Giai đoạn 2015-2020, cả nước có trên 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật. Năm 2023, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 24.162 đảng viên, tăng 12% so với năm 2022; trong đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. 6 tháng đầu năm 2024, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 3.147 đảng viên…
Vì sao nhiều đảng viên bị kỷ luật?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Phạm Chánh Trực – nguyên Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM – cho rằng, trước hết là vì phẩm chất “Đảng viên là người lãnh đạo và là đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, “công chức là công bộc của nhân dân” chưa trở thành ý thức thường xuyên và tâm huyết của cán bộ, đảng viên, công chức trong đạo đức và trách nhiệm công vụ. Thứ hai, Đảng và Nhà nước chưa tiêu chuẩn hóa đạo đức của cán bộ, công chức, những chức danh, công vụ một cách cụ thể, chặt chẽ, chưa đấu tranh quyết liệt theo yêu cầu “Cán bộ công chức là công bộc của nhân dân”, trong khi đảng viên chưa thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, “Đảng viên là người lãnh đạo và là đầy tớ trung thành của nhân dân”. Về phía đảng viên cũng chưa quán triệt thường xuyên, đầy đủ và sâu sắc những nhiệm vụ của đảng viên mà Điều lệ Đảng ghi rõ; đồng thời việc tự rèn luyện của cán bộ, đảng viên chưa thường xuyên, nhiều trường hợp qua loa, thiếu nghiêm túc, thiếu tự giác nên chủ nghĩa cá nhân từng lúc trỗi dậy mà mình không đủ sức chống chọi, tự đấu tranh, trong khi chi bộ thiếu sâu sát trong sinh hoạt phê bình tự phê bình…
“Nội dung vi phạm thường là chấp hành đường lối, nghị quyết Đảng (dao động tư tưởng khi gặp thực tế dẫn tới khác quan điểm đường lối Đảng); chấp hành nguyên tắc Đảng không nghiêm, lỏng lẻo, tùy tiện; sinh hoạt chi bộ chưa nghiêm túc, phê bình tự phê bình qua loa, thiếu tự giác, thiếu đấu tranh xây dựng nội bộ; không quan tâm liên hệ chặt chẽ với nhân dân, thiếu ý thức và tình cảm trước nỗi khó khăn thậm chí đau khổ của dân, nhiều đảng viên vô cảm với những nỗi đau và bức xúc của người dân bị đối xử bất công, bị ức hiếp; nhiều cán bộ sống xa hoa, phóng túng… làm nhân dân bất bình, bất phục, do đó ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước”, ông Trực nêu.
Ngoài ra, theo ông Trực, Ban Tổ chức có nhiệm vụ quản lý cán bộ, đảng viên và trách nhiệm tham mưu đề xuất phân công bố trí cán bộ, đề bạt cán bộ nhưng nhiều trường hợp không chính xác, thậm chí rất sai lầm, ví dụ Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Lê Đức Thọ… Ban Kiểm tra Đảng cũng đã không chu toàn trách nhiệm khi để những cán bộ từng sai lầm, mắc khuyết điểm lại được đề bạt liên tiếp nhiều chức vụ trong nhiều năm, cuối cùng bị phát hiện tham nhũng.
Trong một thời gian dài, các cơ quan tham mưu của Đảng, cả ban tổ chức và ủy ban kiểm tra của nhiều cấp, nhiều địa phương đã thi hành nhiệm vụ một cách quan liêu, hành chính, dẫn tới không quán xuyến chặt chẽ việc quản lý, kiểm tra giám sát đảng viên, cán bộ và đã tham mưu cho cấp ủy phân công bố trí, đề bạt cán bộ sai sót nghiêm trọng.
Một số cán bộ của các ban Đảng thiếu nêu gương, lâm vào “nhóm lợi ích” hoặc bè phái, cục bộ địa phương, làm phương hại uy tín và niềm tin đối với Đảng như một số vụ việc “chạy chức chạy quyền” đã bị phê phán…
Chỉnh đốn tư cách đảng viên
“Điều đáng lo nhất là một số không ít đảng viên và cán bộ Đảng ở các cấp cho đến cấp Trung ương đã sa vào suy thoái, tiêu cực, thậm chí bị kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng và bị pháp luật nghiêm trị, đánh mất niềm tin của nhân dân, làm giảm uy tín của Đảng. Những vụ án tham nhũng được phát hiện ngày càng có quy mô lớn, lây nhiễm nhiều cán bộ cấp cao, làm cho nhân dân hoang mang; ảnh hưởng niềm tin lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước…”, ông Trực – tâm tư.
Theo ông Trực, để cán bộ, đảng viên không sa ngã, không tha hóa thì phải chỉnh đốn tư cách đảng viên (đạo đức, tư tưởng, chính trị, lối sống, phong cách, quan hệ xã hội). Xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên thấm nhuần đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thật sự là công bộc của nhân dân, thật sự là người cộng sản chân chính…
Chỉnh đốn đảng viên là trọng tâm của cuộc chỉnh đốn Đảng. Chỉnh đốn Đảng trong toàn thể cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quyết định trực tiếp thành công của Đảng. Vì vậy, chỉnh đốn Đảng là chỉnh đốn trách nhiệm của tổ chức Đảng đối với quản lý và xây dựng rèn luyện cán bộ đảng viên.
Để quyền lực không làm tha hóa cán bộ đảng viên như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng cảnh báo: “Quyền lực đã làm tha hóa nhanh nhiều cán bộ lãnh đạo. Và điều đó đang diễn ra hàng ngày ở nơi nào thiếu đấu tranh nội bộ, ở nơi nào quyền lợi đem lại lợi ích cho cá nhân hay bè nhóm, chứ không phải đem lại lợi ích cho nhân dân, cho xã hội”; theo ông Trực thì hạn chế những điều kiện dễ dãi cho tham ô, lãng phí là việc cần quan tâm thường xuyên của các cơ quan Đảng và Nhà nước; công khai minh bạch thu nhập cán bộ đảng viên là yêu cầu bắt buộc và tự giác của cán bộ đảng viên. Đồng thời, khi phát hiện tình cảnh cán bộ đảng viên có khó khăn, gia đình không đủ sống… thì tổ chức Đảng cần quan tâm đúng mức đồng chí mình.
“Biện pháp thường xuyên có ý nghĩa then chốt là người đứng đầu các cấp các ngành phải nêu gương liêm chính, thấm nhuần sâu sắc đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của Bác Hồ. Khi người đứng đầu các cấp ủy Đảng gương mẫu, trong sạch thì cấp dưới và bộ máy Nhà nước khó tham ô, nhũng nhiễu, cửa quyền, ức hiếp nhân dân”, ông Trực nhấn mạnh.
Ông Trực cho rằng, đảng viên hay tổ chức Đảng sai trái phải bị kỷ luật nhưng kỷ luật Đảng là kỷ luật tự giác. Vì vậy nếu không tự giác thấy khuyết điểm, sai lầm và tự giác sửa chữa khuyết điểm sai lầm thì không xứng đáng là đảng viên, không xứng đáng là một tổ chức của Đảng. Kỷ luật của Đảng đối với đảng viên là khai trừ ra khỏi Đảng, đối với tổ chức Đảng là giải tán. Đây là kỷ luật cao nhất của Đảng. Và như vậy, Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh…
“Muốn nâng cao hiệu quả thi hành Điều lệ Đảng phải nâng cao giác ngộ của đảng viên và tổ chức Đảng”, ông Trực nhấn mạnh.
Hòa Triều
Bình luận (0)