Không đội mũ bảo hiểm, chở quá số lượng, chưa đủ tuổi lái xe mô tô phân khối lớn… là những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của nhiều học sinh TP.HCM. Việc xử phạt nghiêm kết hợp với tuyên truyền, giáo dục văn hóa khi tham gia giao thông sẽ giúp các em hiểu và tuân thủ quy định.
Nhiều lỗi vi phạm
Mới đây, Đội tuần tra dẫn đoàn Phòng CSGT Đường bộ – Đường sắt, Công an TP.HCM đã ra quân thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát xử lý học sinh vi phạm tại các trường THPT trên địa bàn. Chỉ trong hơn 1 giờ lập chốt kiểm tra tại giao lộ Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nguyễn Hữu Cảnh, CSGT đã xử phạt hàng loạt các lỗi vi phạm. Trong đó nhiều nhất là lỗi không đội mũ bảo hiểm, chạy xe trên 50 phân khối và chở quá số lượng quy định.
Trong quá trình tuần tra, kiểm soát, CSGT đã phát hiện một nữ sinh chạy xe máy trên 50 phân khối nên ra lệnh dừng xe kiểm tra. Nữ sinh này đang học lớp 11. Tại thời điểm kiểm tra, nữ sinh không xuất trình được giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và căn cước. Nữ sinh giải thích: “Do nhà xa nên cha mẹ mua cho em chiếc xe cũ để đi học. Ban đầu cha mẹ đòi mua xe dưới 50 phân khối nhưng em không chịu vì còn vài tháng nữa là em đủ tuổi nên mua xe trên 50 phân khối cho tiện. Em biết em sử dụng chiếc xe này là vi phạm nhưng em đã lỡ mua rồi. Em mong các chú công an bỏ qua lần này”.
Với vi phạm trên, nữ sinh bị lập biên bản, tạm giữ phương tiện. Trước sự năn nỉ của nữ sinh, CSGT đã nhẹ nhàng giải thích cho em hiểu về quy định khi tham gia giao thông đối với người chưa đủ 18 tuổi. Bên cạnh đó, CSGT cũng cảnh báo những nguy hiểm có thể xảy ra đối với nữ sinh cũng như những người xung quanh khi em chạy xe không đúng quy định. CSGT khuyên nữ sinh nên tạm thời chọn phương tiện phù hợp để đi học cho đến khi đủ tuổi mới được chạy xe trên 50 phân khối.
Tiếp theo, CSGT đã ra lệnh dừng xe đối với em T.H.T. (học sinh lớp 12). Em T. vi phạm lỗi không đội mũ bảo hiểm. “Lúc sáng do sợ trễ học nên em vội vàng phóng xe mà quên đội mũ bảo hiểm. Em biết như vậy là vi phạm. Em mong các chú CSGT đừng giữ xe và báo về trường”, em T. năn nỉ CSGT. Để làm gương cho những học sinh khác, CSGT đã tạm giữ phương tiện của T. đồng thời giải thích cho em hiểu về an toàn giao thông.
Ngoài ra, học sinh còn phạm lỗi chở quá số lượng quy định khi tham gia giao thông. Như trường hợp của em N.N.H. (học sinh lớp 10) chở tống 3 từ trường về nhà. “Bạn em không có xe nên em cho đi ké. Nhà chúng em cách trường hơn 1km em không nghĩ là CSGT sẽ bắt xử phạt. Em đã biết lỗi và hứa sẽ không tái phạm”. Trường hợp này, em H. bị tạm giữ xe đợi phụ huynh đến đóng phạt.
Giáo dục tuyên truyền
Nhằm tăng cường ý thức đảm bảo an toàn giao thông, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã phát động học sinh, sinh viên chấp hành an toàn giao thông năm học 2024-2025 trực tuyến tại 62 điểm cầu thuộc các tỉnh, thành trên cả nước trong đó có TP.HCM.
Ông Lê Kim Thành – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên chiếm khoảng 40% tổng số vụ tai nạn giao thông trong cả nước. Vai trò của giáo dục là giải pháp nền tảng, đóng góp rất đặc biệt trong việc đảm bảo an toàn giao thông. Vì mỗi học sinh, sinh viên được giáo dục, chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường thì khi ra đời sẽ có kiến thức, sẽ đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội. “Ngành giáo dục sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong tuyên truyền kiến thức về an toàn giao thông để học sinh, sinh viên hiểu, biết, nắm vững và thực hành đúng pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Thời gian tới sẽ không còn phải nghe tin, chứng kiến những vụ tai nạn giao thông mà trong đó người gây tai nạn là đối tượng thanh, thiếu niên”, ông Thành mong muốn.
“Thầy cô, học sinh, sinh viên phải luôn nêu cao ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm trong việc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đồng thời là tuyên truyền viên tốt nhất tới gia đình, bạn bè và cộng đồng dân cư, từ đó xây dựng cho được văn hóa giao thông trong đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo và học sinh sinh viên trong toàn quốc”, TS. Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) lưu ý. |
TS.Trần Văn Đạt – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh, việc giáo dục đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân phát triển toàn diện về sức khỏe, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật là mục tiêu chủ yếu của các cơ sở giáo dục. Trong đó, công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ các em trước hiểm họa tai nạn giao thông.
Theo ông Đạt, năm học 2024-2025 là năm học đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông trong học sinh sinh viên. Vì vậy, thầy cô giáo, các em học sinh, sinh viên chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Trong đó, phải chấp hành nghiêm quy định đội mũ bảo hiểm, đi đúng phần đường, làn đường, giảm tốc độ từ đường phụ ra đường chính, không lái xe sau khi đã uống rượu, bia; không phóng nhanh, vượt ẩu hay điều khiển xe mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.
Thúy Kiều
Bình luận (0)