Sáng tạo truyện tranh AI, thiết kế sách điện tử, vẽ tranh, chế tạo bình lọc nước… là cách mà cô trò lớp 7/16, Trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú) học lịch sử – địa lý.
Sáng 22-10, bài 3 về Phương thức con người khai thác, sử dụng và bảo vệ thiên nhiên châu Âu môn lịch sử – địa lý, lớp 7/16 được cô Nguyễn Thị Giang – giáo viên lịch sử – địa lý, Trường THCS Võ Thành Trang làm mới thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong giờ học. Hệ thống học tập LMS hiện diện trước, trong và sau tiết học. Đặc biệt, học sinh được sử dụng điện thoại tham gia vào các hoạt động trong tiết học.
Công nghệ hiện hữu trong giờ học
2 tuần trước khi tiết học diễn ra, học sinh lớp 7/16 đã được cô Nguyễn Thị Giang giao thực hiện những nhiệm vụ liên quan đến bài học trên hệ thống học tập LMS. Học sinh được chia thành nhiều nhóm, hoàn thành các sản phẩm về bình lọc nước; vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường nước; vẽ tranh chủ đề bảo vệ môi trường không khí; sáng tạo truyện tranh AI tuyên truyền bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các nhóm cũng cùng nhau thảo luận về nội dung bảo vệ nguồn nước, không khí và đa dạng sinh học liên quan đến bài học.
Trong tiết học trên lớp, học sinh từng nhóm sẽ thuyết trình về sản phẩm đồng thời chủ động sử dụng điện thoại thông minh tham gia vào hệ thống LMS để thực hiện các nhiệm vụ học tập được giáo viên giao như hoàn thành phiếu học tập trên hệ thống LMS, củng cố bài học qua trò chơi trực tuyến…
Với sản phẩm là bình lọc nước, nhóm của Võ Thị Lê Na – học sinh lớp 7/16 cho biết cả nhóm đã tìm hiểu mô hình lọc nước trên mạng internet và sử dụng các nguyên liệu tái chế để chế tạo. Bình lọc nước được tận dụng từ bình nước đã qua sử dụng, gồm 5 tầng, tầng trên cùng là cát mịn, tầng dưới cùng là sỏi nhỏ, ở giữa là than hoạt tính và sỏi lớn.
Na cho biết, ngoài kiến thức về bài học, khi được tìm hiểu trước về kiến thức bài học trên hệ thống LMS và tham gia chế tạo bình lọc nước đã giúp bạn mở rộng thêm nhiều kiến thức thực tế về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc được sử dụng điện thoại trong giờ học đã làm tiết học càng trở nên thú vị.
“Khi được sử dụng điện thoại trong giờ học em thấy rất hào hứng. Em được tương tác trực tiếp với cô và bạn bè ngay trong tiết học số bên cạnh việc học trực tiếp. Với sự xuất hiện của điện thoại, giờ học không còn nhàm chán nữa, chúng em được sử dụng chính điện thoại để vào hệ thống học tập LMS trên lớp” – Na hào hứng.
Trong khi đó, Đinh Huỳnh Như Ý cho biết, điều bạn thích thú nhất trong tiết học là bài giảng được giáo viên đan xen với các video thời sự liên quan đến bài học. Nhất là việc được sử dụng điện thoại để tham gia các hoạt động củng cố bài học trên hệ thống LMS, đã giúp kiến thức bài học trở nên vô cùng dễ hiểu.
Nhóm của Huỳnh Ngọc Trâm Anh có nhiệm vụ thiết kế truyện tranh AI về bảo vệ môi trường. Sản phẩm khiến bạn bè trong lớp vô cùng ấn tượng. Trâm Anh cho biết, điều quan trọng nhất khi sử dụng AI sáng tạo truyện tranh là phải có từ khóa phù hợp. Trong đó, bảo vệ môi trường; những cách bảo vệ môi trường; phải làm sao để bảo vệ môi trường là những từ khóa được nhóm đưa ra khi ứng dụng AI sáng tạo truyện tranh bảo vệ môi trường.
Bạn bày tỏ: Kết quả được AI trả về rất nhiều, cả nhóm được cô giáo hỗ trợ để chọn lọc ra kết quả phù hợp nhất. Công nghệ, AI khi được ứng dụng trong tiết học đã giúp môn học trở nên rất thú vị, ngoài kiến thức bài học chúng em còn được học thêm nhiều kỹ năng hữu ích khác.
Giáo viên “nhàn tênh” khi làm chủ công nghệ
Cô Nguyễn Thị Giang – giáo viên lịch sử – địa lý, Trường THCS Võ Thành Trang cho biết, việc ứng dụng LMS được cô triển khai thường xuyên trong môn học. Không chỉ dừng ở bài giảng số mà còn được thiết kế thành hệ thống câu hỏi tương tác, file ôn tập để học sinh chủ động tìm hiểu, củng cố kiến thức. LMS cũng giúp giáo viên nhẹ nhàng hơn khi tổ chức tiết học chuyển đổi số. Bên cạnh đó, hệ thống LMS hình thành được sự chủ động trong học tập và chuẩn bị bài cho học sinh, từ đó giáo viên dễ dàng mở rộng kiến thức trên lớp học.
“Khi sử dụng hệ thống LMS, giáo viên có thêm kỹ năng sử dụng CNTT, ứng dụng các bài giảng tương tác, hòa mình vào công cuộc đổi mới giáo dục của toàn ngành. Giáo viên nhẹ nhàng trong thiết kế bài giảng số, đa dạng hơn phương pháp, đặc biệt là có thể linh hoạt cho học sinh sử dụng điện thoại trong tiết học mà không sợ các em xao nhãng vì khi sử dụng điện thoại, học sinh sẽ vào hệ thống học tập LMS để tương tác trực tiếp các câu hỏi và giáo viên cũng ngay lập tức sẽ nắm được sự tương tác của học sinh, dễ dàng quản lý ngay trên hệ thống” – cô Giang đánh giá.
Điều đặc biệt là trong tiết học, cô Giang đã thiết kế 2 cuốn sách điện tử về bảo vệ môi trường nước và bảo vệ môi trường không khí qua các mã QR. Cô cho biết, các cuốn sách được thiết kế hoàn toàn trên những nền tảng phần mềm cơ bản đã được nhà trường tập huấn cho giáo viên trong chuyển đổi số. Không chỉ dừng ở môn lịch sử – địa lý, 2 cuốn sách điện tử còn là nguồn tư liệu dùng chung cho các bộ môn khác ở tất cả các khối lớp. Cũng trong tiết học, việc giáo viên cập nhật những thông tin thời sự qua các video thực tế liên quan đến bảo vệ môi trường đã khiến tiết học trở nên gần gũi, lôi cuốn.
“Các lớp tập huấn về CNTT, chuyển đổi số cho giáo viên do ngành giáo dục tổ chức là nền tảng để giáo viên tiếp cận, làm quen với công nghệ, ứng dụng những phần mềm trong thiết kế bài giảng. Nếu làm chủ công nghệ, giáo viên sẽ “nhàn tênh” khi đổi mới môn học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Bởi không chỉ là mới cho môn học mà còn hỗ trợ học sinh ứng dụng công nghệ chủ động tìm hiểu bài học. Tuy nhiên, đòi hỏi giáo viên phải chịu khó vận động, cập nhật” – cô Nguyễn Thị Giang nhìn nhận.
Được biết, các sản phẩm của học sinh trong tiết học được giáo viên cho điểm đánh giá thường xuyên, nhằm đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá và khuyến khích, động viên, tạo động lực cho học sinh trong học tập.
Yến Hoa
Bình luận (0)