Năm học 2024-2025, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT, đề thi môn ngữ văn sẽ không dùng ngữ liệu trong các bộ sách giáo khoa (SGK). Điều này vừa là một thử thách không nhỏ đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy và học sinh, đồng thời cũng tạo nên niềm hứng thú của sự khám phá những tác phẩm mới trong kho tàng văn học vô cùng phong phú.
Bài viết dưới đây phân tích bài thơ “Lễ tạ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hy vọng giáo viên và học sinh có thể tham khảo để làm giàu thêm kiến thức về thơ cũng như kỹ năng xử lý một văn bản mới.
Lướt qua bài thơ, tri giác của người đọc dễ bị hút ngay vào cái cấu trúc vòng tròn. Khổ đầu nói về sự trở về; khổ cuối nói về sự ra đi. Trở về với “Hồ nước cũ” và cũng từ “Hồ nước cũ” ấy ra đi. Thêm nữa, những dòng thơ đầu tiên được lặp lại nguyên xi ở các dòng cuối cùng. Ba khổ thơ giữa cho biết các sự kiện xảy ra và diễn biến tâm trạng của chủ thể trữ tình trong lần trở về này. Tất cả góp phần tạo nên ấn tượng về sự cân đối, hài hòa.
Trước hết, không thể không chú ý đến nhan đề bài thơ. “Lễ tạ” là cụm từ gợi nhắc một nghi thức tôn giáo. Như vậy, nhan đề bài thơ đã dẫn dụ người đọc vào một thế giới thiêng liêng, thế giới tâm linh. Chỉ với tâm thế này, người đọc mới có thể khám phá bài thơ một cách thấu đáo. Được viết bằng thể 6 chữ, ngôn từ bài thơ nhịp nhàng, êm nhẹ, gây cảm giác bình lặng, thanh an, làm nên cái giọng điệu suy ngẫm, chiêm nghiệm rất riêng. Nhìn lại, chính cái cấu trúc theo mô hình: trở về → trải nghiệm các biến cố → ra đi khiến ta nghĩ đến một cuộc hành hương. Về ngữ nghĩa, hành hương là một hành động, một nghi thức tôn giáo hoặc tâm linh, ở đó, người ta thường đi đến một vùng đất linh thiêng để tỏ lòng kính ngưỡng hoặc để cầu nguyện. Từ chốn hành hương cất bước ra đi, tâm hồn trở nên trong trẻo, thanh sạch. Như vậy, bài thơ đã mượn mô thức hành hương của tôn giáo để nói về một cuộc “hành hương” đặc biệt của chủ thể trữ tình. Cuộc “hành hương” này không phải đi đến địa danh nổi tiếng, gắn với bất cứ tôn giáo nào, mà là một chuyến đi riêng, về với “vùng đất thiêng”, “miền đất hứa” của tâm hồn mình. Đó có thể là nơi chôn rau cắt rốn; nơi chập chững những bước đi đầu tiên; nơi ghi dấu ký ức tuổi thơ trong sáng, êm đềm… Theo cách hiểu đó, trên đời này, mỗi người đều có riêng vùng “đất thiêng”, “đất hứa” và do vậy, trong đời, ai cũng có những cuộc “hành hương” của mình. Vậy, cảm xúc chủ đạo của bài thơ là cảm xúc thiêng hóa cuộc sống, ở đó, mọi sự việc, mọi biến cố dung dị của đời thường cũng trở nên hết sức thiêng liêng.
Ta hãy dõi theo bước chân “hành hương” của chủ thể trữ tình trong bài thơ. Ta từ đâu về? Bài thơ không nói cụ thể. Chỉ biết ta về nhờ sự dẫn dắt của những con đường. Nếu theo cấu trúc thông thường, sáu tiếng có thể tồn tại trong một dòng thơ (Con đường, con đường, con đường), ở đó, các tiếng được lặp lại theo kiểu tu từ điệp ngữ. Nhưng tác giả đã chọn hình thức khác: câu thơ sáu tiếng được ngắt thành ba dòng, mỗi dòng chỉ có hai chữ con đường. Cách trình bày này có thể gây ấn tượng về sự gập ghềnh, trắc trở; cũng có thể tạo cảm giác là trở về từ vô số con đường. Rốt cuộc, đó cũng chính là cách diễn tả về đường đời của ta. Về đây, ta đã bỏ lại phía sau trăm lối, ngàn nẻo; với bao nhiêu cảnh huống đã trải nghiệm: có vui có buồn; có rủi có may; có hạnh phúc, bất hạnh; có thất bại, thành công… Trên hành trình đó, hồn ta không khỏi từng nhuốm bụi nhơ, cần được gột rửa. Con đường trong những dòng thơ mở đầu và những dòng thơ kết bài rõ ràng là yếu tố mang tính biểu tượng. Tuy nhiên, không chỉ con đường mà dường như mọi hình ảnh có mặt trong bài thơ đều là những biểu tượng. Chúng xuất hiện như một tất yếu, là sản phẩm nhất quán một kiểu tư duy thơ. Đúng vậy, hồ nước cũ, miền nước lặng, lá sen già, người hái hoa kiếp trước, bình hoa, người hầu rượu, người thưa chuyện, vầng mây đỏ, tiếng sấm của trời, miền cỏ trắng, cõi sen tươi…, tất thảy đều mang đầy đủ tính chất biểu tượng của nghệ thuật ngôn từ.
