Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giải pháp tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 18-10-2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ, tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với kết quả nghiên cứu”.

TS.Ngô Anh Tín – Thành ủy viên, Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ phát biểu khai mạc hội thảo   

Gần 150 đại biểu gồm đại diện Bộ KH-CN, các viện, trường ĐH (ĐH), cao đẳng, các doanh nghiệp (DN), Sở KH-CN và các sở ngành liên quan, đại diện UBND nhiều quận, huyện… thuộc vùng ĐBSCL đã dự.

Trong phát biểu khai mạc, TS. Ngô Anh Tín – Thành ủy viên, Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ cho biết: “Cần Thơ luôn xác định khoa học và công nghệ là một trong những động lực tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung và cộng đồng DN nói riêng. Trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh, việc bảo hộ quyền SHTT đóng vai trò rất quan trọng nhất là đối với quá trình nghiên cứu. Tại các trường ĐH, viện nghiên cứu, vấn đề xác lập quyền này ngày càng được chú trọng. Các kết quả từ hoạt động nghiên cứu góp phần thúc đẩy quá trình tạo ra những sản phẩm có hàm lượng trí tuệ cao, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy hoạt động đầu tư phát triển…

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo nhằm thúc đẩy sự phát triển các hoạt động SHTT trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ của các trường ĐH, viện nghiên cứu, DN; phục vụ quá trình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng; đồng thời góp phần nâng cao trách nhiệm tôn trọng quyền SHTT, từng bước hình thành văn hóa này trong cộng đồng.”.

Tại TP.Cần Thơ, đến nay, một số viện nghiên cứu và trường ĐH đã đăng ký bảo hộ và được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu như Trường ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ… Tính đến tháng 9-2024, ĐH Cần Thơ có 40 đơn trên tổng số 152 đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của thành phố, chiếm tỷ lệ 26% và có 16 văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích trong tổng số 47 văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích của TP, chiếm tỷ lệ 34%. Viện Lúa ĐBSCL thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu chọn tạo giống lúa, trong đó tập trung cho giống lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, giống lúa chống chịu sâu bệnh, và thích nghi điều kiện bất lợi của môi trường như hạn, mặn, ngập… Hơn 30 giống lúa mới (công nhận chính thức) của viện đã được công nhận cho phép đưa vào sản xuất trong giai đoạn 2010 đến nay…

TS.Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trình bày các vấn đề về tăng cường sở hữu trí tuệ

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện quyền SHTT qua những tham luận như: “Xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu”. “Sử dụng, khai thác và phân chia lợi ích đối với các tài sản trí tuệ từ kết quả nghiên cứu”. “Quản trị, khai thác các tài sản trí tuệ, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu”. “Thực tiễn hoạt động tăng cường bảo hộ quyền SHTT đối với kết quả nghiên cứu”…

Tuy nhiên, theo các đại biểu, việc đăng ký bảo hộ còn đối mặt với những vướng mắc, như: Chi phí đăng ký bảo hộ khá nhiều, nhất là đối với sáng chế, giải pháp hữu ích. Chưa có nhiều dịch vụ đại diện SHTT hỗ trợ dịch vụ đăng ký xác lập quyền cho DN, tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP cũng như ĐBSCL. Đặc biệt, quy trình đăng ký chưa chặt chẽ và chậm khiến nhiều tác giả, nhóm tác giả không theo đuổi đơn đăng ký.

ThS. Trần Hoài Phương – Phó Giám đốc Sở KH-CN TP.Cần Thơ thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ TP.Cần Thơ

Thạc sĩ Nguyễn Nhật Trường – Viện Cây ăn quả miền Nam, cho biết: Để tạo được một giống cây ăn quả mới phải cần tối thiểu 15 năm nghiên cứu với kinh phí từ 15-20 tỷ đồng. Nhưng để được bảo hộ giống cây mới, ngoài đáp ứng được yêu cầu về tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định, phải khảo nghiệm trên đồng ruộng với những quy trình khảo nghiệm khác biệt. Việt Nam đang thực hiện bảo hộ đối với tất cả các loại cây trồng nhưng quy phạm khảo nghiệm DUS chưa được xây dựng cho tất cả các loại nên việc khảo nghiệm còn gặp khó khăn…

Mặt khác, có những sáng chế đã có văn bằng bảo hộ nhưng sản phẩm chưa/không thương mại hóa. Doanh nhân Phan Hồng Phước, chủ nhân của sáng chế “Cơ cấu cân bằng” (phương tiện thủy có khả năng lặn tạm thời để tránh sóng biển), và “Hệ giàn giáo” (giải pháp lắp ghép giàn giáo nhằm bảo đảm an toàn cho công nhân, người lao động khi làm việc trên cao), bộc bạch: “2 sản phẩm khó đến với thị trường do chúng tôi thiếu kiến thức và kinh nghiệm thương mại hóa, không biết cách tiếp cận thị trường. Đặc biệt, việc phát triển và thương mại hóa sáng chế cần khoản đầu tư lớn; trong khi nhiều nhà sáng chế, trong đó có tôi, không có khả năng tìm được nguồn tài trợ từ các tổ chức ”…

Ban tổ chức dành riêng khu vực trưng bày các sản phẩm ứng dụng khoa học, công nghệ; sản phẩm OCOP và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TP.Cần Thơ

Để các sáng chế được ứng dụng thực tiễn, nhiều đại biểu kiến nghị các cấp lãnh đạo xem xét cho các nhà sáng chế thực hành, nhà khoa học, được vay một khoản tiền nhất định với lãi suất thấp và không thế chấp tài sản; đồng thời ngành chức năng tổ chức các chương trình đào tạo, tư vấn khởi nghiệp để nâng cao kỹ năng tiếp cận thị trường.

TS.Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục SHTT, Bộ KH-CN, cơ bản thống nhất với những kiến nghị của các đại biểu và cho biết: Cục SHTT cố gắng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung nhân sự để xử lý nhanh các đơn xin SHTT; đồng thời sẽ hỗ trợ thông tin và chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa sản phẩm của DN trên thế giới để các nhà sáng chế tiếp cận cách làm của họ.

Trước những băn khoăn của đại biểu về thẩm định giá tài sản trí tuệ (đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của DN; trong nhiều trường hợp tài sản trí tuệ có giá trị lớn hơn nhiều so với giá trị tài sản hữu hình của DN). Việc định giá tài sản trí tuệ sẽ giúp DN biết được giá trị tài sản trí tuệ của mình, từ đó có những quyết sách, chiến lược kinh doanh phù hợp… Ông Hồng trao đổi: “Thẩm định giá tài sản trí tuệ là quá trình xác định giá trị bằng tiền của các quyền SHTT phù hợp với giá thị trường tại một địa điểm, thời điểm và phục vụ cho mục đích nhất định, theo tiêu chuẩn thẩm định giá. Các chủ sở hữu sáng chế cần có biện pháp, hoặc kết hợp với DN, nhà đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Như vậy chủ sở hữu sẽ phát huy được giá trị sản phẩm đồng thời đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng để các thẩm định viên thực hiện định giá tài sản trí tuệ của sản phẩm”.

Đan Phượng

Bình luận (0)