Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

“Chúng ta không thể tồn tại nếu không có stress”

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây, ThS.BS Hà Thành Đạt – Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM đã chia sẻ chuyên đề “Sức khỏe thể chất gắn với sức khỏe tâm thần”. Trong đó, BS Đạt nhấn mạnh: “Chúng ta không thể tồn tại nếu không có stress”.

Stress có thể mang đến động lực

Tại Ngày hội Nâng cao sức khỏe tâm thần “Tôi vui khỏe, tôi hạnh phúc”, ThS.BS Hà Thành Đạt đã có những chia sẻ ý nghĩa thông qua chuyên đề “Sức khỏe thể chất gắn với sức khỏe tâm thần”.

Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP.HCM Hà Thanh Đạt chia sẻ tại ngày hội

BS Nguyễn Thành Đạt thông tin, stress có 3 giai đoạn bao gồm: phản ứng báo động, giai đoạn kháng cự và cuối cùng là giai đoạn kiệt quệ.

Giai đoạn phản ứng báo động không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần nếu không kéo dài lâu. Theo BS Đạt, nếu đón nhận giai đoạn này một cách tích cực, có thể nghĩ rằng đây là trạng thái nghỉ ngơi của bản thân.

“Giai đoạn kháng cự được xem như một yếu tố tích cực đối với cơ thể. Trong giai đoạn này, stress có thể mang đến động lực cho chúng ta. Mỗi chúng ta không nên từ chối stress, nhưng phải nhận ra điểm gãy của mình nằm ở đâu” – BS Đạt nói.

Đồng thời, BS Đạt nhấn mạnh, nếu stress quá mức, cần phải đến gặp chuyên gia tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

BS Đạt cho biết, giới trẻ ngày nay thường hay mắc phải một hội chứng mang tên “hội chứng con vịt” (Chỉ những người bên ngoài tỏ ra vui vẻ, ổn định nhưng bên trong bản thân lại đang gặp rất nhiều vấn đề).

Việc chăm sóc sức khỏe thể chất liên quan mật thiết đến sức khỏe tinh thần, chính vì thế, BS Đạt khuyên mọi người nên có một chế độ ăn uống healthy, đầy đủ chất theo tháp dinh dưỡng của WHO. Bên cạnh đó, cũng cần phải tập thể dục thể thao tối thiểu 11 phút/ngày.

Cần phải đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho cơ thể bằng giấc ngủ đủ giờ. BS Đạt nhấn mạnh, ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử chính là một trong những  nguyên nhân khiến chúng ta khó đi vào giấc ngủ.

Cuối cùng, nếu cảm thấy bản thân đang gặp những vấn đề stress không thể tự xử lý, hãy gặp chuyên gia tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần.

“Đối với gen Z, hãy cứ chấp nhận việc bản thân cảm thấy “không ổn”. Khi bạn nhận ra bản thân đang như thế nào, bạn đã bước một bước vào hành trình đi tìm lại chính mình và rồi từng bước một học những bài học cho bản thân. Bạn yên tâm rằng, bạn sẽ không phải bước những bước đi cô độc trên con đường ấy. Đôi khi việc bạn cần làm là dừng lại một chút, thế giới có thể đợi. Nếu cuộc sống giống như việc đạp xe thì chẳng phải lúc xuống dốc là thời điểm con người có thể nghỉ chân và nhìn nhận mọi thứ xung quanh rõ ràng hơn?” – BS Đạt gửi gắm.

Sức khỏe tâm thần khác bệnh tâm thần

Đông đảo bạn trẻ tham gia Ngày hội Nâng cao sức khỏe tâm thần “Tôi vui khỏe, tôi hạnh phúc”

Cũng tại Ngày hội Nâng cao sức khỏe tâm thần, diễn giả Phan Tường Yên – Nhà đào tạo tâm lý ứng dụng, Giám đốc Đào tạo và phát triển dự án tại Saigon Psychub đã làm rõ những hiểu lầm xung quanh 2 khái niệm sức khỏe tâm thần và bệnh tâm thần.

Bà Yên cho biết, ở Việt Nam, tùy ngữ cảnh và bởi nhiều lý do mà người ta thường nhầm lẫn sức khỏe tâm thần là bệnh tâm thần.

Theo WHO, sức khỏe tâm thần là trạng thái lành mạnh về tâm trí, cảm xúc và xã hội. Nó ảnh hưởng đến cách chúng ta nghĩ, cảm nhận và hành động, nó quyết định cách mà chúng ta xử lý các căng thẳng trong cuộc sống, tương tác với người khác và đưa ra những lựa chọn lành mạnh và phù hợp.

Hiểu lầm thứ 2 thường thấy chính là suy nghĩ chỉ người “đang có vấn đề” mới cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần. Theo bà Yên, mọi người đều cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần để duy trì cuộc sống cân bằng và hạnh phúc, không chỉ khi gặp vấn đề.

Bà Yên nhấn mạnh, sức khỏe tâm thần nên là mối quan tâm của tất cả mọi người, không riêng gì những ai đang gặp khó khăn, cũng không phân biệt giới tính, thu nhập, độ tuổi. Giống như việc chăm sóc sức khỏe thể chất, chăm sóc sức khỏe tinh thần là một quá trình liên tục giúp chúng ta đối phó với căng thẳng và thách thức hàng ngày.

Hiểu lầm cuối cùng mà các doanh nghiệp thường mắc phải theo bà Yên đó chính là chỉ có các doanh nghiệp lớn nhiều tiền mới có thể chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên. Sự thật là các tổ chức vừa và nhỏ cũng hoàn toàn có thể tạo môi trường làm việc tích cực, lành mạnh và hỗ trợ sức khỏe tâm thần thông qua các hành động đơn giản như tạo không giang lắng nghe, phân bổ thời gian nghỉ hợp lý, tổ chức các buổi tập huấn về quản lý căng thẳng và có các phúc lợi mở rộng cho nhân viên có nhu cầu trợ giúp chuyên nghiệp.

Ngày 10-10 là Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Năm 1948, WHO nhấn mạnh: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau” và “không có cái gọi là sức khỏe nếu thiếu đi sức khỏe tâm thần.

Năm 2018, WHO định nghĩa: “Sức khỏe tâm thần là trạng thái khỏe mạnh mà ở đó cá nhân tự nhận thức được khả năng của bản thân, có thể ứng phó với những căng thẳng trong cuộc sống, có thể làm việc hiệu quả và tạo ra những đóng góp cho xã hội”.

Nhiều báo cáo của sức khỏe tâm thần trong hơn 3 thập kỷ qua cho thấy stress, lo âu, trầm cảm… là những tình trạng phổ biến có thể xảy đến với bất kỳ ai. Cũng vì lẽ đó, Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới đã ra đời vào năm 1992, do Liên đoàn Sức khỏe tâm thần thế giới khởi xướng.

Thủy Phạm

Bình luận (0)