Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao năng lực dạy tiếng Anh cho giáo viên THPT

Tạp Chí Giáo Dục

Hội thảo “Nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking” diễn ra sáng 5-10 tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã thu hút sự tham gia của hàng trăm giáo viên tiếng Anh ở các trường THPT tại TP.HCM.

Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM Nguyễn Thanh Tú (thứ 4 từ trái qua) nhận hoa chúc mừng hội thảo từ các đơn vị phối hợp  

Hội thảo do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam, Bộ GD-ĐT, Trung tâm Anh ngữ Đình Lực tổ chức.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM cho hay, trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12-8-2024 có nội dung “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”. TP.HCM cũng được Bộ GD-ĐT, UBND TP giao nhiệm vụ tiên phong đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Theo lộ trình, trong năm học này TP sẽ hoàn thành bộ tiêu chí đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Năm học 2025-2026 sẽ bắt đầu triển khai.

Ông Nguyễn Thanh Tú –  Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM phát biểu tại hội thảo

“TP.HCM luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trình độ tiếng Anh của học sinh thành phố là rất cao. Thế nhưng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học cũng sẽ vẫn là thách thức lớn. Từ bây giờ đội ngũ thầy cô phải chuẩn bị như thế nào để dạy tiếng Anh cho học sinh mà có thể học sinh lại giỏi tiếng Anh hơn mình” – ông Nguyễn Thanh Tú đặt vấn đề.

Theo ông Tú, với mong muốn góp một phần nhỏ vào thực hiện chủ trương này, Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng các đơn vị tổ chức các chương trình, hội thảo về tiếng Anh. Hội thảo ngày hôm nay là một trong những nội dung nằm trong mục tiêu đó, nhằm phần nào giúp đội ngũ thầy cô nâng cao hơn nữa năng lực tiếng Anh, thực hiện tốt mục tiêu của Bộ Chính trị, của thành phố.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh vai trò của giáo viên trong việc giúp TP.HCM thực hiện các mục tiêu giảng dạy tiếng Anh

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh, để TP.HCM triển khai thành công, hiệu quả chương trình tiếng Anh, ngoài sự quan tâm của các cấp lãnh đạo thì quan trọng nữa đó là sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, còn là sự phát triển của hệ thống GDTX với đa dạng các loại hình, đưa ra nhiều kỹ năng, phương pháp hỗ trợ học sinh nâng cao năng lực tiếng Anh bên cạnh việc học ở trường phổ thông.

“Càng ngày yêu cầu trình độ học sinh trong việc học tập tiếng Anh ngày càng cao. Do vậy, mỗi thầy cô trong nhà trường cũng phải có sự năng động, vận động phát triển để đáp ứng được yêu cầu. Hội thảo ngày hôm nay để thầy cô cùng trao đổi về phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy tiếng Anh trong trường học, thầy cô cần nghiên cứu vận dụng phù hợp với đối tượng học sinh nhà trường để nâng cao thêm năng lực học tiếng Anh của học sinh ở cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết” – ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu.

GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM chia sẻ tại hội thảo

Là thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh tại ĐH Notingham, Anh Quốc; Nghiên cứu sinh Giáo dục học, ĐH Reading, Anh Quốc – Giám đốc học thuật DoL English Đình Lực – bà Hà Đặng Như Quỳnh chia sẻ về phương pháp tư duy Linearthinking để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh trong trường phổ thông.

Theo bà Quỳnh, giáo viên cần xem việc dạy tiếng Anh không chỉ là dạy ngôn ngữ mà còn là dạy tư duy. Sẽ không tồn tại một cách dạy tiếng Anh “chuẩn” cho tất cả học sinh mà mỗi học sinh sẽ “là một bài toán cần giải”. Bởi các em có những tư duy logic khác biệt; kiến thức xã hội khác biệt; kiến thức nền về ngữ pháp, từ vựng khác biệt; thói quen học tiếng Anh khác biệt; cảm quan về tiếng Anh khác biệt.

Giáo viên tiếng Anh các trường THPT tham gia trong hội thảo

“Linearthinking là hệ phương pháp học tiếng Anh với mạng lưới nhiều phương pháp con, tư duy con để giải quyết vấn đề tương ứng từng kỹ năng, trình độ. Linearthinking đánh dấu lần đầu tiên tư duy toán học được áp dụng vào việc học ngôn ngữ. Đặc biệt, Linearthinking là hệ phương pháp do người Việt tạo ra, chú ý tới sự ảnh hưởng của tiếng Việt lên việc học tiếng Anh và đặc điểm riêng của học sinh Việt Nam” – bà Quỳnh nói thêm.

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học sẽ rất chông gai

Với vai trò là Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai – Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM đánh giá, hội thảo được xem là bước đi đầu tiên với các trường THPT trên địa bàn thành phố để thực hiện mục tiêu quan trọng đặt ra trong Kết luận số 91 của Bộ Chính trị ngày 12-8-2024: “Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”.

Bởi theo bà, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học không hề dễ dàng, rất chông gai, kể cả với trường chuyên như Phổ thông Năng khiếu dù mặt bằng tiếng Anh của học sinh rất tốt. Thống kê hàng năm, điểm trung bình môn tiếng Anh của học sinh Phổ thông Năng khiếu là 7,5 điểm – cao hơn mặt bằng chung của học sinh các nước khác trên thế giới không sử dụng tiếng Anh như Việt Nam (6,5 điểm). Năng lực tiếng Anh của học sinh rất tốt nhưng giáo viên thì không thể nào dám tự tin dạy tiếng Anh trong trường cho học sinh.

Bà Hà Đặng Như Quỳnh chia sẻ về phương pháp nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Anh bằng tư duy Linearthinking

Đặc biệt, khi tìm hiểu hiểu các mô hình trên thế giới như Singapore, Malaysia, Philippine, thấy rằng, với riêng Singapore, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường đã được triển khai từ năm 1960, đến nay đã gần 70 năm.

“Nói như vậy để thấy được rằng để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong nhà trường sẽ gặp rất thử thách, để vượt qua thì mỗi nhà trường, giáo viên phải hành động. Thế hệ học sinh hiện nay là Gen Z, Gen Anpha – có những năng lực vượt trội so với các thế hệ khác khi các em tiếp thu nhanh hơn, thích ứng nhanh hơn với công nghệ và biến đổi xã hội. Nhà trường phải tận dụng những cơ hội đó như thế nào. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các trường THPT cần ngồi lại với nhau chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng và tận dụng những nguồn lực để nắm bắt cơ hội này” – GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai đặt vấn đề.

Giáo viên tiếng Anh đặt câu hỏi trong hội thảo

Bà cũng đồng thời nhấn mạnh vai trò của giáo viên giảng dạy tiếng Anh ở các trường THPT khi tiếp cận với những phương pháp giảng dạy mới sẽ trở thành người đồng hành với nhà trường để làm sao đưa tiếng Anh đến với đội ngũ giáo viên khác trong trường, đặc biệt là giáo viên khoa học tự nhiên.

“Trường Phổ thông Năng khiếu đang có kế hoạch đào tạo giao tiếp và sử dụng tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên để giảng dạy tiếng Anh ở các môn khoa học tự nhiên. Nếu chúng ta làm được câu chuyện này thì chắc chắn TP.HCM sẽ đi đầu trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học” – GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nói.

Yến Hoa

Bình luận (0)