Tháng 7-2023, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM được Bộ GD-ĐT phê duyệt cho phép thực hiện dự án “Hỗ trợ đào tạo và bồi dưỡng về STEAM cho giảng viên và sinh viên ngành giáo dục tiểu học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM”. Dự án do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Osaka Kyoiku (Nhật Bản) hợp tác thực hiện dưới sự quản lý, hỗ trợ của Bộ GD-ĐT Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Mới đây, theo dự án, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Osaka Kyoiku kết hợp tổ chức hội thảo – tập huấn dành cho giáo viên đang được phân phụ trách giáo dục STEAM cho học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố. Tại đây, tất cả giáo viên đều nhận ra rất nhiều điều mới mẻ, thú vị trong cách thức tổ chức giáo dục STEAM. Phần lý thuyết diễn ra thật nhanh, gọn, thời gian chủ yếu dành cho phần thực hành của giáo viên ở các “gian hàng học tập”. Theo đó, giáo viên phải làm theo sự gợi ý của các giảng viên đến từ Trường ĐH Osaka Kyoiku và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Cụ thể, thầy cô phải làm việc trực tiếp tại các “gian hàng học tập” như một học sinh tiểu học và làm ra được các sản phẩm như yêu cầu của gian hàng là hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi “Gian hàng học tập” là một hoạt động STEAM dành cho học sinh tiểu học với các dụng cụ, vật liệu… đơn giản, dễ tìm kiếm. Như gian hàng “Giấy thử bắp cải tím” là hoạt động làm nước bắp cải màu tím thành màu đỏ khi thêm nước cốt chanh, thành màu xanh khi thêm vào một ít bột nở. Qua những màu sắc được tạo ra đó, giáo viên có thể tô vẽ trên giấy rồi làm thành các món đồ thủ công bằng giấy với những sắc màu tự nhiên. Trong hoạt động “Giấy thử bắp cải tím”, sự thay đổi màu sắc là khoa học (S), việc thêm chanh (axít) hoặc bột nở (kiềm) là công nghệ (T) và sử dụng thay đổi màu sắc trong làm đồ thủ công là nghệ thuật (A). Từ hoạt động này, giáo viên có thể thay thế bắp cải tím bằng thanh long đỏ, củ dền… theo điều kiện thực tế. Hay gian hàng ““See” the sound”, giáo viên được làm đồ chơi từ các vật liệu như ly nhựa, bong bóng, nhang… Cách làm súng bắn khói này thật đơn giản nhưng rất hay vì khi tạo ra âm thanh từ súng khói, chúng ta cũng thấy được một luồng khói di chuyển từ súng bay ra. Súng khói có thể làm rung một cái chuông hoặc làm đổ một ly nhựa ở xa. Ở hoạt động này, việc gõ vào bong bóng sẽ tác động một lực lên không khí đầy khói trong ly nhựa, làm cho một luồng khói di chuyển ra khỏi lỗ ở đáy ly là chúng ta thấy được “hình dạng” của âm thanh là khoa học (S), áp dụng và kết hợp các vật liệu tái chế hoặc dễ tìm để làm đồ chơi là kỹ thuật (E). Tại gian hàng “Giá đỡ điện thoại – góc biến hình”, giáo viên làm giá đỡ điện thoại có thể thay đổi được góc nghiêng khi đỡ điện thoại bằng giấy bìa. Hoạt động làm một dụng cụ hữu ích cho cuộc sống với hình chữ nhật, hình vuông, góc nhọn, góc tù… là toán học (M); thực hiện các thao tác cắt, dán, xử lý vật liệu, thiết kế và chế tạo bộ phận chân đỡ có thể thay thế góc bằng nhiều cách là kỹ thuật (E), công nghệ (T). Đặc biệt, gian hàng “Con tàu của Noah” tạo được nhiều tiếng cười vui thoải mái từ sự hào hứng của các giáo viên bởi nó như một trò chơi của tuổi thơ. Theo đó, giáo viên làm thuyền từ giấy nhôm (giấy bạc) theo sáng tạo của mình rồi thả xuống hồ nước, sau đó chất đồ lên thuyền, thuyền nào chở được nhiều hàng nhất sẽ được nhiều điểm và chiến thắng nhưng nếu “tham lam” chất quá nhiều làm thuyền chìm thì 0 điểm, thua cuộc. Ở gian hàng này, sự nổi của thuyền là khoa học (S); sáng tạo tự do để làm ra chiếc thuyền đẹp là nghệ thuật (A); các vật chất lên thuyền được tính bằng gam: 5g, 10g, 20g… để tính được khối lượng thuyền mình chở được bao nhiêu là toán học (M).
