Theo cấu trúc định dạng và đề minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 tại TP.HCM, cả 3 môn ngữ văn, toán và tiếng Anh đều có 40% kiến thức ở mức độ vận dụng – cao hơn so với yêu cầu các đề thi tuyển sinh trước đó, đòi hỏi giáo viên phải thay đổi cách dạy gắn kiến thức bài học với thực tế.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2025 là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó, yêu cầu đặt ra của đề thi là làm sao phải chuyển đổi từ việc đánh giá kiến thức thuần túy sang đánh giá năng lực học sinh. Đặc biệt, với việc giảng dạy không bám theo 1 bộ SGK như chương trình 2006 mà được giảng dạy theo hướng một chương trình nhiều bộ SGK, đề thi đặt ra yêu cầu phải đánh giá được mức độ yêu cầu cần đạt của các môn học, gắn yếu tố vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tế theo đúng mục tiêu mà chương trình mới đặt ra.
Các điểm mới đáng lưu ý
Ở môn ngữ văn, cấu trúc đề thi tuyển sinh hiện chỉ còn 2 phần là đọc hiểu và viết thay vì 3 phần như trước đây là đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Đặc biệt, ngữ liệu phần đọc hiểu được trích dẫn nằm ngoài SGK là văn bản văn học và 1 trong 2 loại: văn bản nghị luận hoặc văn bản thông tin. Đề thi có 1 câu hỏi về tiếng Việt trong phần đọc hiểu văn bản văn học. Đề thi được xây dựng theo định hướng tích hợp giữa đánh giá năng lực đọc hiểu và năng lực viết, nội dung trong phần viết có liên quan đến văn bản ở phần đọc hiểu. Việc đánh giá tập trung vào các yêu cầu cần đạt về đọc hiểu và viết trong chương trình mới môn ngữ văn bậc THCS, chủ yếu là lớp 8, 9. Tỷ lệ phân bổ mức độ kiến thức trong đề thi cũng được điều chỉnh, giảm mức độ nhận biết, thông hiểu, tăng tỷ lệ vận dụng. Trước đây, mức độ nhận biết, thông hiểu chiếm từ 70-75% kiến thức trong đề thi, hiện nay tỷ lệ này đã giảm còn 60%. Tỷ lệ vận dụng tăng lên 40%. Điều này nhằm đánh giá khả năng vận dụng thực tế của học sinh theo chương trình mới.
Đối với môn toán, đề thi tuyển sinh giảm từ 8 câu trước đây xuống còn 7 câu. Trong đó, các bài toán thực tế giảm từ 5 câu xuống còn 4 câu (từ câu 3 – câu 6), bao gồm các dạng: toán thực tế liên quan đến xác suất, thống kê; toán thực tế liên quan đến hình học; toán thực tế liên quan đến phương trình, bất phương trình, hệ phương trình bậc nhất hai ẩn. Phạm vi kiến thức trong đề thi thuộc môn toán chương trình mới bậc THCS, bao gồm các mạch kiến thức: hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm mục đích đánh giá các năng lực toán học: tư duy và lập luận toán học; giải quyết vấn đề toán học; mô hình hóa toán học. Tỷ lệ kiến thức trong đề thi được phân bổ như sau: nhận biết và thông hiểu 60%; vận dụng 40%, đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế. Khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt.
Trong khi đó, môn tiếng Anh có 40 câu hỏi, chia ra 4 phần: ngữ âm (từ câu 1-4); từ vựng, ngữ pháp, giao tiếp (từ câu 5-16); đọc hiểu (từ câu 17-28); viết (từ câu 29-40). Điểm mới trong đề thi là có 2 câu hỏi mới về viết cụm từ phù hợp theo thông tin cho sẵn. Hai câu hỏi mới nhằm kiểm tra khả năng đọc chú thích trong từ điển để tìm kiếm thông tin ngôn ngữ và vận dụng kiến thức. Mức độ kiến thức trong đề cũng có sự điều chỉnh, cụ thể: nhận biết 20%; thông hiểu 40% và vận dụng 40%.
