Thực hiện Công văn 3175/BGD&ĐT-GDTrH về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn, Bộ GD-ĐT khuyến cáo không dùng lại văn bản đã học trong sách giáo khoa (SGK) làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm, cuối cấp. Theo đó, sử dụng ngữ liệu ngoài SGK là bắt buộc đối với giáo viên kể từ năm học mới 2024-2025.
Sử dụng ngữ liệu mới có phải là “cú hích” tạo ra đột phá trong đổi mới dạy học môn ngữ văn? Giáo viên và học sinh đứng trước cơ hội và thách thức nào?
Cơ hội
Có lẽ phát hiện được “thủ phạm” của giáo dục “ứng thí” quyết định việc dạy – học, nên Công văn 3175 khuyến cáo giáo viên không sử dụng ngữ liệu trong SGK để ra đề kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn, mà từ năm học 2024-2025 phải sử dụng ngữ liệu mới ngoài SGK. Trước đó, đề thi ngữ văn lớp 9 lên lớp 10 (THCS) trở đi trở lại 19 văn bản (trong đó có 6 văn bản văn xuôi và 13 văn bản thơ); đề thi quốc gia môn ngữ văn lớp 12 (THPT) hạn định trong 14 văn bản (trong đó có 8 văn bản văn xuôi, 4 văn bản thơ, 1 văn bản kịch), cho nên trùng lặp ngữ liệu trong đề thi là điều khó tránh khỏi. Đề nghị luận văn học lớp 12 không “Việt Bắc” (thơ Tố Hữu) thì cũng trích đoạn “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm), không “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân thì “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân… Điều này khiến cho dạy tủ, học tủ trở thành vấn nạn và trên thị trường nhan nhản sách “văn mẫu” bày bán tràn lan. Chỉ cần một cú nhấp chuột tra cứu thông tin: “Những bài văn mẫu” đã cho hàng ngàn kết quả. Vì vậy, chấm dứt ngữ liệu trong SGK khi kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn được kỳ vọng sẽ chấm dứt được nạn đọc, chép của giáo viên và “học vẹt” của học sinh. Nhưng điều này đã tồn tại hàng chục năm dai dẳng, đâu có thể thay đổi một sớm, một chiều. Để có thể sử dụng ngữ liệu mới một cách hiệu quả, giáo viên cũng như học sinh đứng trước nhiều thách thức.
Thách thức
Theo ông Đậu Quang Hồng (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh), vấn nạn “văn mẫu” đã tồn tại thời gian dài, đã ăn sâu vào tiềm thức, đã trở thành “lô cốt” nhất là đối với những giáo viên bảo thủ, cho nên phải có cuộc “lọc máu” thay đổi tận gốc rễ. Lo lắng đến từ nhà quản lý chuyên môn cũng như giáo viên trực tiếp giảng dạy vì không phải bất cứ thầy cô nào cũng lựa chọn được ngữ liệu ngoài SGK đáp ứng được yêu cầu đề kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn theo tiêu chí mới. Trong khi đó, mỗi học kỳ, mỗi khối lớp sẽ có 2 bài kiểm tra định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) nên mỗi năm là 4 bài sẽ tương đương mỗi khối lớp có 8 đề ngữ văn (4 đề chính thức và 4 đề dự trữ). Cấp THCS 4 khối lớp sẽ có 32 đề; cấp THPT sẽ có 24 đề. Đó là chưa kể đề kiểm tra môn nội dung giáo dục địa phương chung với một số môn học khác.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 (tổ chức ngày 12 và 13-8-2021), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo: “Học thật, thi thật” và “chấm dứt văn mẫu, bài mẫu”. Theo đó, một số địa phương triển khai ra đề kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn theo hướng mở, không sử dụng ngữ liệu trong SGK. Có lẽ “vạn sự khởi đầu nan” nên một số đề ngữ văn kiểm tra, đánh giá ra theo hướng mở không tránh khỏi sai sót. Dư luận bức xúc về “sạn” trong đề ngữ văn. Nào là “sạn” ngữ liệu “dây cà ra dây muống”; nào là nguồn trích dẫn không rõ ràng; nào là hệ thống câu hỏi chưa bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình; nào là câu hỏi thiếu logic, thiếu sức hấp dẫn, cuốn hút sáng tạo của học sinh. Đó là chưa kể đến đáp án thiếu, lệch đề, thậm chí sai, khó khăn cho người chấm bài… Nhiều giáo viên có lý khi lên