Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khai mạc chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” tại TP.HCM và các tỉnh thành

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 7-10, chương trình hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 17 năm học 2024-2025 đã diễn ra tại Trường THPT Võ Thị Sáu, cung cấp nhiều thông tin bổ ích về các ngành nghề cho học sinh trước bối cảnh định hướng chọn ngành nghề chịu nhiều tác động theo Chương trình GDPT 2018.

Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM Nguyễn Thanh Tú và Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc tặng hoa cho các đơn vị đồng hành

Chương trình do Tạp chí Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển GD-ĐT phía Nam – Bộ GD-ĐT tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF). Cũng trong buổi sáng nay, chương trình đồng thời được khai mạc tại tỉnh Đồng Nai, Bình Phước.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM nhận định, việc định hướng phân luồng, hướng nghiệp học sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bộ Chính trị ban hành từ rất sớm, từ Chỉ thị 10 cho đến Kết luận số 91 năm 2024. Tạp chí Giáo dục TP.HCM luôn xem công tác định hướng phân luồng, hướng nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của đơn vị, góp phần cùng với ngành giáo dục hỗ trợ tốt nhất cho các em học sinh.

Ông Nguyễn Thanh Tú – Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục TP.HCM phát biểu khai mạc chương trình

Năm học 2024-2025 là năm thứ 17 chương trình được triển khai. Từng năm, chương trình tổ chức trên 100 trường THPT tại TP.HCM và hơn 500 trường ở 25 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, đem đến những thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác về ngành nghề, giúp học sinh định hướng được nghề nghiệp của mình.

“Hàng năm, cả nước có trên 1 triệu thí sinh bước vào ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề. Thực tế còn một bộ phận thí sinh ngồi trên giảng đường đại học đến năm thứ hai mới thấy ngành mình đang học không phù hợp, buộc phải chọn lại một ngành học khác. Do đó, việc chọn ngành chọn nghề là hết sức quan trọng với học sinh trước ngưỡng cửa tương lai. Chương trình với đội ngũ chuyên gia hướng nghiệp ở nhiều lĩnh vực với nhiều tâm huyết, sẽ hỗ trợ giúp các em học sinh có thông tin chính thống cho việc chọn ngành, chọn nghề, chọn trường phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện gia đình” – ông Nguyễn Thanh Tú thông tin.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giáo cao chương trình trong 16 năm qua

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đánh giá cao chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” với quy mô lớn, truyền thống và đội ngũ tư vấn giàu kinh nghiệm. Suốt 16 năm qua đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho không chỉ học sinh TP mà còn nhiều tỉnh thành khác; giúp học sinh có thông tin chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện của gia đình.

 

Tặng hoa tri ân các chuyên gia tham gia hướng nghiệp

Theo ông Quốc, năm học 2024-2025, công tác tư vấn hướng nghiệp càng có vai trò quan trọng khi đây là năm đầu tiên học sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Những thay đổi về phương thức tuyển chọn, cách thi tốt nghiệp THPT, tổ hợp của trường đại học… trong năm nay điều này sẽ tác động rất lớn đến định hướng của học sinh.

Ông đề nghị, chương trình cần nghiên cứu tìm hiểu thêm các trường, các ngành học trước những sự thay đổi của Chương trình GDPT 2018. Ban tổ chức cần đảm bảo tư vấn đầy đủ, toàn diện không chỉ về ngành nghề mà còn tư vấn các vấn đề liên quan đến khả năng, điều kiện, sở thích, sự lựa chọn cho phù hợp. Cần có những tư vấn chuyên sâu bổ sung để học sinh có thể tìm hiểu đa dạng các ngành nghề. Sau khi tư vấn thì cần có kênh tiếp nhận để những băn khoăn của học sinh đều được ghi nhận, giải đáp.

Bên cạnh đó, ông cho biết, với Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đã được đưa vào từ năm lớp 10. Quan điểm của chương trình là học sinh chọn học các bộ môn gắn với định hướng nghề nghiệp ngay từ năm lớp 10 và hoàn thiện thêm kiến thức, xác định rõ đam mê ở năm lớp 11, 12.

Ví thế, theo ông, việc tư vấn hướng nghiệp trong thời gian tới ban tổ chức cần suy nghĩ, đầu tư để mở rộng các trường tham gia hướng nghiệp. Trong định hướng tổ chức cần thiết gắn với hướng nghiệp từ khối lớp 10 thông qua các môn học lựa chọn.

“Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, để chuẩn bị tốt nguồn nhân lực thì không chỉ cần phải cung cấp thông tin mà còn cần phải giúp học sinh nhận thức rõ năng lực bản thân, hiểu rõ ngành nghề xã hội… Sở GD-ĐT TP đã chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn TP tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ban tổ chức để tổ chức chương trình, hỗ trợ tốt nhất cho học sinh” – ông Nguyễn Bảo Quốc nhấn mạnh.

Chương trình nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh

Không thể định hướng chọn ngành theo cảm tính

Tại chương trình, những giải đáp của học sinh về nhiều lĩnh vực ngành nghề trong năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 diễn ra đã được các chuyên gia tư vấn giải đáp.

Ban tư vấn trong sáng 7-10 đã giúp học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu giải đáp nhiều băn khoăn ngành nghề

Theo TS. Lê Thị Thanh Mai – chuyên gia hướng nghiệp tuyển sinh, tại TP.HCM nhu cầu sau THPT đa số học sinh vẫn chọn học tiếp đại học, tỷ lệ học cao đẳng, trung cấp không cao. Tuy nhiên, điều này xuất phát từ việc định hướng công việc sau này của học sinh chứ không phải là chạy theo xu hướng bằng mọi giá phải vào đại học.

Bà cho biết, học sinh lớp 12 năm nay là lứa đầu tiên thi tốt nghiệp Chương trình GDPT 2018. Do vậy, vai trò của học sinh là phải tìm hiểu thật kỹ các ngành nghề, sự phù hợp với năng lực bản thân. Không thể định hướng chọn ngành theo cảm tính mà phải nhìn thực tế thông tin tuyển sinh, hiện trạng đào tạo của các trường.

“Kỳ thi tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018 chỉ còn có 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Đa phần học sinh băn khoăn rằng chọn môn nào thi để tăng cơ hội xét tuyển vào trường đại học. Lời khuyên là các em đừng để tổ hợp xét tuyển quyết định chọn môn thi tốt nghiệp, ảnh hưởng đến việc học ở trường phổ thông. Chương trình GDPT 2018 đã trang bị cho các em nền về ngành nghề. Khi băn khoăn về các ngã rẽ với các môn học mà các em lựa chọn thì các em cứ mạnh dạn đặt câu hỏi cho thầy cô, chuyên gia tư vấn. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đã giảm các môn thi cũng sẽ giúp học sinh không quá vất vả chọn tổ hợp xét tuyển đại học. Do vậy, các em hãy cứ tự tin học tập tốt ở các môn học lựa chọn mình đã chọn” – TS. Lê Thị Thanh Mai khuyên.

Học sinh đặt câu hỏi trong chương trình

Ngoài ra, TS. Mai thông tin, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản đề nghị các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP triển khai hoạt động một ngày làm sinh viên để học sinh các trường THPT được trải nghiệm. Học sinh khi tham dự nên tranh thủ cơ hội, tham gia vào các chương trình trải nghiệm để tìm hiểu ngành nghề.

Nhiều thông tin giải đáp về việc định hướng ngành nghề cho học sinh đã được giải đáp

Yến Hoa

Bình luận (0)