Giáo viên đổi mới cách dạy học gắn với thực tế
Cô Hồ Thị Bích Ty (giáo viên môn tiếng Anh tại Trường THCS Hà Huy Tập, Q.Bình Thạnh) đánh giá, format đề thi môn tiếng Anh không thay đổi: 70% trắc nghiệm và 30% tự luận; tuy nhiên, đề ra theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đánh giá năng lực học sinh qua khả năng hiểu và vận dụng kiến thức ngôn ngữ vào ngữ cảnh phù hợp, các tình huống thực tế cuộc sống (các câu trắc nghiệm được lồng ghép hỏi – đáp và kiến thức thực tiễn). Cách chọn ngữ liệu, nội dung của 2 đoạn văn mang tính thời sự và thật hơn (quảng cáo, tờ rơi, bản tin, cổ động, bảng biểu…), rất phù hợp với mục tiêu của chương trình mới.
Theo cô Ty, căn cứ vào định dạng và đề minh họa, giáo viên định hướng được phong cách và cấu trúc đề sớm để dạy, đồng thời ôn những điểm quan trọng thật kỹ, thay đổi nguồn tài liệu giảng dạy bổ trợ và tìm kiếm cũng như soạn thảo những dạng bài tập phù hợp hơn. “Với những điểm mới của đề thi, giáo viên sẽ phải cho học sinh thực hành nhiều hơn, tập trung hơn vào phần từ vựng (khảo bài thường xuyên) để học sinh sử dụng vào các bài tập. Các bài tập sẽ được soạn thảo theo hướng hỏi – đáp nhiều hơn chứ không phải chỉ hỏi có 1 từ mà phải đưa vào câu để học sinh sử dụng cụm từ”, cô Ty nhận định.
Tương tự, thầy Võ Kim Bảo (giáo viên môn ngữ văn tại Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) cho hay, điểm mới nhất của đề thi đó là 2 ngữ liệu trong cùng 1 đề thi; điểm nghị luận văn học lại ít hơn các phần còn lại, vừa sức với số đông học sinh. Những điều chỉnh này, theo thầy Bảo là phù hợp với chương trình mới. Cụ thể, chương trình mới ở môn ngữ văn không chỉ tập trung phân tích văn chương mà đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng, đủ năng lực thực tế để đọc, hiểu các loại văn bản, trong đó văn bản văn học chỉ là một trong các loại văn bản thôi. Việc học văn phải gắn liền với tính thực tế cuộc sống. “Với đề thi này có thể sẽ khiến một số giáo viên gặp khó, phản ứng vì vẫn đặt nặng phân tích tác phẩm văn học, quá quen với các đề thi cũ. Đề thi năm 2025 buộc thầy cô phải thay đổi, không thể dạy nội dung và dạy học thuộc lòng nữa mà phải trang bị cho học sinh kỹ năng, năng lực để dù gặp bất kỳ một bài thơ, câu chuyện, văn bản nào cũng có thể đọc hiểu và thể hiện sự hiểu của mình trong bài viết”, thầy Bảo đánh giá và cho biết thêm, căn cứ vào đề minh họa, giáo viên sẽ xây dựng những đề thi mẫu với mức độ phù hợp, đặc biệt là có hướng xây dựng những ngữ liệu phù hợp đưa vào đề thi mẫu cho học sinh làm quen.
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, khi Sở GD-ĐT TP.HCM đã ban hành cấu trúc định dạng và đề minh họa tuyển sinh lớp 10 thì các trường THCS cần xây dựng kế hoạch, nội dung giảng dạy phù hợp với chương trình mới, bám sát theo định hướng về cấu trúc, yêu cầu đánh giá và bảng năng lực, cấp độ tư duy trong đề thi tuyển sinh lớp 10 của sở. Đặc biệt, giáo viên phải thay đổi tư duy, suy nghĩ và phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; cần đánh giá được nội dung mình đưa ra cho học sinh có nằm trong yêu cầu cần đạt không, trong khung chương trình có cho phép không. Giáo viên không khai thác các dạng bài quá cao đối với học sinh mà chỉ tập trung vào nội dung chương trình. Các yêu cầu giao cho học sinh phải rõ ràng, cụ thể, không đánh đố. Các trường THCS cần rà soát lại những nội dung, yêu cầu cần đạt phù hợp trong chương trình mới bậc THCS, tập trung ở lớp 8, 9, từ đó xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phù hợp nhất. Khi xây dựng hệ thống ngân hàng có thể cho phản biện chéo giữa các trường với nhau để góp ý, hoàn thiện, đáp ứng đúng nhất với mục tiêu.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh, quan trọng nhất là giáo viên phải thay đổi quan điểm trong dạy học và kiểm tra đánh giá. Trong quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, giáo viên phải lồng ghép những nội dung thực tế có liên quan, song chỉ ở các mức độ cơ bản, để học sinh được làm quen với các dạng toán, không tạo áp lực cho học sinh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)