Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM tham gia Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á

Tạp Chí Giáo Dục

Là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, TP.HCM vinh dự tham dự Hội nghị Thành phố học tập khu vực Đông Nam Á (ASEAN+3) tại Băng Cốc, Thái Lan trong 2 ngày 29 và 30-10-2024.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu (áo dài) đại diện TP.HCM tham gia Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á 

Hội nghị các thành phố học tập khu vực ASEAN+3 do Văn phòng khu vực UNESCO tại Bangkok cùng Đơn vị quản lý các chương trình về phát triển của Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới của Thái Lan tổ chức. Đây là cuộc họp đầu tiên dành riêng cho các thành phố học tập UNESCO tại Đông Nam Á.

Hội nghị có 200 đại biểu tham dự là đại diện từ các thành phố học tập UNESCO và các thành phố tại Brunei Darusssalam, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Timor-Leste và Việt Nam. Thị trưởng và các quan chức chính phủ cấp cao thúc đẩy các thành phố học tập UNESCO tại các quốc gia +3 bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mạng lưới quốc gia và địa phương của Thái Lan với 39 thành phố, Bộ Giáo dục Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới, Quỹ Giáo dục Công bằng của Thái Lan và Bộ Giáo dục, với các chuyên gia và nhà nghiên cứu về Thành phố học tập và học tập suốt đời. Đại diện từ các tổ chức quốc tế bao gồm UNESCO, UN Habitat, UNDP và các tổ chức phi chính phủ.

Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu thông tin, ngày 14-2-2024, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã công nhận TP.HCM là thành viên Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO. Qua đó, bà có báo cáo tóm tắt quá trình xây dựng TP.HCM trở thành thành phố học tập, gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO.

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu, trong năm 2024 và 2025, TP.HCM sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về học tập suốt đời, xây dựng thành phố học tập trong nền kinh tế số, xã hội số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, các cơ sở giáo dục và các phương thức khác.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Thụy Mỵ Châu tại hội nghị

Hoàn thiện cơ chế, chính sách về xây dựng thành phố học tập: rà soát, tham mưu đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị trong công tác xây dựng thành phố học tập; cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân, người lao động được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp; chính sách hỗ trợ những người hết tuổi lao động, người nội trợ, người khuyết tật có điều kiện thuận lợi để học tập suốt đời.

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng thành phố học tập; đa dạng hóa phương thức tổ chức học tập của công dân, tổ chức các chương trình giáo dục trên kênh phát thanh, truyền hình, các trang mạng, báo điện tử, các ứng dụng truyền hình của các đài phát thanh, truyền hình; đẩy mạnh ứng dụng nền tảng công nghệ số của các mạng xã hội để triển khai các hoạt động xây dựng thành phố học tập. Xây dựng kho học liệu mở phục vụ việc tự học và học tập suốt đời của người dân thành phố; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân thành phố, triển khai xây dựng hệ thống, phần mềm quản lý và báo cáo kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO.

Tiếp tục triển khai thực hiện các tiêu chí, chỉ số trong Bộ tiêu chí thành phố học tập của UNESCO; Nghiên cứu đổi mới mô hình hoạt động, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong triển khai thực hiện xây dựng thành phố học tập; gắn mục tiêu xây dựng thành phố học tập với gắn với triển khai thực hiện đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn TP.HCM và phong trào thi đua “Cả nước xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Tăng cường vận động, khuyến khích mọi tầng lớp nhân dân xây dựng, duy trì thói quen tự học, ý thức học tập suốt đời phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi cá nhân.

Tăng cường việc trao đổi ý tưởng, tri thức và kinh nghiệm với các thành phố thành viên khác trên thế giới, cập nhật kiến thức và thực tiễn tại các hội thảo, hội nghị học tập toàn cầu của UNESCO. Tích cực tham các chương trình, hội thảo, sự kiện do UNESCO tổ chức.

“Đầu năm 2025, TP.HCM sẽ tổ chức sơ kết 6 tháng thực hiện xây dựng Thành phố học tập theo các tiêu chí của UNESCO, qua đó sẽ đánh giá những việc đã làm được, phát huy những thuận lợi, đưa ra những giải pháp khắc phục các khó khăn của thành phố, đề ra những nhiệm vụ cụ thể để triển khai trong năm 2025; đồng thời tăng cường hợp tác, phối hợp và học tập kinh nghiệm của các thành phố học tập khác trong nước và thế giới” – bà Lê Thụy Mỵ Châu thông tin.

Đóng vai trò quan trọng vào nỗ lực chung giữa các thành phố nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự toàn cầu

Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp vào những nỗ lực chung giữa các thành phố nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự toàn cầu, chẳng hạn như:

Ngày Thành phố Thế giới, diễn ra vào ngày 31-10 nhấn mạnh vai trò quan trọng của những người trẻ tuổi trong việc định hình tương lai đô thị bền vững; Phiên họp thứ mười hai của Diễn đàn Đô thị Thế giới (WUF12), do UN-Habitat diễn ra tại Cairo, Ai Cập, từ ngày 4 đến 8-11, với chủ đề “Tất cả bắt đầu từ quê hương: các hoạt động diễn ra tại địa phương vì thành phố và cộng đồng bền vững”. Diễn đàn này nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động tại địa phương trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu; Hội nghị quốc tế lần thứ sáu về các thành phố học tập (ICLC 6), diễn ra tại Thành phố học tập Jubail của UNESCO, Vương quốc Ả Rập Saudi, từ ngày 3 đến 5-12, với chủ đề “Các thành phố học tập đi đầu trong hành động ứng phó với biến đổi khí hậu”, giới thiệu vai trò quan trọng của các thành phố học tập trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO trải dài trên 356 thành phố tại 79 quốc gia. Ở châu Á – Thái Bình Dương, Đông Nam Á hiện có 19 thành phố học tập UNESCO, trong khi các quốc gia Đông Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã cùng tham gia vào một mạng lưới khu vực rộng lớn gồm 70 thành phố. Mạng lưới đóng vai trò là nền tảng năng động, thúc đẩy các chính sách, tạo điều kiện trao đổi các chiến lược cũng như các hoạt động thực tiễn giữa các thành phố học tập trong việc cam kết học tập suốt đời.

Hội nghị Thành phố học tập toàn cầu khu vực Đông Nam Á được tổ chức nhằm tạo cơ hội để các thành phố trong khu vực học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cách đẩy nhanh tiến độ trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Chương trình nghị sự giáo dục 2030 – đặc biệt là SDG 4: Giáo dục chất lượng và SDG 11: Thành phố và cộng đồng bền vững.

Cạnh đó phổ biến các hoạt động thực tiễn hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách tại địa phương và quốc gia để thúc đẩy thành phố học tập và các sáng kiến đổi mới cấp thành phố của các thành phố Đông Nam Á.

Nâng cao năng lực Mạng lưới Thành phố học tập Thái Lan để thúc đẩy sự hợp tác ở cấp khu vực. Thiết lập một nền tảng bền vững việc hợp tác đối thoại thúc đẩy học tập suốt đời giữa các thành phố học tập UNESCO cũng như các thành phố khác ở khu vực Đông Nam Á.

Các thành phố học tập ở Đông Nam Á cũng như Đông Á sẽ thực hiện các hành động sáng tạo và bền vững trong việc thúc đẩy học tập suốt đời cho tất cả mọi người thông qua cách tiếp cận thành phố học tập. Mạng lưới Thành phố học tập khu vực ASEA sẽ được thành lập để thúc đẩy sự hợp tác lẫn nhau giữa các thành phố trong việc xây dựng các xã hội học tập năng động.

Yến Hoa

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận (0)