Hàng chục hộ dân trồng thanh trà ở phường Thủy Biều (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đang trải qua một mùa thanh trà nặng trĩu nỗi buồn mất mùa do thời tiết diễn biến phức tạp khiến thanh trà không đậu trái…
Mất mùa thanh trà
Ở Huế, khái niệm “kinh tế vườn” được thể hiện rõ nhất có lẽ là ở những khu vườn thuộc phường Thủy Biều men dọc theo dòng sông Hương. Nơi đây nổi tiếng với nhiều loài hoa trái trĩu cành trong đó đặc ân ngọt lành nhất chính là loài thanh trà nổi tiếng khắp các vùng miền.
Ông Võ Bá Bình, Phó Chủ tịch UBND phường Thủy Biều cho biết, địa phương có hơn 120ha chuyền canh cây thanh trà. Những năm trước, sản lượng thanh trà thường dao động từ 600-700 tấn/mỗi năm, mang về nguồn lợi kinh tế trên dưới 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, vụ thanh trà năm nay, sản lượng giảm mạnh, chỉ thu hoạch chừng hơn 100 tấn.
Bấy lâu nay, thu nhập từ vườn thanh trà với gần 100 gốc của gia đình anh Đặng Đức Thịnh ở thôn Lương Quán, phường Thủy Biều được xem là kế sinh nhai của gia đình. Những năm trước, khi không mất mùa, mỗi năm sau khi trừ chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình có nguồn thu dồi dào, thoải mái nuôi con ăn học. Tuy nhiên, vụ thanh trà năm nay, mọi thành viên đành bấm bụng nhìn nhau khi vườn cây gần như mất trắng. Anh Thịnh cho biết: “Với khoảng 100 gốc thanh trà, mỗi năm gia đình thu về cả tấn quả, tùy theo thời giá mà thu nhập dao động từ hàng chục đến hơn trăm triệu đồng. Tuy nhiên năm nay, tỉ lệ cây ra hoa đậu quả chỉ chiếm khoảng 30%. Chưa kể có nhiều cây còn sâu bệnh, héo lá rồi chết hẳn để lại nhiều khoảng đất trống trơ”.
Được biết, mọi năm, mỗi gốc thanh trà trưởng thành sẽ cho khoảng trên dưới 300 trái, trọng lượng trung bình mỗi trái ở tháng thu hoạch dao động từ 0,5kg đến 1kg. Năm nay, không những cây chết, thưa trái, mà những trái còn sót lại trên cành cũng èo uột, nhăn nheo, nhẹ cân, chất lượng kém.
Nguyên nhân mất mùa theo ngành nông nghiệp địa phương nhận định là do thời tiết diễn biến thất thường, các giống sâu bệnh nguy hiểm gây hại trên cây trồng như chảy gôm, muội đen, sâu đục thân, bệnh vàng lá greening diễn biến phức tạp, khó phòng ngừa.
Hy vọng cho mùa sau
Thanh trà mất mùa khiến các hộ nông dân lao đao, lo lắng. Một phần, kinh tế gia đình bị thắt chặt hoặc mất trắng, phần khác, mọi người còn phải chạy vạy các khoản chi phí để bù lỗ, tiếp tục duy trì, chăm dưỡng, chờ đợi mùa sau.
Sinh sống ven sông Hương, từ nhiều năm nay, mọi chi phí trong gia đình của anh Võ Đại Cường từ việc lớn đến việc nhỏ như sửa nhà, nuôi con ăn học, lúc ốm đau bệnh tật đều chủ yếu trông chờ vào nguồn thu từ vườn thanh trà trang trải. Anh Cường cho biết: “ Với vườn thanh trà gần 100 gốc, mỗi vụ được mùa đem lại cho gia đình tôi thu nhập khoảng 150 triệu đồng, nhưng năm nay thì mất trắng. Dù vậy, gia đình đang nỗ lực chăm sóc, trừ sâu bệnh theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp để hy vọng mùa sau cây cho trái lại như trước”.
Chị Lê Thị Bé cũng đứng ngồi không yên khi vườn thanh trà gia đình rơi vào cảnh mất mùa chưa từng có. Trước đây, với vườn cây hơn 50 gốc thanh trà đang độ tuổi sung sức cho trái, gia đình yên tâm, tin tưởng có thể tự chủ được nguồn thu. Thế nhưng năm nay, toàn bộ vườn hầu như chỉ đậu được vài chục trái. Những trái không rụng, dần tượng hình thì đến lúc thu lại trái to, trái nhỏ, không đồng đều, hương vị bên trong lại bị khô, sượng, không ngon nên cũng chẳng có thương lái mặn mà thu mua. “Thanh trà mất mùa, chết cây, gia đình chúng tôi rơi vào cảnh nợ nần do âm chi phí. Từ đầu vụ, chúng tôi đã vung tiền ra đầu tư thuê người làm cỏ, dọn vườn, vun gốc, tưới tiêu, ngoài ra lượng phân bón bỏ ra để chăm sóc cây năm nay không hề ít mà trái lại còn trội hơn rất nhiều so với những năm trước. Mấy tháng nay, tôi phải mở thêm quán bún, bánh bán buổi sáng hòng đắp đổi chi phí sinh hoạt qua ngày”.
Thanh trà mất mùa là điều đáng buồn đối với người dân Thủy Biều nói riêng và là nỗi lo ngại của nông dân Thừa Thiên – Huế nói chung. Năm 2024, nhiều vườn thanh trà tại các địa phương khác trên địa bàn như xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy), phường Hương Vân (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế), xã Hương Thọ (TP.Huế) ghi nhận mất mùa hơn 50% so với năm ngoái.
Ông Tôn Thất Kim Sơn, Phó Hiệp hội Thanh trà tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, mất nguồn thu nhập từ thanh trà đồng nghĩa với mất nguồn sinh kế đối với nhiều hộ chuyên trồng loại cây đặc sản này, đời sống bà con sẽ chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, bà con không nên bi quan, chán nản, mọi người cần hợp tác với các tổ chức, ban ngành trong việc tiếp tục tuyên truyền, triển khai đồng bộ các biện pháp chăm sóc, cải tạo đất để vụ mùa sau có thể tăng năng suất, sản lượng vườn cây như mong muốn.
Bích Giang
Bình luận (0)