Cô Nguyễn Thị Thanh Hằng – giáo viên chủ nhiệm lớp 10C3, Trường THPT Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM là giáo viên duy nhất được học sinh yêu thương trao huy chương và giấy chứng nhận “cô giáo của năm”.
Món quà đặc biệt này cô Nguyễn Thị Thanh Hằng nhận được từ chính sự tận tâm, nhiệt huyết, tình yêu thương, gần gũi mà cô dành cho học trò. Với cô, sự ghi nhận của học sinh là danh hiệu cao quý nhất trong hành trình dạy học của mình.
May mắn khi gặp cô là giáo viên chủ nhiệm
Nguyễn Kim Thắng là học sinh mới chuyển từ Bắc Ninh vào học lớp 10C3 khi năm học mới đã bắt đầu được 1 tháng. Trong ngày đầu nhận lớp, Thắng nhớ mãi hình ảnh cô chủ nhiệm đưa mình xuống tận nhà ăn để nhờ các thầy cô bán trú sắp xếp. Rồi mỗi ngày, cô đều nhắn tin riêng để hỏi han Thắng về tình hình học tập, về môi trường ở lớp, về khó khăn khi hòa nhập với môi trường mới, thậm chí là về khẩu vị đồ ăn bán trú.
“Khi chuyển từ tỉnh khác vào TP.HCM học tập, em bỡ ngỡ rất nhiều điều. Ở trường cũ em học bộ sách Cánh diều nhưng khi vào đây, các bạn học sách Chân trời sáng tạo, phong cách dạy của thầy cô cũng khác, cách các bạn trò chuyện cũng khác với rất nhiều từ em không hiểu. Rất nhiều môn học, em không theo kịp các bạn. Chính cô Hằng đã đề nghị được dạy kèm em miễn phí vào mỗi sáng thứ bảy để bổ túc thêm kiến thức môn hóa cho em theo kịp bạn bè. Đối với các môn học khác, cô Hằng luôn hỏi khó khăn của em và nhờ thầy cô bộ môn theo sát” – Thắng kể.
Bạn cho biết thêm, riêng môn hóa, những buổi sáng thứ bảy cô Hằng phải chạy gần 20km từ nhà đến trường để kèm cho mình. Cô dạy lại kiến thức từ đầu năm cho đến khi kịp bài vở ở lớp như bạn bè. “Sự nhiệt tình và ấm áp của cô đã giúp em nhanh chóng hòa nhập với môi trường học tập mới và bắt kịp kiến thức với bạn bè. Em cảm thấy may mắn khi ở môi trường mới được gặp giáo viên chủ nhiệm như cô Hằng” – Thắng xúc động.
Là lớp trưởng của lớp 10C3, khi được hỏi về giáo viên chủ nhiệm, Nguyễn Nhật Bình Minh cho biết bạn muốn đại diện cho lớp nói thật nhiều điều về cô nhưng không biết bắt đầu từ đâu vì: Cô chủ nhiệm của lớp em quá dễ thương và nhiệt tình. Cô không chỉ là người cô dạy chúng em kiến thức mà còn như ba mẹ, như người chị nhẹ nhàng chỉ bảo và bao dung chúng em từng li từng tí, và như người bạn hòa đồng, tâm tình với chúng em mọi điều.
“Ngày 20-10 mới đây, các bạn nữ trong lớp đã rất ngỡ ngàng khi được cô chủ nhiệm tặng quà là tấm thiệp chúc mừng và 2 cục kẹo. Đây là lần đầu tiên chúng em được nhận quà 20-10 từ giáo viên. Vào các dịp phong trào của lớp, cô còn tự bỏ tiền túi ra để mua trà sữa hoặc mua dụng cụ cho cả lớp làm vì sợ các bạn tốn tiền. Trong mọi hoạt động của lớp, cô luôn tôn trọng ý kiến của học sinh chứ không bao giờ áp đặt” – Bình Minh kể.
Ngoài gần gũi với học sinh, Bình Minh cho biết, cô Hằng còn ghi điểm với cả lớp bởi bài giảng hóa mà “ai cũng mê”. Các giờ học hóa luôn được cả lớp mong chờ vì cách cô giảng đưa kiến thức gần với cuộc sống qua những ví dụ sinh động, trực quan, thường nhật. Các bài giảng còn được cô làm mới qua các video thí nghiệm chứ không dạy chay đơn thuần.