tiếng phê phán đề kiểm tra học kỳ I môn ngữ văn 6 (phần viết) của một Sở GD-ĐT phía Bắc vì cách đặt vấn đề thiếu nhân văn: “Trong vai người chứng kiến tình cảnh của cô bé bán diêm trong truyện Cô bé bán diêm của nhà văn Han Cri-xti-an An-đéc-xen (SGK Ngữ văn 6, Kết nối tri thức với cuộc sống, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam 2022, trang 61-64), hãy kể về một trải nghiệm đáng nhớ của em trong đêm giao thừa khi chứng kiến tình cảnh đáng thương của cô bé. Hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình thương trong cuộc sống”. Không ít giáo viên đã phản biện đề ra trên đây. Cô N.T.L. cho rằng: “Tưởng tượng phải có cơ sở, hợp lý. Tưởng tượng đóng vai như hướng của đề là chưa phù hợp? Nếu để một học sinh lớp 6 (đứa trẻ 12 tuổi) kể về việc mình chứng kiến một đứa trẻ đáng thương chết như thế nào, thì cái mệnh đề sau (hãy nêu một vài suy nghĩ của em về ý nghĩa của tình thương trong cuộc sống) thực sự không hợp lý”. Hiện tượng trên khiến dư luận nghi vấn: Đề kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn do sở/phòng ra (tuân thủ quy trình, lựa chọn đội ngũ ra đề, phản biện tối ưu nhất) còn “sạn” như vậy, thì đề giáo viên ra sẽ như thế nào (!?) Có lẽ, thời đại 4.0 với bùng nổ thông tin, văn học mạng lên ngôi, giáo viên và học sinh không còn mặn mà với đọc sách, nhất là sách tham khảo. Việc tìm kiếm ngữ liệu mới không phải dễ dàng với tất cả giáo viên đứng lớp. Hiện tượng “chôm” đề trên mạng, “xào xáo” lại là nguyên nhân của những bất cập không đáng có. “Một khi văn bản đã không tốt, không chuẩn thì các câu hỏi hoặc yêu cầu học sinh thực hiện không thể hay và tốt được. Việc này cũng giống như khó có thể chế biến được món ăn thơm ngon nếu nguyên liệu thịt, cá đã ôi, ươn…”, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống chia sẻ.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống đã đề xuất 3 tiêu chí lựa chọn ngữ liệu mới: Một là ngữ liệu mới đảm bảo tính tư tưởng, giáo dục, chuẩn mực và sáng tạo ngôn ngữ, phục vụ trực tiếp cho năng lực đọc hiểu. Hai là có giá trị đặc sắc về nội dung và nghệ thuật, tiêu biểu về kiểu văn bản và thể loại được học trong chương trình của mỗi lớp. Ba là phù hợp với thời lượng, kinh nghiệm, năng lực nhận thức, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh ở từng lớp học, cấp học.
Muốn vậy, giáo viên không chỉ nắm vững tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông ngữ văn 2018 mà phải đổi mới cách dạy, cách học ngữ văn đúng đặc trưng bộ môn, nhất là chú trọng thực hành, rèn luyện kỹ năng, đọc hiểu, kỹ năng giải mã cũng như sản sinh văn bản cho học sinh. Mặc dù chủ động triển khai sớm, liên tục, có chất lượng, nhưng bao khó khăn thách thức đang ở phía trước. Ông Đậu Quang Hồng yêu cầu: “Mọi đổi mới, sáng tạo đều nhằm vào mục đích phát huy năng lực sở trường của học sinh, khơi dậy cảm hứng tích cực ở các em. Muốn vậy, ngữ liệu mới đa dạng, phong phú, phù hợp với đối tượng, các câu hỏi gợi mở, kích thích sáng tạo của học sinh, phân loại được đối tượng. Bám sát vào phạm vi, mức độ: Nhận biết; thông hiểu; vận dụng; vận dụng nâng cao không chỉ trong đọc hiểu văn bản mà cả nghị luận xã hội, nghị luận văn học một cách uyển chuyển, tránh máy móc, gượng ép là giải pháp tối ưu cho sử dụng ngữ liệu mới ngoài SGK với đề kiểm tra, đánh giá ngữ văn theo Công văn 3175”.
Có thể thấy, ra đề, làm bài chỉ là một khâu kiểm tra, đánh giá, trong lộ trình đổi mới dạy – học ngữ văn. Điều quyết định chất lượng dạy học chính là cả quá trình dạy học, làm sao thầy cô thổi hồn vào mỗi giờ lên lớp, biến quá trình học thành tự học, sáng tạo thành tự sáng tạo, quá trình đào tạo thành tự đào tạo…
Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh)
Bình luận (0)