Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT giao quyền cho nhà trường tổ chức chương trình nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ GD-ĐT về công tác chuẩn bị và tổ chức triển khai, thực hiện nhiệm vụ đầu năm học 20242025.

Trong báo cáo, Sở GD-ĐT TP.HCM đã nêu ra nhiều kiến nghị cho Bộ GD-ĐT để thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục năm học 2024-2025.

Cụ thể, kiến nghị Bộ GD-ĐT có hướng dẫn thống nhất về việc xác định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường và thẩm quyền ban hành mức thu đối với các dịch vụ giáo dục khác ngoài học phí không phải là dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục để các địa phương có cơ sở thực hiện. Chỉ đạo giao việc xây dựng, lựa chọn chương trình nhà trường cho Hội đồng trường, vì theo Sở GD-ĐT TP đây là hình thức thu hộ, chi hộ, không phải là khoản kinh phí chi từ ngân sách.

Đồng thời Sở GD-ĐT TP kiến nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo cụ thể việc tổ chức dạy học chương trình nhà trường bên cạnh việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 sao cho linh hoạt, giao quyền và trách nhiệm cho hiệu trưởng và hội đồng trường.

Đặc biệt, kiến nghị Bộ GD-ĐT tạo điều kiện thuận lợi cho TP.HCM thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án theo định hướng giáo dục thông minh, chuyển đổi số và đạt chuẩn quốc tế ở một số nội dung, lĩnh vực GD-ĐT, song song ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động dạy học 2 buổi/ngày, hướng dẫn về công tác quản lý dạy thêm học thêm được điều chỉnh theo định hướng mới của Chương trình GDPT 2018.

Theo báo cáo, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay, trên địa bàn TP.HCM vẫn còn có một số đơn vị chưa đảm bảo điều kiện dạy học 2 buổi/ngày như huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận Bình Tân, quận 12…, một số trường chưa có đủ các phòng chức năng theo quy định. Tình trạng thiếu giáo viên chủ yếu tập trung các môn tiếng Anh, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật do không có nguồn giáo viên dự tuyển.

Tỉ lệ 1 phòng học/lớp bậc tiểu học chưa đảm bảo; tỉ lệ 2 buổi/ngày chưa đạt 100%, một số trường tiểu học còn thiếu các phòng chức năng. Một số trường sĩ số học sinh còn quá đông, ảnh hưởng đến chất lượng học tập; một số cơ sở giáo dục vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên nhiều môn, bộ môn nên phải hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo đủ giáo viên giảng dạy các lớp.

Ngành GD-ĐT TP.HCM còn gặp khó khăn trong việc phát triển đội ngũ giáo viên các môn tin học, công nghệ và nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật); đầu tư trong phát triển hệ thống trường, lớp tại một số quận, huyện nhất là các quận huyện có dân số đông hiện nay đang gặp khó khăn.

Việc tổ chức hoạt động ngoài giờ chính khóa đang gặp khó

Báo cáo gửi Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ, việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ chính khóa của thành phố đang gặp khó khăn về phương án bố trí thời gian thực hiện đảm bảo sự đồng thuận của các đối tượng học sinh tham gia với điều kiện tổ chức thực hiện của nhà trường.

Sở GD-ĐT đánh giá, việc có thêm các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa góp phần giáo dục toàn diện học sinh. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động này là hoạt động tự nguyện có sự tham gia đóng góp của người học nên còn những quan điểm khác nhau khi triển khai hoạt động này.

Một số cơ sở giáo dục chưa cung cấp đầy đủ thông tin của các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho cha mẹ học sinh đã gây ra một số nhầm lẫn, ngộ nhận là hoạt động giáo dục bắt buộc. Điều này đã làm ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa giáo dục trong việc tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành, thực tế… cho học sinh.

Cạnh đó, giáo viên tại các cơ sở giáo dục chưa được đào tạo chuyên sâu, ít kinh nghiệm trong tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng sống nên đa số các cơ sở giáo dục phối hợp với các doanh nghiệp để thực hiện.

20,67% số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2024-2025, TP.HCM có trên 1,7 triệu học sinh, tăng 24.097 học sinh (gồm: 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập), tăng nhiều nhất bậc THPT với 16.999 học sinh. Quy mô thành phố với 2.341 trường.

Mỗi năm TP.HCM có khoảng 20,67% số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại thành phố – khoảng 347.962 học sinh; Bình quân mỗi năm số học sinh tăng thêm các cấp học khoảng 25.000 học sinh, áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn (nhất là cấp tiểu học), học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm.

Yến Hoa

Bình luận (0)