“Cách cô giảng rất dễ hiểu, giúp chúng em ghi nhớ kiến thức ngay trên lớp. Bạn nào chưa hiểu nhắn trực tiếp hỏi cô, cô giảng lại cho đến khi hiểu thì thôi. Nhờ cô, hóa học với cả lớp không còn là “chướng ngại vật” nữa bởi bạn nào cũng thích học hóa”.
Theo Bình Minh, một điều nữa khiến cô chủ nhiệm “đốn tim” cả lớp, đó là sự ân cần của cô. Dù đã học lớp 10 nhưng ngày nào lớp và phụ huynh cũng nhận được tin nhắn báo bài của cô ở tất cả các môn học theo thời khóa biểu mỗi ngày. Với những lỗi mà các bạn mắc phải như bị ghi vào sổ đầu bài hay đi học trễ, cô không bao giờ la mắng mà luôn cặn kẽ tìm hiểu nguyên nhân, sau đó mới khuyên bảo…
“Món quà huy chương giáo viên của năm và chứng nhận giáo viên của năm là tình cảm mà lớp 10C3 dành tặng cho cô chủ nhiệm với những ân cần và tình yêu thương cô dành cho cả lớp. Chúng em luôn mong cô sẽ chủ nhiệm lớp suốt 3 năm học cấp 3” – lớp trưởng lớp 10C3 bày tỏ.
Hạnh phúc là được làm bạn với học sinh
Năm học này, lớp 10C3 có tới 51 học sinh. Ngay khi nhận lớp đầu năm, để nắm bắt tâm lý và hoàn cảnh của từng em, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng tìm hiểu thật kỹ hoàn cảnh của từng em, kết nối với học sinh qua các trò chơi, câu chuyện, qua bạn bè cùng lớp. Bằng cách đó, những học sinh từ nhiều trường THCS khác nhau từng chút một đã gắn kết với nhau. Đặc biệt, những nội quy của trường và nội quy về kiểm tra, đánh giá được cô thông tin sát sao đến phụ huynh học sinh để có sự phối hợp trong thực hiện.
Là giáo viên chủ nhiệm, theo cô Hằng, điều quan trọng nhất là tạo được bầu không khí lớp học vui vẻ, đoàn kết, học sinh biết quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, không phải học sinh nào cũng sẵn sàng trao đổi với giáo viên về hoàn cảnh gia đình, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải quan sát các em trong từng tiết học, trong những dịp trò chuyện, tạo sự thân tình, gợi mở để các em chia sẻ. Với những học sinh có mâu thuẫn với nhau, cô Hằng tạo nhiều cơ hội để các em được làm việc nhóm, tương tác nhiều hơn trong những hoạt động của bộ môn, của lớp. Khi được tiếp xúc với nhau, các em sẽ hiểu hơn về bạn bè để có sự chia sẻ, cảm thông.
“Học sinh đầu cấp rất cần sự kết nối, bởi đây là giai đoạn nền tảng tạo sự ham thích học tập ở môi trường mới cho các em suốt 3 năm THPT. Hạnh phúc của người giáo viên là có thể được làm bạn với các em giai đoạn này, để các em chia sẻ những câu chuyện của mình, từ việc học cho đến gia đình, bạn bè, cùng các em gỡ rối” – cô Thanh Hằng chia sẻ.
Theo thầy Hoàng Công Phú – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Lộc B, cô Nguyễn Thị Thanh Hằng là giáo viên trẻ luôn mạnh dạn đổi mới phương pháp giảng dạy, chịu khó hỗ trợ, gần gũi học sinh, được học sinh, phụ huynh rất yêu mến. Năm học này, cô được bầu làm Bí thư chi đoàn giáo viên.
“Học sinh ngoại thành nhiều em rất thiệt thòi, gia cảnh rất khó khăn. Sự nhiệt tình, quan tâm, gần gũi, tình cảm của giáo viên với các em không chỉ tạo môi trường học đường hạnh phúc mà còn trở thành động lực, động viên các em đến lớp, cố gắng trong học tập, vươn lên trong cuộc sống. Món quà lớn nhất mà giáo viên nhận được có khi không đến từ những tấm bằng khen mà lại đến từ chính sự ghi nhận của học sinh, và cô Hằng đã làm được điều đó”.
Yến Hoa
Bình luận (0)