Và để thực hiện tốt phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi thì cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất, giáo viên… hiện nay.
Đây là những góp ý của đại diện các sở GD-ĐT cho Dự thảo xây dựng nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em mẫu giáo 3-5 tuổi (gọi tắt là Nghị quyết phổ cập giáo dục mẫu giáo) mà Bộ GD-ĐT đang thực hiện.
Những tồn tại không mới cần tiếp tục được tháo gỡ
Hầu hết đại diện các sở GD-ĐT đều đồng tình và nhất trí với chủ trương thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ 3-5 tuổi. Đây là việc hết sức cần thiết để đảm bảo trẻ được tiếp cận GDMN có chất lượng, chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, ngôn ngữ và tâm lý sẵn sàng đi học, bảo đảm chất lượng để vào lớp một, góp phần thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên, đại diện các sở cũng nêu ra không ít tồn tại, khó khăn của địa phương, qua đó kiến nghị giải pháp tháo gỡ để thực hiện hiệu quả công tác phổ cập GDMN cho trẻ 3-5 tuổi.
Ông Nguyễn Văn Thêm – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Bắc Giang kiến nghị ban soạn thảo nên tính toán đưa thêm đối tượng được hưởng chính sách là con công nhân cụm công nghiệp vì theo dự thảo cơ chế chính sách mới áp dụng cho con công nhân làm việc trong KCN-KCX mà chưa đề cập các doanh nghiệp bên ngoài. Mặt khác, để công nhận đạt chuẩn phổ cập thì cần có điều kiện. Ví dụ 1 xã, tỉnh nếu đạt chuẩn thì phải có quy định cụ thể về đạt chuẩn và tỷ lệ chi ngân sách ra sao mới có nguồn và huy động được các nguồn lực cho MN.
Ông Triệu Quang Phong (Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Kạn) nhấn mạnh một trong những điều kiện để được công nhận chuẩn phổ cập là cơ sở vật chất. Tuy nhiên, hiện nay Bắc Kạn còn rất nhiều điểm trường MN và đảm bảo điều kiện thì chủ yếu ở điểm chính. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã quyết liệt giảm hơn 100 điểm trường và không thể giảm được nữa vì địa hình và nhiều trẻ ở xa. “Để đảm bảo cơ sở vật chất cho phổ cập GDMN phải có giải pháp tháo gỡ khó khăn này”, ông Phong kiến nghị.
Tại tỉnh Điện Biên, hiện số điểm trường lẻ thiếu công trình điện, nước, internet rất nhiều. Số lượng điểm trường lẻ trên một trường cũng rất nhiều, chưa kể giao thông đi lại khó khăn. Để giải quyết khó khăn, bà Trần Thị Thúy – Phó Trưởng phòng GDMN – Tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Điện Biên kiến nghị nên quy định số lượng điểm trường lẻ cũng như số lớp trên mỗi một trường trong việc công nhận địa phương đó đạt chuẩn hay chưa đạt chuẩn phổ cập.
Bên cạnh đó, không ít ý kiến kiến nghị mở rộng đối tượng hưởng chính sách kể cả cơ sở ngoài công lập và cả con giáo viên. Đặc biệt giải quyết bài toán khó khăn chung hiện nay về giáo viên. Bà Nguyễn Thị Phương An – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Thuận chia sẻ mức độ đãi ngộ chưa tương xứng với công việc nhọc nhằn chăm sóc trẻ dẫn đến giáo viên bỏ nghề, có địa phương không tuyển được.
Trước thực tế này, ông Triệu Quang Phong kiến nghị phải có giải pháp vì không có con người thì không thể thực hiện công tác giáo dục. “Hiện nay việc thực hiện quy định biên chế 2 giáo viên/lớp là rất khó vì biên chế năm nào cũng giảm nhưng học sinh thì tăng. Ở đâu có học sinh thì ở đó phải có điểm trường. Nếu cứ theo đầu học sinh mà tính biên chế thì không thể thực hiện được. Giáo dục không thể giảm biên chế một cách cơ học”, ông Phong nói.
Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi là một nhiệm vụ chính trị
Theo Bộ GD-ĐT, hàng năm có trên 5,1 triệu trẻ MN, trong đó có hơn 4,5 triệu trẻ từ 3-5 tuổi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại 15.256 trường MN và 17.444 cơ sở GDMN độc lập; tỷ lệ huy động trẻ em nhà trẻ đạt 34,6%, trẻ em mẫu giáo đạt 93,6%; tỷ lệ giáo viên/lớp đạt 1,87. GDMN đã từng bước vượt qua khó khăn, phát triển khá toàn diện về quy mô, mạng lưới trường lớp, các điều kiện chăm sóc, giáo dục trẻ. Đặc biệt, việc thực hiện thành công các mục tiêu cơ bản của Đề án phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi đã góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ em được tới trường, lớp.
Tuy nhiên, GDMN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, trong đó phải kể đến có gần 300.000 trẻ em mẫu giáo hiện chưa được đến trường, tập trung tại những nơi khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tạo sự mất công bằng trong tiếp cận giáo dục. Tại các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi trẻ em dược tiếp cận GDMN muộn. Trẻ ra lớp muộn, không đúng tuổi dẫn đến thiếu hụt nhiều ở các lĩnh vực phát triển nhận thức, ngôn ngữ và giao tiếp, đặc biệt là trẻ em người dân tộc thiểu số, chưa có đủ thời gian để phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, chuẩn bị sẵn sàng cho việc học tập ở trường phổ thông, dẫn đến tỷ lệ không được lên lớp, lưu ban khá cao ở đối tượng này… Thực tiễn này, Bộ GD-ĐT nhận định việc thực hiện phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi là cần thiết để đảm bảo quyền trẻ em và đảm bảo công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nhấn mạnh phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi là một nhiệm vụ chính trị. Để triển khai Nghị quyết 42 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới thì Chính phủ ban hành Nghị quyết 68. Trong chương trình hành động của Nghị quyết 68 cũng nói rõ nhiệm vụ GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi. Gần đây, tổng kết Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế thì Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91 về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Với kết luận này lần nữa quán triệt, yêu cầu Bộ GD-ĐT tích cực tham mưu để hoàn thành nhiệm vụ phổ cập GDMN cho trẻ từ 3-5 tuổi. “Như vậy, với các nghị quyết và một kết luận khẳng định Nhà nước rất quan tâm đến giáo dục. Nhiều nghị quyết, chủ trương, đường lối yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các bộ ban ngành địa phương, trong đó giao Bộ GD-ĐT nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ này”, bà Chi nói.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi, ngành giáo dục đã hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi, đã có nền tảng, những bước đi, kinh nghiệm về công tác phổ cập. Nếu ví giáo dục như một ngôi nhà thì giáo dục MN là nền móng vững chắc. Với tinh thần từ những cơ sở pháp lý, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chương trình hành động của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, từ nhu cầu thực tiễn đến tại thời điểm hiện tại qua một quá trình chuẩn bị, Bộ GD-ĐT với sự đồng hành vào cuộc của nhiều đơn vị và lắng nghe ý kiến của các địa phương đã chuẩn bị những bước đầu về cơ sở dữ liệu, hồ sơ để trình các bộ Tư pháp, Nội vụ, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính thẩm định. Và sớm nhất sẽ trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua nghị quyết.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)