Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Quận Phú Nhuận, TP.HCM nhờ nhà khoa học bàn giải pháp ứng dụng AI trong dạy và học

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành giáo dục và đào tạo quận Phú Nhuận vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục tại quận Phú Nhuận”, ngày 19-10.

Hội thảo thu hút 50 báo cáo tham luận trực tiếp và trực tuyến đến từ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục. Đây được xem là địa phương đầu tiên tại TP.HCM tổ chức một hội thảo khoa học để đánh giá và tìm giải pháp ứng dụng AI trong dạy học một cách bài bản.

AI sẽ làm cho hoạt động dạy học bước sang trang mới

Tiến sĩ Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận chia sẻ tại hội thảo

Phát biểu đề dẫn hội thảo, tiến sĩ Lê Thị Bình – Trưởng phòng GD-ĐT quận Phú Nhuận khẳng định, ứng dụng AI trong quản lý và tổ chức hoạt động giáo dục là xu thế tất yếu tạo ra những thay đổi tích cực đối với giáo dục, đồng thời đặt ra thách thức cho các nhà quản lý và giáo viên về chất lượng và hiệu quả khi ứng dụng. Vai trò của AI trong giáo dục là cải thiện kết quả giáo dục, thúc đẩy sự tham gia của học sinh và cung cấp hỗ trợ phù hợp cho người học. Tuy nhiên, việc tích hợp AI vào giáo dục vẫn có những hạn chế, như: thiếu sự tương tác giữa con người với nhau; sự phụ thuộc vào công nghệ; quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu và cả những cân nhắc về đạo đức…

Bà cho biết, Hội thảo khoa học “Ứng dụng AI trong quản lý, tổ chức các hoạt động giáo dục tại quận Phú Nhuận” lần đầu được ngành GD-ĐT quận tổ chức với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà giáo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cùng giải quyết các vấn đề đang đặt ra đối với việc ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn quận. Đồng thời làm rõ những nội dung, phương pháp, hình thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực giáo dục, đề xuất những giải pháp phù hợp…

“Những định hướng, chia sẻ, đề xuất trong hội thảo sẽ giúp cán bộ quản lý, nhà giáo ngành giáo dục quận có thêm kiến thức, kinh nghiệm, giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số, nâng cao chất lượng đội ngũ, hoạt động dạy học, tiếp tục tiến trình chuyển đổi số toàn diện hơn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo” – tiến sĩ Lê Thị Bình chia sẻ.

Thông tin tại hội thảo, thạc sĩ Nguyễn Minh Thiên Hoàng – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, tháng 10-2023, khảo sát của Forbes Advisor với khoảng 500 giáo viên từ khắp Hoa Kỳ về kinh nghiệm của họ với AI trong lớp học, 55% giáo viên khẳng định kết quả giáo dục được cải thiện khi có ứng dụng AI. Điều này cho thấy vai trò của AI đang ngày càng rõ rệt trong định hình sự thay đổi của giáo dục, mang lại nhiều cơ hội trải nghiệm cho giáo viên. AI có thể thay giáo viên làm rất nhiều công việc trong lớp học, thậm chí hỗ trợ giáo viên rất tốt trong vai trò giám sát học sinh khi kiểm tra đánh giá. Bên cạnh đó là hỗ trợ học tập cá nhân hóa, tự động hóa công tác hành chính…

“Thông thường giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian vào việc chuẩn bị tài liệu giảng dạy. Công cụ AI có thể giảm bớt khối lượng công việc này bằng cách tạo ra các tài nguyên giáo dục phù hợp với mục tiêu của chương trình giảng dạy. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp giáo viên dễ dàng điều chỉnh tài liệu để đáp ứng nhu cầu học tập khác nhau của học sinh trong lớp…” – ông Hoàng nêu ví dụ.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, tương lai AI trong giáo dục sẽ làm cho hoạt động dạy học bước sang một trang mới, tương tự như CNTT đã tạo ra thay đổi trong giáo dục cách đây 25 năm, giai đoạn những năm 1999-2000 khi việc dạy và học chuyển từ phấn trắng bảng đen sang máy tính, máy chiếu.

Thạc sĩ Nguyễn Minh Thiên Hoàng – Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, tương lai AI sẽ làm cho hoạt động dạy học bước sang một trang mới

Giáo viên phải trở thành giáo viên AI

Thạc sĩ Hồ Thị Thu Lan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Phú Nhuận) nhìn nhận, thách thức trong ứng dụng AI tại trường tiểu học đến từ cơ sở hạ tầng công nghệ còn hạn chế; thay đổi tư duy, năng lực giảng dạy của giáo viên; cân bằng giữa công nghệ và giáo dục nhân văn, đảm bảo rằng học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phát triển các giá trị đạo đức, xã hội.

Hiệu trưởng này nêu rõ, để đưa AI vào giáo dục, trường học cần nhận thức rõ trách nhiệm đào tạo giáo viên, bảo vệ dữ liệu học sinh, duy trì sự cân bằng giữa công nghệ và sự nhân văn. Mỗi bộ phận từ ban giám hiệu, giáo viên, tổ trưởng chuyên môn đến bộ phận hành chính, y tế, phụ huynh đều có vai trò quan trọng triển khai và duy trì hệ thống AI một cách hiệu quả…

Thạc sĩ Đinh Duy Linh – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Bưu chính Viễn thông II, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng ứng dụng AI là cách hiệu quả nhất để nhà trường thực hiện thành công chuyển đổi số. Trang bị kỹ năng ứng dụng AI cho giáo viên là cách nhà trường trang bị năng lực số đội ngũ, xây dựng văn hóa số, giúp giải phóng giáo viên khỏi nhiều khối lượng công việc để có nhiều thời gian cho các công việc chuyên môn, sáng tạo.

Theo thạc sĩ Đinh Duy Linh, điều cốt lõi hiện nay là cần trang bị cho giáo viên sử dụng AI hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế một cách có trách nhiệm. Làm sao để giáo viên không tụt hậu trước sự biến đổi không ngừng của AI, song cũng không lạm dụng AI vào giảng dạy.

“Một bộ phận giáo viên còn lo ngại AI sẽ thay thế giáo viên. Tôi cho rằng, AI sẽ không thể thay thế giáo viên, con người vẫn luôn là trung tâm. Tuy nhiên tương lai chắc chắn rằng những giáo viên biết ứng dụng AI sẽ thay thế những giáo viên không biết sử dụng. Do vậy, không gì khác là chính giáo viên phải trở thành những giáo viên AI mới có thể không bị tụt hậu…” – thạc sĩ Linh nhấn mạnh.

Từ Mỹ, tiến sĩ Nguyễn Thành Hải – Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, ĐH Missouri kết nối trực tuyến đến với hội thảo. Với thực tế ứng dụng AI trong giáo dục tại Mỹ, tiến sĩ Hải cho hay, AI hỗ trợ công nghệ cho quá trình học tập, giảng dạy. Ứng dụng AI trong giáo dục hướng tới tạo ra sự thú vị, mới mẻ trong bài học, giúp cải thiện được kết quả học tập của học sinh.

Theo tiến sĩ Hải, điều quan trọng khi ứng dụng AI trong giáo dục đó là ý thức để sử dụng hiệu quả chứ không phải là lệ thuộc. Kinh nghiệm trong ứng dụng AI tại trường học ở Mỹ đó là nhà trường lấy người học làm trung tâm, lấy ý thức người học làm hiệu quả, hướng người học không phụ thuộc vào công nghệ.

Yến Hoa

Bình luận (0)