Đề tham khảo môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 lần 2 vừa được Bộ GD-ĐT ban hành có nhiều thay đổi quan trọng so với đề tham khảo lần 1, tác động mạnh đến việc dạy và học ngữ văn ở trường THPT.
Nhiều thay đổi so với đề tham khảo lần 1
Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đánh giá, đề tham khảo lần 2 môn ngữ văn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của Bộ GD-ĐT có nhiều thay đổi, bám sát với yêu cầu chương trình hơn so với đề minh họa lần 1.
Trong đó, phần đọc hiểu ngữ liệu dẫu dù vẫn là văn bản văn học song đã thay đổi sang thể loại thơ hiện đại, các câu hỏi đọc hiểu mang tính hệ thống, đảm bảo được các yêu cầu cần đạt cơ bản liên quan đến thể loại đã nêu trong chương trình ngữ văn 2018; Phần viết đoạn có sự tích hợp với ngữ liệu của phần Đọc hiểu, giảm được áp lực cho học sinh (không phải đọc thêm ngữ liệu). Đây chính là thay đổi quan trọng so với đề tham khảo lần 1 và cũng là điểm tích cực nhất cần ghi nhận của đề tham khảo lần 2.
Dù vậy, giảng viên này cho rằng thuật ngữ sử dụng trong đáp án cần đúng với Chương trình ngữ văn 2018. Ở chương trình ngữ văn và sách giáo khoa hiện nay, thuật ngữ “dẫn chứng, đoạn văn song hành, móc xích” không được sử dụng. Ông cũng băn khoăn đề vẫn chưa đưa ra một mẫu minh họa theo định dạng thứ 2 mà nội dung hướng dẫn trong đề tham khảo lần 1 đã nêu (hoán đổi phần Đọc hiểu với ngữ liệu là văn bản thông tin/ văn bản nghị luận, gắn với yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội và viết bài văn nghị luận văn học). Đặc biệt, đề tham khảo vẫn chưa trả lời được câu hỏi rất cấp thiết của đông đảo giáo viên đó là kiểu bài viết so sánh hai tác phẩm văn học có khả năng xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp THPT hay không? Nếu có, câu lệnh/ yêu cầu đề sẽ như thế nào?.
Thạc sĩ Phan Thế Hoài – giáo viên ngữ văn, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đánh giá, đề ngữ văn tham khảo lần 2 có nhiều ưu điểm so với lần 1. Về hình thức, nội dung đề nằm gọn trên một mặt giấy, tương tự đề 2024 trở về trước.
Phần Đọc hiểu, vẫn kiểm tra kiến thức đọc hiểu của học sinh theo đặc trưng thể loại. Trong đó câu 1, 2 chỉ ở mức độ nhận biết, câu 3, 4, 5 tăng dần lên thông hiểu, vận dụng. Cơ cấu điểm của phần này là 4 điểm, rất hợp lí. Tuy vậy, học sinh phải có khả năng giải mã văn bản thơ và trình bày đầy đủ nội dung thì mới đạt trọn điểm. Học sinh trung bình và yếu có thể đạt 2-3 điểm/4 điểm.
Phần viết, câu nghị luận văn học 2 điểm, tích hợp từ ngữ liệu Đọc hiểu giúp học sinh làm bài theo mạch tư duy. Tuy vậy, để hiểu nhân vật trữ tình trong thơ là tương đối khó đối với học sinh có lực học trung bình, yếu. Học sinh có thể viết được khoảng 50% yêu cầu. Với học sinh khá giỏi, điểm có sự phân hóa rõ ràng theo năng lực. Câu nghị luận xã hội phù hợp với đa số đối tượng học sinh vì các em đã được học và luyện tập nhiều ở các lớp dưới.
Dạy và học thay đổi như thế nào trước đề tham khảo?
Nhìn từ yêu cầu của đề tham khảo, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi cho rằng giáo viên cần tăng cường dạy học tích hợp kỹ năng, cụ thể là tích hợp dạy đọc, dạy viết, tạo cơ hội cho học sinh gia tăng kinh nghiệm xử lí tình huống, chuẩn bị tốt cho kỳ thi.
Trong quá trình ôn tập kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ, giáo viên cần đầu tư lựa chọn những ngữ liệu tốt, nguồn trích dẫn an toàn, đảm bảo yêu cầu tương đương độ khó của các văn bản trong các bộ SGK Ngữ văn 12, phù hợp với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT để học sinh thực hành, luyện tập.
Trên cơ sở yêu cần đạt, giáo viên cần xây dựng hệ thống các câu hỏi đọc hiểu theo loại thể phù hợp để vừa triển khai trong công tác ra đề, vừa có định hướng rèn kỹ năng Đọc cho học sinh. Khi dạy viết bài văn nghị luận văn học, ở bước thực hành viết, bên cạnh việc triển khai viết bài văn như SGK Ngữ văn yêu cầu, giáo viên cần đặc biệt chú ý tổ chức hoạt động thực hành viết đoạn để hỗ trợ học sinh ngày càng thuần thục kỹ năng.
Về phía học sinh, giảng viên Nguyễn Phước Bảo Khôi khuyên để thực hiện được các yêu cầu của đề cần thực hiện nghiêm túc những bài tập vận dụng, tích hợp kỹ năng đọc và viết được giáo viên yêu cầu, xem nó là những cơ hội để trau dồi, gia tăng kinh nghiệm liên quan đến kỹ năng, thao tác làm bài thi.
Chủ động tìm đọc những tác phẩm văn học, bài viết trên sách báo, tạp chí… đáp ứng một số yêu cầu quan trọng (có cùng thể loại, tương tự về đề tài, chủ đề với những văn bản được học trong SGK, phù hợp với lứa tuổi, nguồn tham khảo tin cậy) để rèn kỹ năng tự đọc một cách thuần thục nhằm hỗ trợ tốt cho bài làm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Điều quan trọng nhất là các em cần mài sắc kỹ năng, tìm hiểu thật kỹ yêu cầu được nêu trong đáp án để xác định trọng tâm học tập và ôn thi hiệu quả” – thạc sĩ Khôi nhấn mạnh.
Học sinh không cần học thêm
Theo thạc sĩ Phan Thế Hoài, với đề thi ngữ văn đòi hỏi nhiều học sinh về kỹ năng như đề tham khảo thì học sinh không cần học thêm. Thay vào đó chỉ cần nắm chắc kiến thức trong chương trình, được cụ thể hóa qua sách giáo khoa là có thể dễ dàng đạt trên 6 điểm. Với riêng học sinh muốn đạt được điểm khá, giỏi đòi hỏi các em phải có năng khiếu văn chương, điều này không phải cứ đi học thêm là được. “Học sinh muốn viết văn sâu thì phải chịu khó đọc sách, đọc tài liệu tham khảo, phải có tình yêu văn chương. Cái dở của nhiều học sinh là chưa có thói quen đọc sách, đọc tài liệu. Giáo viên cần hướng dẫn, cung cấp tài liệu từ các sách tham khảo uy tín, bài báo, tạp chí cho học sinh đọc để các em học cách viết sâu sắc”. |
Yến Hoa
Bình luận (0)