Gian hàng “Kiến trúc sư của thị trấn Match” có lẽ là gian hàng làm khó nhiều giáo viên nhất bởi vì trong một thời gian rất ngắn mà thầy cô phải thiết kế ngôi nhà, cầu tuột, tháp chuông… theo sáng tạo của mình bằng que diêm, tăm xỉa răng, tăm bông với số lượng que diêm, tăm xỉa răng, tăm bông theo yêu cầu của gian hàng. Với hoạt động ở gian hàng này, các yếu tố khoa học (S), kỹ thuật (E), toán học (M), nghệ thuật (A) đều có. Trong khi đó, ở gian hàng “Âm thanh và màu sắc” thật độc đáo với hoạt động “làm cốc âm nhạc” – các giáo viên đổ nước vào từng ly thủy tinh, rót thật chậm, dùng muỗng gõ nhẹ vào ly và lắng nghe âm thanh. Khi có độ cao mong muốn (Do, Re, Mi, Fa, Sol) thì dừng lại. Sau đó, thầy cô nhỏ màu thực phẩm và pha màu vào mỗi ly cho có màu sắc khác nhau. Cuối cùng, thầy cô dùng thìa gõ vào ly thủy tinh để tạo ra âm thanh của bài Jingle Bells. Việc đổ nước để tạo ra các âm thanh cao, thấp là khoa học (S), pha chế màu xanh da trời và vàng để thành xanh lá cây, màu đỏ và màu vàng thành màu cam… và gõ muỗng vào ly để tạo ra tiếng nhạc là nghệ thuật (A). Gian hàng “Làm nhạc cụ” cũng đem đến sự thú vị cho giáo viên. Theo đó, thầy cô làm một nhạc cụ gõ tương tự như song lang bằng vỏ sò, miếng nhựa… Đặc biệt, giảng viên hướng dẫn còn chỉ giáo viên cách sử dụng nhạc cụ gõ này để thực hiện trò chơi toán học với các phép tính cộng, trừ, nhân, chia đơn giản. Việc làm được nhạc cụ là kỹ thuật (E), trang trí và tạo ra được âm thanh gõ là nghệ thuật (A), đo hình chữ nhật có chiều rộng bằng vỏ sò, chiều dài phù hợp cho nhạc cụ và sử dụng trong trò chơi cộng, trừ, nhân, chia là toán học (M). Đặc biệt, hoạt động ở gian hàng “ICT” đủ các yếu tố của STEAM. Giáo viên được làm trên máy tính có thiết bị microbit, thiết kế các ngọn đèn sáng theo hình dạng mình muốn, mức độ sáng của đèn theo giọng nói, mức độ sáng của đèn theo ánh sáng bên ngoài… Hoạt động như “chơi game” này thật hấp dẫn nhưng cũng thật sự gắn kết với thực tế. Tuy nhiên, vài giáo viên còn băn khoăn về kinh phí thực hiện gian hàng “ICT” này ở các trường khó khăn…
Tôi đã tham dự nhiều hội thảo, tập huấn về STEAM ở tiểu học nhưng các hội thảo, tập huấn ấy quá nặng về lý thuyết, thời gian dành cho thực hành quá ít. Thực hành ít mà các hoạt động minh họa lại khó, không phù hợp với học sinh tiểu học và vật liệu, đồ dùng sử dụng thường đắt tiền. Các hội thảo, tập huấn đậm chất lý thuyết ấy không giúp ích gì cho giáo viên tiểu học trong việc dạy học STEAM. Hội thảo, tập huấn do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Trường ĐH Osaka Kyoiku tổ chức vừa qua thật tuyệt vời! Vì tất cả giáo viên thấy rõ được việc dạy học STEAM ở trường tiểu học và từ hoạt động ở các “gian hàng học tập” này, thầy cô có thể áp dụng, sáng tạo thêm nhiều hoạt động khác trong việc dạy bài học STEAM, sinh hoạt câu lạc bộ STEAM và cả ngày hội STEAM ở trường tiểu học.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)