Hướng nghiệp - Tuyển sinh

Vì sao TP.HCM giảm số bài toán thực tế trong đề thi tuyển sinh 10 năm 2025?

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn toán TP.HCM năm 2025 giảm số bài toán thực tế từ 5 câu (trong các kỳ thi tuyển sinh trước) xuống còn 4 câu. Đồng thời, đề thi xuất hiện một dạng toán thực tế mới về xác suất, thống kê.

Ở môn toán, đề thi tuyển sinh gồm có 7 câu, trong đó câu 1, 2 là các bài toán quen thuộc, cơ bản về đồ thị, hệ thức Viete, giải phương trình; từ câu 3 đến câu 6 là các bài toán thực tế; câu 7 là hình học phẳng.

Căn cứ vào cấu trúc định dạnh đề thi và đề minh hoạ môn toán được Sở GD-ĐT TP.HCM ban hành, có thể thấy so với đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2006 trước đây, đề thi năm 2025 đã giảm 1 câu về bài toán thực tế, đồng thời xuất hiện thêm dạng toán thực tế mới về xác suất, thống kê.

Trao đổi về những điều chỉnh này, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, những điều chỉnh trong đề thi nhằm phù hợp với yêu cầu cần đạt và mục tiêu đánh giá của môn học trong Chương trình GDPT 2018 bậc THCS.

TP.HCM điều chỉnh cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025

Chương trình GDPT 2018 môn toán ở bậc THCS gồm 3 mạch kiến thức: hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Chương trình GDPT 2006 trước đây, mạch kiến thức xác suất, thống kê không được đưa vào.

Vì thế, đề thi tuyển sinh lớp 10 năm nay được bổ sung thêm mạch kiến thức về xác suất, thống kê. Cạnh đó, có những nội dung kiến thức trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2006 đã không còn phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Do vậy, đề thi phải được cân đối để điều chỉnh số câu và mạch kiến thức trong đề.

Làm rõ hơn, theo ông Quốc, với Chương trình GDPT 2006, có những dạng bài đòi hỏi học sinh phải vận dụng nhiều định lý mới có thể giải được, tuy nhiên theo chương trình mới thì không còn nữa. Ví dụ, với bài toán thực tế về hình học không gian, trước đây học sinh sẽ phải vận dụng nhiều định lý để giải, các định lý này các em đã được học từ năm lớp 8. Song với Chương trình GDPT 2018 thì lớp 8 lại không học những định lý này.

Hay như câu hình học phẳng trong đề thi, trước đây sẽ yêu cầu học sinh chứng minh, buộc học sinh phải vận dụng các định lý, công thức để chứng minh với yêu cầu vận dụng cao. Thế nhưng, với đề thi theo Chương trình GDPT 2018 thì bắt buộc phải phù hợp với yêu cầu cần đạt, phải nằm trong khung chương trình thì mới đưa vào đề. Vì thế, câu 7 bài hình học phẳng yêu cầu chứng minh trước đây đã thay thế bằng yêu cầu tính toán, chỉ cần các em hiểu là đã có thể tính toán được.

“Chương trình GDPT 2018 kiến thức không đòi hỏi quá sâu mà chỉ ở mức độ thông hiểu, nhận biết, mức độ vận dụng chỉ ở vận dụng thấp chứ không quá đòi hỏi sâu vận dụng cao như trước. Do vậy, việc ra đề thi tuyển sinh vào lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 phải được cân nhắc, đánh giá lại các mạch kiến thức mà học sinh được học trong chương trình, xem rằng nếu ra bài đó, với phần kiến thức đó thì có phù hợp với khung chương trình hay không” – ông Nguyễn Bảo Quốc phân tích.

Do đó, ông Quốc cho biết, khi cân đo lại, để đề thi thể hiện rõ mức độ kiến thức Chương trình GDPT 2018 thì đề đã được bớt đi 1 câu toán thực tế, thêm 1 câu bài toán thực tế về xác suất, thống kê và được cân đối lại khung kiến thức. Trong 4 bài toán thực tế, mức độ thông hiểu chiếm đa số với 60%; vận dụng chiếm 40% song không đòi hỏi quá cao và được rải đều ở cả 4 bài toán thực tế.

“Trong Chương trình GDPT 2018, từ năm lớp 6 học sinh đã được làm quen với dạng toán thực tế. Trong các kỳ kiểm tra định kỳ ở từng khối lớp giáo viên đều có đề cập đến các dạng toán thực tế với mức độ phù hợp. Riêng mạch kiến thức về xác suất, thống kê, học sinh đã được học từ lớp 7 ở mức độ cơ bản, đến lớp 8 bắt đầu tính toán mức độ vừa phải và lên lớp 9, mạch kiến thức được đề cập cũng không quá khó. Bài toán thực tế về xác suất thống kê trong đề thi sẽ chỉ ở mức vận dụng thuần túy, nằm trong chương trình THCS mà học sinh được học”.

Giáo viên phải thay đổi cách dạy

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu, khi Sở GD-ĐT đã ban hành cấu trúc định dạng và đề thi minh họa lớp 10 thì các trường THCS cần xây dựng kế hoạch, nội dung giảng dạy phù hợp với Chương trình GDPT 2018, bám sát theo định hướng về cấu trúc, yêu cầu đánh giá và bảng năng lực, cấp độ tư duy trong đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của sở.

Đặc biệt, giáo viên phải thay đổi tư duy, suy nghĩ và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; cần đánh giá được nội dung mình đưa ra cho học sinh có nằm trong yêu cầu cần đạt không, trong khung chương trình có cho phép không. Giáo viên không khai thác các dạng bài quá cao đối với học sinh mà chỉ tập trung vào nội dung chương trình. Các yêu cầu giao cho học sinh phải rõ ràng, cụ thể, không đánh đố.

Các trường THCS cần rà soát lại những nội dung, yêu cầu cần đạt phù hợp trong Chương trình GDPT 2018 bậc THCS, tập trung ở khối 8, 9, từ đó xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phù hợp nhất. Khi xây dựng hệ thống ngân hàng có thể cho phản biện chéo giữa các trường với nhau để góp ý, hoàn thiện, đáp ứng đúng nhất với mục tiêu.

“Các vấn đề đặt ra trong bài toán thực tế không đòi hỏi cao học sinh phải qua 2, 3 lớp lang để làm nhưng phải làm sao giúp các em phải hiểu vấn đề thực tế để vận dụng những kiến thức đã học để tính toán. Học sinh phải biết vận dụng, tư duy sử dụng kiến thức toán học để giải quyết các bài toán thực tế. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thay đổi quan điểm trong dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, giáo viên phải lồng ghép những nội dung toán thực tế có liên quan, lồng ghép vào hoạt động dạy học trên lớp và kiểm tra đánh giá học sinh, bao gồm cả đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, tuy nhiên chỉ ở các mức độ cơ bản, để học sinh được làm quen với các dạng toán, không tạo áp lực cho học sinh” – ông Nguyễn Bảo Quốc nêu rõ.

Yến Hoa

Bình luận (0)