TP.HCM luôn đề cao vai trò, vị trí đặc biệt của văn hóa, và thể thao. TP chú trọng công tác đầu tư với mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực từ trong và ngoài nước để phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao, xây dựng các thiết chế văn hóa và thể thao tầm cỡ, trở thành điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Đó là chia sẻ của lãnh đạo ngành văn hóa, thể thao TP tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao năm 2024 do Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức.
Nhiều dự án văn hóa, thể thao
Ông Trần Thế Thuận – Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM cho biết, hiện nay, TP.HCM đang đề xuất kêu gọi đầu tư đối với 40 dự án bao gồm 23 dự án được HĐND TP thông qua danh mục đầu tư. Trong số này có 5 dự án có tính khả thi cao sẽ ưu tiên thực hiện trước.
Dự án Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật TP.HCM tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là công trình trọng điểm, mang tính biểu tượng của TP trong tiến trình phát triển và hội nhập. Việc hình thành không gian nghệ thuật này để tổ chức các chương trình văn hóa nghệ thuật, cuộc thi, liên hoan, sự kiện mang tầm quốc tế, trở thành “điểm đến” hấp dẫn cho các hoạt động giải trí và kinh doanh dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế xã hội cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án Khu phức hợp Trung tâm Văn hóa thiếu nhi đa năng – rạp chiếu phim. Dự án nằm ngay trung tâm quận 5 là điều kiện thuận lợi để kinh doanh, phát triển các hoạt động dịch vụ văn hóa, tạo nguồn thu lớn cho doanh nghiệp. Thông qua đó sẽ tạo sân chơi lành mạnh, giao lưu văn hóa, mở rộng không gian văn hóa phục vụ người dân, nhất là các em thiếu nhi.
Dự án Trung tâm Văn hóa – thể thao đa năng TP.HCM tại huyện Cần Giờ. Dự án sẽ góp phần phát triển các hoạt động văn hóa thể thao, tổ chức các lễ hội sự kiện của TP để định hình, phát triển, định vị thương hiệu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch tại huyện Cần Giờ.
Dự án xây dựng mới Nhà hát Gia Định quận Bình Thạnh tạo nên một quận phồn thịnh và thuận lợi cho cả việc định cư và phát triển kinh tế, nhất là việc tổ chức các hoạt động dịch vụ về văn hóa, không gian trưng bày, quảng bá cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Dự án Trung tâm Văn hóa Thành phố tại quận 1 là cần thiết, có tính khả thi cao. Nơi đây sẽ tạo doanh thu, tổ chức các sự kiện văn hóa, cuộc thi, liên hoan, hội diễn, phát triển đờn ca tài tử – đây là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam bộ, đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
“18 dự án còn lại TP mời gọi nhà đầu tư quan tâm, cùng nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư hiệu quả. Nhiều dự án trọng điểm, quy mô lớn tại Khu Liên hợp Thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, tại Khu Trường đua Phú Thọ… được kỳ vọng sẽ trở thành biểu tượng mới của TP.HCM”, ông Thuận cho biết.
Đóng góp lớn cho nền kinh tế
TP.HCM được đánh giá là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nhất cả nước. Tính đến thời điểm này, TP có khoảng 17.670 hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn TP. Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng. Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.094 tỷ đồng đạt 3,77% GRDP, đến năm 2020 giá trị sản xuất đạt 77.135 tỷ đồng đạt 3,54% tổng GRDP của toàn TP. Tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa đối với GRDP và sự phát triển kinh tế của TP ngày càng tăng.
Để phát triển lĩnh vực này hơn nữa trong tương lai, UBND TP đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM nhằm thực hiện chức năng hỗ trợ, kết nối, quy tụ các nguồn lực, phát huy sự sáng tạo, mở rộng thị trường phát triển trong nước và quốc tế.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM được xác định là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước và khu vực. Tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa của TP.HCM rất lớn nhưng chưa khai thác đúng mức. Các thiết chế văn hóa, thể thao chưa được đầu tư và phát triển ngang tầm so với yêu cầu phát triển của TP. Ông Mãi mong muốn các nhà đầu tư đồng hành cùng TP.HCM giải bài toán này. Để đến năm 2030, TP có những cơ sở vật chất đủ tầm để trở thành trung tâm sự kiện tầm châu lục, có thiết chế văn hóa thể thao hiện đại. Không chỉ là những dự án đầu tư, TP.HCM cũng mong muốn phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển văn hóa – xã hội. |
Ông Nguyễn Văn Hùng – Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, công nghiệp văn hóa là nhóm ngành mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới. Đây là nhóm ngành có giá trị hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu tăng khá nhanh trong thời gian gần đây.
Theo ông Hùng, trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM đã ưu tiên tập trung đầu tư 8 ngành: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang để phát triển, nâng chất, tăng hàm lượng chất xám và khoa học – công nghệ cao trên từng sản phẩm. Qua số liệu ước tính tại Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, doanh thu đạt khoảng 7-8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. TP đã tổ chức thành công nhiều chương trình, lễ hội, sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế. Qua đó đã góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Kiều Khánh
Bình luận (0)