Thông tin này vừa được ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nêu ra tại chương trình Chủ tịch UBND Hà Nội đối thoại với thanh niên năm 2024 với chủ đề “Thanh niên tham gia xây dựng thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” của Thành ủy Hà Nội, đặc biệt liên quan đến tài liệu giáo dục địa phương để thực hiện Chương trình GDPT 2018, thời gian qua, ngành GD-ĐT thủ đô đã phối hợp với các ban của Thành ủy, các quận huyện thị xã làm Atlat. Một trong những nội dung biên soạn tài liệu giáo dục địa phương là môn Hà Nội học bao gồm các di tích lịch sử, văn hóa ẩm thực, đặc sắc thủ đô… Dự kiến thời gian tới sẽ đưa môn Hà Nội học vào giảng dạy trong các cấp học.
“Hà Nội có 2.913 trường học với 2,3 triệu học sinh. Khẩu hiệu của ngành GD-ĐT thủ đô là hướng đến đào tạo ra thế hệ học sinh hiện nay phải tiệm cận với công dân toàn cầu, giỏi ngoại ngữ, chuyên môn và am hiểu văn hóa, lịch sử. Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ báo cáo xin ý kiến lãnh đạo TP đưa chương trình vào sớm nhất để tập trung đào tạo các em học sinh về kiến thức Hà Nội học hiện nay”, ông Trần Thế Cương cho biết.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Sở GD-ĐT Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Thủ Đô và các trường đại học trên địa bàn TP.Hà Nội biên soạn giáo trình đã tập huấn cho các giáo viên, phụ trách Đội để triển khai môn Hà Nội học.
Tuy nhiên, khung chương trình năm học của Chương trình GDPT 2018 đối cấp THCS có 1.032 tiết học/ năm đồng nghĩa 29,5 tiết học/ tuần; cấp THPT có 1.015 tiết học/ năm, đồng nghĩa 29 tiết/ tuần. Vì vậy, để đưa môn Hà Nội học cùng chương trình giáo dục địa phương vào khung chương trình năm học đòi hỏi ngành GD-ĐT cũng phải tính toán hợp lý để tránh quá tải đối với học sinh.
N.Trinh
Bình luận (0)