Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

GS.TS Nguyễn Thị Doan (Chủ tịch Hội Khuyến học Vit Nam) nhn mnh tm quan trng trong vic vn dng tư tưng ca Ch tch H Chí Minh đào to “ngưi công dân tt, cán b tt”, góp phn phát trin giáo dc trong bi cnh hin nay.

Theo đánh giá, việc dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh đã có cải thiện, nhưng chưa thực sự thay đổi (ảnh minh họa)

Mới đây, Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT tổ chức hội thảo “Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới”.

Tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Thị Doan phân tích: Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những con người “hồng thắm, chuyên sâu” là sản phẩm của quá trình GD-ĐT từ các nhà trường và sự phấn đấu rèn luyện gian nan, học tập không ngừng, “học không bao giờ cùng” của mỗi con người. Từ đó, Người coi giáo dục có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, đạo đức cách mạng của con người, phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn xây dựng và phát triển của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nội dung mới của quá trình hình thành con người bằng con đường giáo dục là phải thực hiện nguyên lý giáo dục: Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội. Trong giáo dục học sinh phải bình đẳng. Nội dung giáo dục phải kết hợp giữa phổ cập với nâng cao. Người đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ giữa hoạt động giáo dục và thực tiễn cách mạng đối với sự phát triển trí tuệ của con người. Người giao nhiệm vụ cho từng cấp học. Người viết “Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp thực tiễn ở nước ta để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà. Trung học cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà. Tiểu học thì cần giáo dục cho các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng, vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn”.

Tư tưởng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục là: Giáo dục trước tiên là dạy người. Người yêu cầu mỗi công dân tùy theo hoàn cảnh phải giáo dục thường xuyên, đào tạo liên tục, học tập suốt đời. Người dạy “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời, còn sống thì còn phải học” và Người đã chỉ ra “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi, công việc sẽ gạt mình lại phía sau”. Về phương pháp học tập, Người đã chỉ ra “Lấy tự học làm cốt”. Ngoài học ở trường, ở lớp, phải học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân. Tức là phải học ở mọi nơi, mọi lúc, bằng mọi phương pháp.

Trong khi đó, GS.TS Nguyễn Văn Minh (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) đánh giá, hiện nay GD-ĐT đã đạt được một số thành tựu quan trọng, làm được nhiều việc, như đã được đúc kết trong Nghị quyết số 29-NQ/TW. Thế nhưng, nếu nhìn nhận một cách khách quan và cầu thị thì hệ thống giáo dục đang thiếu sự liên thông bền vững, đâu đó còn có sự cắt khúc, chồng chéo, thiếu nhất quán trong quản lý; còn có sự bất cập giữa chiến lược phát triển đất nước với việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Giữa phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học và cơ hội học tập suốt đời đang có những rào cản. Hệ thống đại học có những bước tiến nhất định, nhưng chưa thực sự bền vững. Trong đó không thể bỏ qua yếu tố kinh doanh và lợi nhuận được đề cao của không ít trường… Đối với giáo dục phổ thông, đã đạt được một số thành tựu đáng mừng, nhưng căn bệnh thành tích ngày càng trở nên trầm kha hơn. Do nhiều lý do khác nhau, không ít nhà trường coi trọng điểm số; phụ huynh quan tâm đến bản “học bạ đẹp” và đã có những can thiệp đến thực học của con em; một số địa phương đặt nặng thành tích cao hơn thực lực giáo dục của địa phương mình. Điều đó khiến tình hình giáo dục có nơi, có lúc đang quay theo một cái guồng lệch chuẩn quỹ đạo mong muốn; sự chênh lệch giữa dạy chữ và dạy người đang là vấn đề đặt ra.

Việc dạy học, kiểm tra đánh giá đã có những cải thiện, nhưng chưa thực sự thay đổi; vẫn còn tình trạng áp đặt “năng lực, phẩm chất” thay vì hướng dẫn, tổ chức để học sinh tự hình thành. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 lấy chương trình “làm lõi”, sách giáo khoa là học liệu, nhưng thực trạng “bám sách” vẫn diễn ra. Nghĩa là vẫn còn không ít lúng túng.

Từ thực trạng trên, vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Văn Minh đưa ra 3 vấn đề cần phải thay đổi trong giáo dục để khắc phục những hạn chế trên, đó là: Xác định đúng vị trí, vai trò của GD-ĐT, xây dựng đầy đủ và đồng bộ thể chế, chính sách phát triển GD-ĐT; Đổi mới mục tiêu, chương trình, nội dung, phương pháp của GD-ĐT; Thực hiện giáo dục toàn diện và học tập suốt đời. Ông đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trong quan điểm chỉ đạo đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.

GS.TS Phạm Hồng Quang (Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên, Chủ tịch Hội đồng giáo sư ngành Khoa học giáo dục) cho rằng, để thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Bác về GD-ĐT cần triển khai và quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng về xây dựng căn cứ pháp luật cho 2 vấn đề cơ bản: Mục tiêu giáo dục và Luật Nhà giáo (đang dự thảo) có quan hệ rất chặt chẽ với nhau.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cho hay, đào tạo, bồi dưỡng mọi người dân Việt Nam trở thành người công dân tốt là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt hoạt động của các cấp hội khuyến học trên cả nước. Hội Khuyến học Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tập trung vào 6 giải pháp cụ thể. Trong đó: Tập trung đổi mới, sáng tạo trong phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về GD-ĐT, về bồi dưỡng phát huy nhân tố nguồn lực con người; Chủ động tham mưu với các cấp ủy, chính quyền ban hành chủ trương, quyết định, kế hoạch, chính sách và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời mà trọng tâm là thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị; Đổi mới công tác tổ chức và phương thức hoạt động của hội, phấn đấu nơi nào có dân cư sinh sống thì ở đó có hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng mô hình công dân học tập để sớm xây dựng nước ta trở thành xã hội học tập; Phối hợp chặt chẽ với ngành GD-ĐT, ngành văn hóa – thông tin – thể thao và du lịch triển khai tốt mô hình công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập; Tăng cường, chủ động phối hợp của hội khuyến học các cấp, các ngành, các lực lượng xã hội nhằm tạo ra một phong trào thi đua học tập sôi nổi trong toàn dân, toàn xã hội nhằm chấn hưng nền giáo dục, góp phần bồi dưỡng nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước; Đẩy mạnh công tác phát triển đa dạng loại hình quỹ khuyến học, của các cấp…

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)