Người dân TP.HCM đã quen với cảnh mưa lớn là ngập, triều cường là ngập. Hình ảnh giờ tan tầm, tan học, người lớn, trẻ nhỏ bì bõm lội nước đẩy xe trên đường không có gì là lạ. Tuy nhiên, năm nay tình hình ngập có phần nghiêm trọng hơn rất nhiều. Nước dâng cao hơn và lâu rút hơn khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề…
Thiệt hại không thể đong đếm
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP.HCM có mưa nhiều và triều cường đạt đỉnh khiến nhiều tuyến đường ngập sâu.
Đơn cử, đợt triều cường từ 17 đến 20-10, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè, Bình Chánh biến thành sông sâu, có những đoạn ngập tới yên xe máy.
Chị Bùi Gia Linh (huyện Bình Chánh) kể: “Tôi làm ở quận 3, mỗi ngày đều đi về trên Quốc lộ 50. Gần 10 năm nay, mỗi khi triều cường, tôi vẫn đi con đường này, dù ngập nhưng đi được. Tuy nhiên, chiều 17-10, con đường quen thuộc này trở nên xa lạ khi nước ngập tới yên xe. Rất nhiều xe bị chết máy. Xe tôi may mắn không bị chết máy nhưng nước chui vào cốp ướt hết đồ… Từ bữa đó đến nay, tôi sợ không dám đi lại con đường này nữa”.
Chị Trần Thị Hiếu (35 tuổi, đường Bùi Văn Ba, quận 7) cho biết, chị sinh sống và làm việc ở TP.HCM hơn 20 năm nay nhưng đợt triều cường từ ngày 17 đến 20-10 vừa qua là nặng nhất. Những năm trước triều cường lên rồi xuống rất nhanh. Tuy nhiên, thời gian gần đây ngập rất sâu, nước ngày hôm trước rút hết thì hôm sau lại dâng lên. Từ hẻm vào đến sân, rồi nhà, lúc nào cũng lênh láng nước…
“Mỗi lần nước ngập sâu là tôi phải cho 2 con nghỉ học. Vì 2 cháu còn nhỏ, tự đi thì ướt hết quần áo, cặp sách bởi nước cao lên quá đầu gối. Còn tôi thì không thể cõng 2 đứa cùng lúc…”, chị Hiếu bộc bạch.
Không chỉ có vậy, theo chị Hiếu, mặc dù đã biết thông tin về đợt triều cường qua báo đài nên chủ động kê cao đồ đạc trong nhà nhưng nhiều tài sản vẫn bị ngâm trong nước bẩn.
“Đang ngủ ngon thì nước dâng cao tràn vào nhà. Tủ lạnh và máy giặt đã kê cao lên nhưng nước vẫn ngập tới. Đợi nước rút kêu thợ tới sửa mất tiền triệu chứ đâu có ít. Chiếc xe máy mới sửa hết hơn 400 ngàn đồng sau trận ngập trước đó không lâu, nay lại bị ngập nước phải đi sửa tiếp. Vẫn biết phải sống chung với ngập nhưng tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Nhà cũng đã nâng nền lên rồi nhưng không ăn thua. Mỗi năm nước lại dâng cao hơn, không biết rồi sang năm còn ngập đến mức nào…”, chị Hiếu bức xúc.
Ông Lê Hoàng Anh Vũ (54 tuổi, đường Bùi Văn Ba, quận 7) cũng cho biết, những ngày triều cường dâng cao gây ngập, cuộc sống của người dân khu vực này bị đảo lộn, đi vào không được mà đi ra cũng không xong. Đi làm phải lội bộ ra đầu đường lấy xe, làm về đã thấm mệt cũng phải gửi xe đầu đường lội nước vào nhà.
Theo chị Trần Thu Sương (buôn bán trên đường Trần Xuân Soạn, quận 7), khu vực này hễ trời mưa hay tới đợt triều cường là ngập tứ phía. Tình trạng ngập khiến việc buôn bán bị ảnh hưởng vì không có ai qua lại khu vực này. Nhiều đợt triều cường dâng cao khiến bà con lo lắng, mất ngủ vì sợ nước ngập vào nhà làm hư hỏng hàng hóa.
Mỗi lần triều cường lên, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thọ (45 tuổi, đường Bùi Văn Ba, quận 7) lại lật đật kê cao đồ đạc trong nhà để tránh ngập nước.
“Bà con đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần rồi nhưng tình trạng ngập vẫn ngập”, chị Thọ tâm tư.
Người dân sống ở các tuyến đường Nguyễn Văn Khối, Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp) tuy không phải chịu cảnh triều cường nhưng mỗi khi trời mưa là nước không thoát được mà lênh láng khắp đường. Những trận mưa lớn luôn biến đường thành sông khiến việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn, gây ùn tắc giao thông…
Anh Đinh Thế Huy (nhà ở đường Phạm Văn Chiêu) kể: “Tình trạng kẹt xe ở quận Gò Vấp thì cực kỳ kinh khủng, ai cũng phải sợ. Những ngày mưa to gây ngập đường thì coi như mọi người chôn chân một chỗ luôn. Thậm chí nhìn thấy nhà bên kia đường mà đứng bên này mấy tiếng đồng hồ cũng không làm sao về nhà được…”.
Thời gian ngập ở nhiều tuyến đường kéo dài đến 120 phút
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật – Sở Xây dựng TP.HCM, đến nay TP còn tồn tại 13 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước do mưa và 6 tuyến đường trục chính thường xuyên ngập nước do triều cường. Cụ thể, 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa gồm: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (quận Gò Vấp); Bạch Đằng (quận Bình Thạnh); Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Quốc lộ 1A và Đặng Thị Rành (TP.Thủ Đức); Phan Anh, Hồ Học Lãm (quận Bình Tân). 6 tuyến đường trục chính ngập do triều cường gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (huyện Nhà Bè) và Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh); thời gian ngập từ 30 phút đến 120 phút tùy vào đỉnh triều.
Ngoài ra, một số tuyến đường khác trên địa bàn TP.HCM xảy ra tình trạng ngập nước do mưa (nước rút trước 30 phút) như Calmette, Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh, Nguyễn Văn Cừ, Lê Lai, Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Phạm Ngũ Lão (quận 1); Ung Văn Khiêm, Bình Quới (quận Bình Thạnh); Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp); Tân Hòa Đông (quận Bình Tân), Phan Anh (quận Tân Phú), An Dương Vương (quận 5)…
Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho rằng, nguyên nhân ngập chủ yếu do tần suất xuất hiện những cơn mưa có cường độ rất lớn trong thời gian ngắn ngày càng nhiều; địa hình TP.HCM tương đối thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa nhanh, hệ thống hạ tầng thoát nước chưa kịp đầu tư, cải tạo nên không đáp ứng được nhu cầu thoát nước; hệ thống cống thoát nước hiện hữu đã được đầu tư qua nhiều thời kỳ, không còn đáp ứng yêu cầu thoát nước trong điều kiện hiện nay; tình trạng xả rác làm lấp, bít miệng thu gây hạn chế khả năng thu, thoát nước…
Trước mắt, Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật thực hiện nạo vét các tuyến cống, cửa xả, kênh rạch bị bồi lắng, đặc biệt ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập nhằm đảm bảo thông thoáng dòng chảy; vớt rác miệng thu hố ga, khơi thông các vị trí cống bị tắc nghẽn; sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, thay thế các nắp bê tông bằng lưới sắt; mở rộng miệng thu nước…
Trần Văn
Bình luận (0)