Được học và tương tác trực tiếp với giáo viên nước ngoài; vận dụng chính kiến thức bài học chế tạo ra các sản phẩm hữu ích; được học những kỹ năng bảo vệ bản thân… những tiết học “chương trình nhà trường” luôn mở ra những không gian và bài học mới mẻ, mang đến cho học sinh tiểu học sự háo hức, mong chờ.
Những tiết học hạnh phúc
Kết nối, trò chơi, tranh ảnh, đố vui có thưởng… là những hoạt động sôi nổi trong tiết học tiếng Anh với người nước ngoài tại lớp 2/11, Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp). Thông qua những hoạt động vui nhộn, không khí lớp học được “khuấy” lên bởi những tiếng cười rộn rã, sự mạnh dạn, tự tin của học sinh chủ động tương tác, trao đổi với giáo viên.
Tương tự, với tiết toán khoa bằng tiếng Anh, học sinh lớp 1/9 lại được trực tiếp làm những thí nghiệm đơn giản, thú vị trên chính bảng tương tác thông minh để học những kiến thức về khoa học, toán học. Giáo viên nước ngoài khuyến khích học sinh nói và thực hiện bằng những lời ngợi khen, high five…
Trong khi đó, tiết kỹ năng công dân số của lớp 2/11 với bài học về thiết bị số lại có một màu sắc khác. Học sinh trong lớp được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm 2 bạn sẽ cùng sử dụng chung một máy tính bảng để cùng giáo viên tìm hiểu và khám phá trực tiếp vào bài học.
Kỹ năng công dân số cũng là nội dung giáo dục mới lần đầu được TP.HCM đưa vào giảng dạy đại trà ở bậc tiểu học từ năm học này theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT.
Tại Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1), những tiết STEM trải nghiệm tại phòng STEM luôn là những tiết học được mong chờ nhất. Được chính tay mình làm ra các sản phẩm từ chính kiến thức bài học trên lớp khiến học sinh thích thú, hào hứng. Chỉ từ bài học về nhiệt độ trong môn khoa học lớp 4, học sinh được thực hành chế tạo nến từ dầu ăn ở phòng STEM.
Cô Nghiêm Quế Nhi – giáo viên Trường Tiểu học Phan Văn Trị cho hay, các tiết STEM trải nghiệm được tích hợp nhiều bộ môn, từ khoa học, tin học, toán học, và mỹ thuật, thông qua việc chế tạo một sản phẩm học sinh phải vận dụng kiến thức của các môn học khác nhau. Trên hết, học sinh ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết vấn đề thực tế chứ không chỉ dừng ở việc tạo ra sản phẩm.
“Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi học sinh phải chủ động tìm tòi kiến thức, giáo viên chỉ định hướng. Việc học và ứng dụng vào thực hành giúp các em mở ra nhiều kiến thức, kỹ năng như sáng tạo, phản biện, giao tiếp, tích cực, chủ động tham gia vào việc học” – cô Nhi đánh giá.
Cần sự đồng hành, chia sẻ từ phụ huynh
Cô Phạm Thị Minh Thu – giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp) đánh giá, các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường với sự mới mẻ về nội dung, phương pháp đã luôn mang đến sự hào hứng cho học sinh khi học tập. Mỗi môn học đều góp phần trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức, hướng tới giáo dục toàn diện học sinh.
Ví dụ, các tiết học tiếng Anh với người nước ngoài trang bị cho học sinh rất tốt về các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, bước đầu làm quen với chuẩn tiếng Anh quốc tế để đạt những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo từng khối lớp. Đối với môn tin học, học sinh sử dụng được máy tính, nhiều em đạt được các chứng chỉ quốc tế, đặc biệt là với nội dung kỹ năng công dân số trang bị cho các em kỹ năng sử dụng các thiết bị điện tử một cách an toàn, lành mạnh…
“Điều quan trọng là chính những kỹ năng được trang bị ở các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường đã góp phần không nhỏ giúp giáo viên thực hiện hiệu quả mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Sự tự tin, mạnh dạn, năng lực tiếng Anh, tin học của học sinh là nền tảng để thầy cô thực hiện đa dạng các hoạt động giáo dục trên lớp, có sự chủ động tham gia của học sinh”.
Cô Phan Thị Châu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh thông tin, chương trình nhà trường được triển khai bám sát mục tiêu Chương trình GDPT 2018, đáp ứng các chương trình, đề án của thành phố như tiếng Anh với người nước ngoài; toán khoa bằng tiếng Anh; tin học; kỹ năng sống; kỹ năng công dân số…
Các chương trình khi triển khai tại trường đều được Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP thẩm định, phê duyệt, đạt yêu cầu. Việc triển khai được nhà trường thực hiện trên nhu cầu của phụ huynh.
Với phụ huynh học sinh đầu cấp được nhà trường thông tin, tư vấn về chương trình nhà trường ngay trong quá trình tuyển sinh, từ nội dung, thời lượng học, mục tiêu hướng tới, mức học phí dự kiến… để phụ huynh nắm, đăng ký cho con. Căn cứ vào lựa chọn của phụ huynh nhà trường sẽ xếp cơ cấu lớp học. Riêng các khối lớp còn lại, nhà trường lấy ý kiến phụ huynh học sinh vào cuối năm và đầu năm học để thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ.
Trong quá trình thực hiện, nhà trường luôn tổ chức các tiết học mở chương trình nhà trường để phụ huynh vào học cùng con, nắm được nội dung, hiệu quả mà chương trình nhà trường mang tới, bổ trợ như thế nào cho các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018. Với những học sinh khó khăn, nhà trường lập danh sách để yêu cầu đơn vị đối tác hỗ trợ, đảm bảo không một em nào bị bỏ lại phía sau trong mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh.
Theo cô Châu, hiện nay Chương trình GDPT 2018 yêu cầu học sinh tiểu học phải được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày không quá 7 tiết. Tuy nhiên, thực tế về điều kiện cơ sở vật chất, ảnh hưởng đến sĩ số của mỗi lớp vượt quá điều lệ của Bộ GD-ĐT; Đội ngũ giáo viên, nhân viên của trường không đủ để đảm bảo“tải” hết cả 7 tiết/ngày cho học sinh… là những khó khăn hiện hữu khi nhà trường triển khai chương trình nhà trường.
Do vậy, khi giáo viên đã vượt quá số tiết nghĩa vụ theo quy định thì cần đến sự chung tay hỗ trợ từ phía các đơn vị giáo dục, vừa đảm bảo hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, vừa hài hòa với đặc thù đội ngũ, cơ sở vật chất của trường.
“Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, ngoài nỗ lực từ phía mỗi nhà trường, giáo viên thì rất cần sự chung tay hỗ trợ, thấu hiểu, đồng hành từ phía phụ huynh. Công tác xã hội hóa giáo dục không phải chỉ dừng ở xã hội hóa về cơ sở vật chất mà còn là xã hội hóa về các hoạt động giáo dục. Các nội dung giáo dục thuộc chương trình nhà trường đều nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, không tách rời nội dung giáo dục Chương trình GDPT 2018, rất cần sự chung tay hỗ trợ từ xã hội và phụ huynh học sinh, đảm bảo quyền lợi của học sinh” – cô Phan Thị Châu chia sẻ.
Yến Hoa
Bình luận (0)