Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Đề văn “lối sống phông bạt” 1 câu, 1 dòng gây chú ý

Tạp Chí Giáo Dục

Đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn ngữ văn khối 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) gây chú ý khi chỉ có 1 câu, 1 dòng duy nhất: “Hãy viết bài văn nghị luận bàn về lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay”.

Đề kiểm tra giữa học kỳ 1 môn ngữ văn lớp 10, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi gây chú ý

Sự lạ lùng trong cách ra đề cũng như tính “bắt trend” trong đề đã khiến đề trở nên “hot” khắp mạng xã hội. Nhiều giáo viên cho rằng đề chưa phù hợp với mức độ của một đề kiểm tra định kỳ.

Cô Thu Hà – giáo viên ngữ văn, Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) nhìn nhận, thuật ngữ “phông bạt” thường xuất hiện trên mạng xã hội, dùng để châm biếm những ai sống giả tạo, thích tỏ ra giàu có hoặc che giấu bản chất thật. “Lối sống phông bạt” được hiểu là lối sống lộng lẫy bề ngoài nhưng thiếu chân thật bên trong. Thay vì đối mặt với sự thật, người có “lối sống phông bạt” dùng vẻ hào nhoáng để dựng lên một hình ảnh khác xa thực tế.

Từ phân tích đó, cô Hà cho rằng, với cái nhìn vẫn còn chút gì “trẻ con” của học sinh lớp 10 thì khó có thể hiểu được vấn đề cần nghị luận đặt ra trong đề. “Đề có thể lạ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của một đề kiểm tra định kỳ môn ngữ văn. Và cách đặt vấn đề cũng không phù hợp với trình độ và cảm nhận của học sinh lớp 10” – cô Thu Hà đánh giá.

Giáo viên ngữ văn một trường THPT tại quận 1 cho hay, đề kiểm tra giữa kỳ mà chỉ có thời gian làm bài 45 phút thì hơi hạn chế, học sinh sẽ khó có thể đánh giá được hết kiến thức, kỹ năng mà các em đã tích lũy và rèn luyện được trong suốt nửa học kỳ.

Đề cũng không có phần đọc hiểu để nhận diện đặc trưng của thể loại theo định hướng của Chương trình GDPT 2018 mà chỉ có một phần viết duy nhất. Song phần viết trong đề cũng “chưa tới”, có cái cảm giác người ra đề hơi vội, hơi hời hợt…

“Trước hết, với cách đặt vấn đề là “lối sống phông bạt” trong đề thì cụm từ “phông bạt” nên được để trong ngoặc kép vì đây là một từ tiếng lóng ít thông dụng mà không phải học sinh nào cũng hiểu được nghĩa. Khi sử dụng tiếng lóng trong đề kiểm tra, giáo viên cần phải có chú thích về chữ “phông bạt”. Đề cũng sẽ hay hơn nếu như có thêm phần dẫn chuyện (đoạn văn nghị luận) chỉ ra một số biểu hiện của một số người trẻ về “lối sống phông bạt”, dẫn chứng thực tế từ cuộc sống, sau đó mới dẫn vào cái câu yêu cầu trong đề” – giáo viên này nêu.

Đặc biệt, theo thầy, việc quy chụp “lối sống phông bạt của giới trẻ hiện nay” trong đề không phù hợp với thực tế cuộc sống cũng như mục tiêu giáo dục học sinh, bởi thực tế nếu có lối sống này cũng chỉ có ở một bộ phận giới trẻ chứ không phải tất cả giới trẻ.

“Khi lựa chọn một hiện tượng xã hội để học sinh bàn luận, tôi cho rằng giáo viên nên quan tâm đến yếu tố giáo dục nhiều hơn là “bắt trend”. Giáo viên cần cẩn trọng khi lựa chọn ra đề về một hiện tượng xã hội tiêu cực bởi có thể trở thành con dao 2 lưỡi đối với học sinh, nhất là học sinh lớp 10 suy nghĩ còn “chưa chín” để có thể bàn luận sâu sắc. Đề kiểm tra có thể đạt yêu cầu về sự mới lạ, bắt trend nhưng cần hơn nữa là phải đạt được giá trị giáo dục học sinh thông qua chính cách đặt vấn đề của giáo viên” – giáo viên này thẳng thắn bày tỏ.

Chủ quan nên dễ mắc sai lầm

Theo thạc sĩ Trần Lê Duy – giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, hiện nay, với kiểm tra định kỳ, giáo viên có quyền chọn cho kiểm tra kỹ năng gì miễn đảm bảo yêu cầu cần đạt của chương trình. Với đề kiểm tra chỉ có 1 câu nghị luận này, giáo viên đang hướng kiểm tra học sinh kỹ năng viết văn bản nghị luận trình bày ý kiến về vấn đề đời sống.

Tuy nhiên, theo thạc sĩ Duy, cụm từ “lối sống phông bạt” đặt ra trong đề khá tối nghĩa, đề cũng không có ngữ cảnh để học sinh hiểu “lối sống phông bạt” là gì. Để “tròn trịa” hơn thì trong đề giáo viên cần cung cấp thêm ngữ liệu, ngữ cảnh để học sinh hiểu cụm từ “lối sống phông bạt”; Nên có tình huống giao tiếp (viết cho ai, để làm gì, mục đích gì); Nên rõ thêm về yêu cầu: dung lượng, yêu cầu về nội dung, hình thức…

“Có thể thấy, sau 3 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT, đâu đó giáo viên vẫn mắc lỗi khi ra đề kiểm tra định kỳ ở môn ngữ văn, do còn làm theo thói quen cũ, chủ quan, chưa kỹ lưỡng trong việc đảm bảo tính khoa học, tính chính xác, tính giáo dục, tính thẩm mỹ của đề. Các nhà trường, tổ chuyên môn cần làm chặt chẽ quy trình làm ma trận, bảng đặc tả, soạn đề và đáp án, phản biện và thẩm định đề, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Tất cả nội dung này đã được Sở GD-ĐT TP.HCM tập huấn cho giáo viên qua nhiều năm qua, mời chuyên gia về dạy, vì thế nhà trường, giáo viên cần thực hiện đúng theo quy trình đã được chuyên gia đề xuất” – thạc sĩ Trần Lê Duy nhấn mạnh.

Yến Hoa

Bình luận (0)