trình chuyển đổi công nghiệp thông minh và bền vững”, bà Hằng cho hay.
Hướng Văn
Bình luận (0)