Hiện nay có khá nhiều người đầu tư trong lĩnh vực tài chính. Nhưng không phải ai đầu tư cũng thành công, nhất là các bạn trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm. Đầu tư thì dễ, nhưng để có lợi nhuận từ việc đầu tư thì không dễ, không ít người bị lừa đảo đầu tư đến mức trắng tay, vỡ nợ thậm chí nghĩ quẩn. Việc nâng cao nhận thức và giáo dục kỹ năng về tài chính là điều cần thiết để tránh rơi vào bẫy kẻ xấu.
Ông Ngô Vi Đồng (Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, chi nhánh phía Nam) cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với quy mô và tốc độ chưa từng có, tạo ra những giá trị to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội. Song cũng đặt ra những thách thức, trong đó có lừa đảo đầu tư tài chính. Các đối tượng mà tội phạm lừa đảo qua mạng hướng tới chủ yếu là nhóm người cao tuổi, người lao động có công việc không ổn định, thu nhập thấp và cả giới trẻ – những người thành thạo mạng xã hội.
Dù chiêu trò của các đối tượng không mới nhưng rất tinh vi. Hoạt động của các đối tượng phạm tội rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể. Đối tượng lập các sàn giao dịch, trang web giả mạo sàn giao dịch quốc tế, sau đó giao cho đội ngũ nhân viên telesale gọi điện mời chào nhà đầu tư tham gia các nhóm tư vấn, trao đổi qua Zalo và Telegram. Sau khi nhà đầu tư tham gia nhóm, đối tượng và thành viên của nhóm liên tục nhắn tin, gọi điện thuyết phục nhà đầu tư thực hiện giao dịch đầu tư tài chính, mua bán tiền ảo, tiền mã hóa nhằm chiếm đoạt tài sản. Những kẻ lừa đảo này có thể xuất hiện trong tác phong khá chuyên nghiệp và đáng tin cậy. Do đó, ngay cả những nhà đầu tư có kinh nghiệm cũng có thể trở thành nạn nhân.
Tại Việt Nam, theo thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin, trong năm 2023, ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022. Tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%. Trước tình trạng lừa đảo ngày càng tinh vi, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web đầu tư tài chính khi chưa tìm hiểu kỹ về phía chủ quản hoặc công ty quản trị trang, cũng như không tham gia các trang kêu gọi đầu tư tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo. Bởi các trang và các hoạt động đầu tư này không được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, cấp phép. Khi nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần đến cơ quan công an trình báo để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Người dân cần phải hết sức cảnh giác và thận trọng trước các lời mời về đầu tư tài chính trên các mạng xã hội, website… để tránh trở thành “miếng mồi ngon” cho những kẻ lừa đảo.
Cần giáo dục kỹ năng đầu tư
Sự phát triển của thị trường tài chính cùng với sự gia tăng của các hình thức tội phạm tài chính tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh và an toàn xã hội. Điều này càng khẳng định tính cấp thiết của việc triển khai các chương trình giáo dục tài chính bài bản và dài hạn nhằm trang bị kiến thức cho người dân, doanh nghiệp để tự bảo vệ mình trước các nguy cơ tài chính.
Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu phát triển tài chính toàn diện qua Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (ban hành tháng 1-2020) và Chiến lược tài chính đến năm 2030 (ban hành tháng 3-2022). Trong đó, một trong những yêu cầu quan trọng là đẩy mạnh các chương trình truyền thông giáo dục tài chính, nhằm phổ biến kiến thức tài chính sâu rộng đến mọi tầng lớp người dân và doanh nghiệp, góp phần phát triển dân trí về tài chính, qua đó thúc đẩy tài chính toàn diện và phát triển kinh tế – xã hội.
Ông Phạm Lưu Hưng (Kinh tế trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển Công ty cổ phần Chứng khoán SSI) khẳng định, tài chính cá nhân đã trở thành kỹ năng sống rất quan trọng. Việc giáo dục tài chính là vấn đề cấp thiết giúp mọi người, nhất là giới trẻ biết sử dụng dòng tiền và đầu tư đúng chỗ, tránh rủi ro. “Người trẻ, các nhà đầu tư thế hệ gen Z ngày nay có sự khác biệt về giá trị và ưu tiên, đòi hỏi cao về công nghệ, tính tương tác, nhưng đồng thời cũng thiếu kinh nghiệm và kiến thức đầu tư. Do đó, giáo dục tài chính cá nhân sẽ giúp nhà đầu tư trẻ tuổi có được kỹ năng sống cần thiết trong thời đại hiện nay”, ông Hưng chia sẻ.
PGS.TS Đỗ Hoài Linh (thành viên Hội đồng chuyên môn chương trình giáo dục tài chính “Vũ trụ đồng tiền”) cho biết, cuộc đại khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế năm 2008 mà cả thế giới trải qua đến từ nhiều nguyên nhân, trong đó thành tố trọng yếu là sự hiểu biết tài chính của từng cá nhân trong xã hội chưa cao. Mọi người dễ lựa chọn công cụ đầu tư không phù hợp và chi tiêu quá đà. Chính vì vậy, việc đào tạo tài chính cá nhân càng sớm càng tốt. “Kiến thức được đào tạo sớm theo thời gian sẽ chuyển hóa thành sự thông thái, tích hợp với trải nghiệm thì sự thông thái đó sẽ làm cho mỗi cá nhân có thể làm chủ đồng tiền. Đó là chìa khóa giúp giới trẻ mở cánh cửa kiến thức tài chính cá nhân”, ông Linh nói.
Trong khi đó, ThS. tâm lý Lê Văn Thịnh cho biết, tài chính là một khía cạnh vô cùng quan trọng trong cuộc sống. Thực tế, hiện nay có rất nhiều những đổ vỡ, sai lầm về tài chính cá nhân gây ra các hệ lụy nghiêm trọng đối với bản thân, gia đình và cả xã hội. Nguyên nhân do từ nhỏ, chúng ta đã không được giáo dục tài chính một cách bài bản và hệ thống. “Việc đào tạo tài chính là rất cần thiết. Với cách đào tạo mới mẻ, dễ hiểu sẽ giúp giới trẻ sử dụng đồng tiền thông minh, đầu tư đúng chỗ, hướng đến thành công”, ông Thịnh cho hay.
Bài, ảnh: Khánh Trinh
Bình luận (0)