Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM dành thời gian rảnh rỗi để giải trí hơn là phát triển bản thân

Tạp Chí Giáo Dục

Phần lớn sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM rảnh rỗi từ 2 đến 4 tiếng mỗi ngày nhưng các em tập trung vào những hoạt động giải trí đơn thuần hơn là lên kế hoạch phát triển bản thân.

Dữ liệu khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM

Khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM với hơn 21.655 câu trả lời từ sinh viên các trường thành viên ĐH này đã cho ra kết quả trên. Tham gia khảo sát chủ yếu là sinh viên năm nhất (hơn 29%); năm hai (hơn 26); năm ba (hơn 2%); năm tư  (16%) thuộc các nhóm ngành kỹ thuật (hơn 24%);  ngôn ngữ, kinh tế – quản trị (hơn 18%); công nghệ thông tin (hơn 17%).

Ít chú ý phát triển bản thân hay mở rộng mạng lưới xã hội 

Trình bày kết quả khảo sát tại Lễ khai khóa ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 20-10, PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm, Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho hay, phần lớn sinh viên có thời gian rảnh rỗi từ 2 đến 4 giờ mỗi ngày (chiếm 66,7%). Bên cạnh đó, gần 23% sinh viên rảnh rỗi từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày và 10% sinh viên có ít hơn 1 giờ rảnh rỗi.

Sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội; đây là hoạt động được lựa chọn nhiều nhất. Các em cũng quan tâm đến việc phát triển bản thân tuy nhiên, mức độ khá khiêm tốn so với các hoạt động khác. Việc mở rộng mạng lưới xã hội cũng không được các sinh viên chú trọng.

Dù nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chủ động sử dụng thời gian rảnh rỗi song một số sinh viên vẫn còn quan niệm chưa đúng về việc lập kế hoạch cho thời gian này. Thậm chí các em cho rằng việc lập kế hoạch cho thời gian rỗi là… lãng phí thời gian.

Các hoạt động và thái độ đối với thời gian rảnh rỗi của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM (ảnh chụp từ kết quả khảo sát)

“Các con số cho thấy sinh viên ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình cũng như còn hạn chế trong việc quản lý thời gian, tìm hiểu sở thích và sắp xếp các hoạt động một cách hợp lý”- kết quả khảo sát nêu.

Trong khi đó, các phân tích cho thấy những sinh viên dành ưu tiên cho phát triển bản thân sẽ có sự hài lòng đối với cuộc sống ĐH cao hơn so với các sinh viên dành ít. Các hoạt động phát triển bản thân cũng thúc đẩy sinh viên tập trung hơn trong lớp học từ đó nâng cao hiệu quả học tập so với những em ít chú trọng.

Sinh viên chịu áp lực thi cử, khi bị so sánh với bạn bè…

Khảo sát cũng chỉ ra sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình học tập, trong đó đa số cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè và áp lực thi cử. Tuy nhiên, điều đáng chú ý, sinh viên cảm thấy hài lòng với cuộc sống ĐH hiện tại, đặc biệt là sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa.

Từ đây, nhóm khảo sát cho rằng sinh viên cần quan tâm đến việc cân bằng giữa nghỉ ngơi, giải trí và phát triển bản thân; chủ động xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi kỹ năng theo giai đoạn ngắn hạn, dài hạn.

Các em cũng cần học kỹ năng quản lý thời gian cùng những kỹ năng quan trọng khác, rèn luyện tư duy đổi mới; cần xây dựng lộ trình học tập, hoạt động ngoại khóa với những mục tiêu cụ thể để sử dụng thời gian hiệu quả hơn. Cùng với đó, tăng cường các hoạt động đoàn hội, cộng đồng, xây dựng lý tưởng học tập và kế hoạch tương lai cho bản thân.

Đối với các trường ĐH, nhóm khảo sát đề xuất việc chú trọng đến sức khỏe tâm thần, tâm lý của sinh viên. “Kết quả phân tích cho thấy sinh viên có tâm lý tự ti, lo lắng khi thấy bạn bè có thành tích học tập tốt hơn. Nhằm giải quyết vấn đề này, các trường cần có biện pháp khuyến khích sinh viên xây dựng những nhóm học tập (có thể được hỗ trợ bởi các sinh viên khóa trên) nhằm tăng cường trao đổi, gắn kết” – nhóm khảo sát nêu.

Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động, hội thảo chuyên đề liên quan đến việc quản lý thời gian và các kỹ năng quan trọng khác, các trường cũng có thể lồng ghép hoặc xây dựng những hoạt động này thành hoạt động ngoại khóa bắt buộc nhằm tăng cường hiệu quả tiếp cận đến sinh viên.

Mê Tâm

Bình luận (0)