Như nói ở trên, trở về từ những con đường, hồn người hẳn đã nhuốm bụi hồng. Đó là những tham, sân, si mà cõi nhân sinh mấy ai không vướng. Vì vậy, hồ nước xuất hiện như một tất yếu. Hồ nước cũ, miền nước lặng không chỉ là cõi thanh an, mà còn là biểu tượng của khả năng gột rửa, thanh tẩy. Trong hồ nước cũ ấy có lá sen già bền lòng chờ đợi ta về; và như một phép màu, từ lá sen già, thoắt cái nở xòe một cõi sen tươi. Cõi sen tươi kỳ diệu ấy hoàn toàn tương thích với một miền cỏ trắng – cũng là dấu hiệu của một phép màu. Chỉ khi tâm hồn thanh sạch, ta mới xứng đáng được khải thị những phép màu như thế. Một số câu thơ trong bài không hề dễ hiểu, và dĩ nhiên có thể cảm nhận, diễn dịch bằng nhiều cách khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Đây là thuộc tính của thơ, nhất là loại thơ giàu tính biểu tượng. Tuy nhiên, nếu đặt trong mạch cảm xúc thiêng hóa cuộc sống cũng như qua cảm quan Phật giáo, có khi ta sẽ chạm đến được nghĩa lý đích thực của chúng. Về với hồ nước cũ, nơi có lá sen già chờ đợi, đột nhiên một câu hỏi bật ra: Hỡi người hái hoa kiếp trước/ Kiếp này có hóa bình không? Không khó để nhận ra tín niệm luân hồi của Phật giáo được nhắc đến ở đây. Nhưng vẻ đẹp của thơ chưa phải ở triết lý ấy, mà là ở tương quan giữa người hái hoa (kiếp trước) và người có thể hóa bình (kiếp này). Có lẽ chỉ trong thơ mới có sự luân hồi kỳ lạ như vậy. Kiếp trước đã tận hưởng cái đẹp (hái hoa) thì kiếp này muốn được tôn vinh cái đẹp (hóa bình để cắm hoa). Câu thơ có dạng thức của câu hỏi tu từ. Hỏi người hay hỏi chính mình đây? Không dễ xác quyết điều này. Cái ước ao của người nghệ sĩ duy mỹ ấy chỉ là nỗi niềm trong sâu thẳm tâm hồn, không thể giãi bày, không thể sẻ chia. Vậy nên: Phải đào ba tấc đất sâu/ Mới tìm được người hầu rượu/ Phải lên đến bảy tầng trời/ Mới gặp được người thưa chuyện. Về với vùng đất thiêng, miền đất hứa mà rơi vào cảnh ngộ “vô tri âm”, “cô cố nhân” (chữ của Nguyễn Tuân) vậy sao? Ta hoàn toàn đơn lẻ, cô độc, chỉ tự đối diện với chính mình. Ba tấc đất, bảy tầng trời là những cách diễn đạt về tiền kiếp (cũng như người hái hoa kiếp trước đã nói trên). Như vậy, hành hương ở đây là trở về với thế giới riêng tư, biệt lập, tuyệt nhiên không có mối liên hệ với tha nhân. Những hình ảnh ngoại quan dường như không còn ý nghĩa. Sự giao tiếp chỉ diễn ra ở chiều sâu tâm linh. Ấy là cảnh giới thiền định – cái cảnh giới không phải ai cũng may mắn có được một lần trong đời. Đạt đến trạng thái tĩnh tuyệt đối như thế mới có thể được khải thị những điềm lạ từ thế giới “trên kia”: Ngẩng mặt một vầng mây đỏ/ Nổ vang tiếng sấm của trời/ Cúi đầu một miền cỏ trắng/ Nở xòe bên cõi sen tươi. Vầng mây đỏ hay hào quang của đấng siêu nhiên? Tiếng sấm của trời hay sự hồi đáp của quyền năng vô biên trước thành tâm thành ý của con người cõi thế? Các tín hiệu nghệ thuật đó gợi nhớ đến những câu chuyện về sự hiển linh ở kinh sách các tôn giáo. Trong tương quan với các biểu tượng vừa nêu, miền cỏ trắng và cõi sen tươi cũng là những điềm lạ, điềm lành, báo hiệu mối tương liên nhiệm mầu giữa con người và đấng cao xanh.
Mặc dù gợi đến việc hành hương, cũng như sử dụng nhiều biểu tượng liên quan đến Phật giáo, nhưng không thể nói “Lễ tạ” là bài thơ viết về đề tài tôn giáo. Đó chẳng qua là kiểu tư duy thơ của Nguyễn Quang Thiều – một thứ thơ luôn thấm đẫm cảm xúc thiêng hóa đời sống. Trong con mắt của nhà thơ, cuộc sống dù phồn tạp nhưng vẫn luôn bí ẩn, thiêng liêng, rất đáng ngưỡng vọng.
Đặng Lưu (Nghệ An)
Bình luận (0)