Hơn lúc nào hết, việc trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện những di huấn của Người trong bồi dưỡng, đào tạo người công dân tốt cho nước nhà là một trong những giải pháp vô cùng cần thiết, góp phần vào việc xây dựng lực lượng kế cận – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Sự chênh lệch giữa dạy chữ và dạy người đang là vấn đề đặt ra
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) luôn tìm những giải pháp tích cực để thực hiện những mục tiêu đã định. Đơn vị này đã tập trung xây dựng, mở rộng, phát triển quy mô và cơ sở vật chất, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế. Bà Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch HĐQT Trường TH Đoàn Thị Điểm chia sẻ: “Những năm đầu, nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày bán trú tại trường, dạy ngoại ngữ cho học sinh từ lớp 1, tổ chức giao lưu văn hóa với các nước tiên tiến trên thế giới, tổ chức các hoạt động tham quan, dã ngoại cho học sinh. Việc thực hiện tốt những chủ trương mới của nhà trường nên bước đầu xây dựng được niềm tin của cha mẹ học sinh và gây được sự chú ý của xã hội”.
Tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đơn vị này cũng luôn chú trọng đến nhiệm vụ giáo dục toàn diện nguồn nhân lực theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo GS.TS Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ngoài việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập hiện đại theo hướng gắn với thực hành, thực tiễn để nâng cao năng lực người học thì việc tổ chức các hoạt động nhằm phát triển phẩm chất, tầm nhìn và kỹ năng của người học cũng được đặc biệt quan tâm thông qua việc tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện, chia sẻ cộng đồng và các hoạt động xã hội khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong những năm qua, công tác GD-ĐT của Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn còn một số tồn tại, ảnh hưởng đến việc nâng cao hiệu quả thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh trong GD-ĐT người công dân tốt. Trong đó, vẫn còn một bộ phận sinh viên chưa phát huy được tính tích cực, tự giác trong lao động, học tập, rèn luyện, chạy theo lối sống thực dụng, chưa ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội và đối với đất nước. Vẫn còn một số sinh viên có biểu hiện xa rời các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp vốn vẫn đang phù hợp với thời kỳ hiện đại.
GS.TS Nguyễn Văn Minh – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng về tổng thể hệ thống, mặc dù đã có những thành quả nhất định, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan và cầu thị thì hệ thống giáo dục của chúng ta đang thiếu sự liên thông bền vững, đâu đó còn có sự cắt khúc, chồng chéo, thiếu nhất quán trong quản lý; còn có sự bất cập giữa chiến lược phát triển đất nước với việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.
Hệ thống đại học có những bước tiến nhất định, nhưng chưa thực sự bền vững, chưa định hình giá trị đầy đủ, chưa được quản lý một cách đúng mức đang xuất hiện. Tình trạng “sính bằng cấp” ngày càng trở nên trầm trọng. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến “học giả bằng giả”, thậm chí “học giả bằng thật”. Đối với giáo dục phổ thông, đã đạt được một số thành tựu đáng mừng nhưng vẫn còn bệnh thành tích. Không ít nhà trường coi trọng điểm số, phụ huynh quan tâm đến bản “học bạ đẹp” và đã có những can thiệp đến thực học của con em. Một số địa phương đặt nặng thành tích cao hơn thực lực giáo dục của địa phương mình. Điều đó khiến tình hình giáo dục có nơi, có lúc đang quay theo một cái guồng lệch chuẩn quỹ đạo mong muốn; sự chênh lệch giữa dạy chữ và dạy người đang là vấn đề đặt ra.
Phải thực sự đổi mới tư duy, hoạt động quản lý giáo dục
Theo các nhà quản lý, đào tạo người công dân tốt ở Việt Nam hiện nay là yêu cầu, đòi hỏi khách quan của quá trình xây dựng, hoàn thiện chế độ mới, góp phần đảm bảo thành công của sự nghiệp xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Hơn lúc nào hết, việc trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện những di huấn của Người bồi dưỡng, đào tạo người công dân tốt cho nước nhà là một trong những giải pháp vô cùng cần thiết, góp phần vào việc xây dựng lực lượng kế cận – những chủ nhân tương lai của đất nước.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào quản lý giáo dục ở Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Thị Mai Anh – Tạp chí Cộng sản nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu, định hướng của quản lý giáo dục cần được xác định rõ là phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học – công nghệ, với định hướng phát triển nguồn nhân lực. Muốn vậy, ngành giáo dục phải chuyển mạnh từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học, hướng đến đào tạo toàn diện con người, cả về trí, đức, thể, mỹ… và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục toàn diện, đổi mới tư duy quản lý giáo dục. Cần có sự điều chỉnh theo hướng giáo dục toàn diện, từ kiến thức đến đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, thể chất, ngoại ngữ… Muốn đạt mục tiêu này, giáo dục phải thực sự đổi mới từ hoạt động quản lý. Phương pháp quản lý giáo dục sẽ định hình cho phương pháp giáo dục, tư tưởng của các nhà quản lý giáo dục sẽ quyết định phương thức, nội dung giáo dục.
Góc độ khác, GS.TS Nguyễn Văn Minh chỉ ra nhiều việc phải làm, đó là việc phải đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp của GD-ĐT; thực hiện giáo dục toàn diện và học tập suốt đời. Đặc biệt ông nhấn mạnh đến việc phải xác định đúng vị trí, vai trò của GD-ĐT, xây dựng đầy đủ và đồng bộ thể chế, chính sách phát triển GD-ĐT. Hơn 10 năm qua, trên cơ sở tinh thần đổi mới đó, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển giáo dục đất nước sát với 9 nhiệm vụ, giải pháp như trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đã đề ra và đã có những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, có những nội dung, việc thể chế hóa còn chậm. “Đơn cử, Nghị quyết 29 chỉ rõ “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”, song nhiệm vụ này hầu như chưa được triển khai kịp thời”, ông Minh cho hay; đồng thời ông nhấn mạnh: “Thành tích là đáng ghi nhận, nhưng nếu không nhìn trực diện vào các hạn chế, yếu kém thì khó bề tiến bộ. Khi chưa cải thiện về thu nhập, về môi trường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì khó nói đến nâng cao chất lượng giáo dục”.
Minh Phương
Bình luận (0)