Sáng 19-10, tại Trường Tiểu học Long Biên (quận Long Biên), Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức lễ phát động tiếp tục đẩy mạnh thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc. Chương trình góp phần thực hiện mục tiêu đưa Hà Nội trở thành Thành phố học tập do UNESCO công nhận.
Tham dự và phát biểu tại lễ phát động, ông Trần Thế Cương – Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, thực hiện Chương trình số 06 của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 – 2025” và Chỉ thị số 30 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”; nhằm xây dựng môi trường giáo dục Thủ đô an toàn, thân thiện, hạnh phúc; khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng dạy học và giáo dục của các nhà trường, Sở GD-ĐT Hà Nội đã ban hành, triển khai thực hiện kế hoạch và bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc cho các trường mầm non, phổ thông.
“15 tiêu chí trong bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc được bám sát theo các nội dung trọng tâm của UNESCO. Đó là học sinh là trung tâm; khuyến khích sự phát triển toàn diện; tạo môi trường an toàn và thân thiện; xây dựng mối quan hệ tích cực; khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới và phát triển kỹ năng sống”, ông Trần Thế Cương cho biết.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, mà còn là môi trường hình thành nhân cách, phát triển tâm hồn cho thế hệ trẻ. Một trường học hạnh phúc là nơi mà mỗi học sinh được tôn trọng, lắng nghe và cảm nhận được sự yêu thương từ thầy cô, bạn bè.
Để xây dựng một trường học hạnh phúc cần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện và tích cực. Điều này bao gồm việc giảm thiểu áp lực học tập, khuyến khích sự sáng tạo và khám phá, cũng như phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Đồng thời, cần nâng cao sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong công tác giáo dục toàn diện học sinh.
Hiện nay, các nhà trường đã rất tích cực hưởng ứng xây dựng Trường học hạnh phúc bằng nhiều mô hình sáng tạo, nhiều giải pháp từ xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn; đổi mới phương pháp dạy học; bồi dưỡng phát triển kỹ năng, nghiệp vụ cho giáo viên, nhân viên; tạo nhiều sân chơi đổi mới, sáng tạo cho học sinh.
Ông Trần Thế Cương mong muốn bên cạnh các tiêu chí về môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, các cơ sở giáo dục sẽ tổ chức tốt việc thực hiện quy chế dân chủ, lan tỏa sự yêu thương, chia sẻ, tôn trọng, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu thương các em học sinh để mỗi ngày đến trường là một ngày vui, thầy cô hạnh phúc và học sinh hạnh phúc.
“Thời gian qua, ngành GD-ĐT Hà Nội đã báo cáo với Bộ GD-ĐT, UBND Thành phố đồng thuận để lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Thành phố Hà Nội là Thành phố học tập – trở thành thành viên mạng lớp Thành phố học tập toàn cầu. Việc tiếp tục thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc là một trong những giải pháp để đưa mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực”, ông Trần Thế Cương nhấn mạnh.
Sau lễ phát động, các quận huyện, thị xã, các trường học sẽ phát động và triển khai sâu rộng phong trào thi đua xây dựng Trường học hạnh phúc theo kế hoạch và bộ tiêu chí.
N.Trinh
Bình luận (0)