Không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền; nhà giáo có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn; bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo; giao quyền chủ động cho cơ quan quản lý ngành giáo dục trong tuyển dụng giáo viên…
Bộ GD-ĐT vừa thông tin về Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Với 9 chương, 50 điều, dự thảo có nhiều điểm mới.
Bỏ đề xuất miễn học phí cho con nhà giáo
Điểm mới đáng chú ý tại Dự thảo Luật Nhà giáo lần này, Bộ GD-ĐT đã bỏ đề xuất quy định miễn học phí cho con nhà giáo. Theo bộ, việc quy định các chế độ, chính sách đối với thân nhân của cán bộ, công chức, viên chức thường được đề xuất đối với một số ngành, lĩnh vực có tính chất đặc thù. Chẳng hạn, hiện đã có quy định với lực lượng công an nhân dân, sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam…
Với quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo nhằm kiến tạo các chính sách, trong đó một số chính sách đột phá, tạo điều kiện cho nhà giáo phát triển cũng như nâng cao vị thế nghề nghiệp để thu hút người giỏi vào ngành, ngay từ dự thảo đầu tiên đăng tải rộng rãi xin ý kiến góp ý, Ban soạn thảo đã đề xuất chính sách hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo. Trong quá trình xin ý kiến góp ý, chính sách này nhận được nhiều sự ủng hộ của đội ngũ nhà giáo trong cả nước.
Quá trình rà soát, điều chỉnh Dự thảo Luật Nhà giáo qua các giai đoạn xin ý kiến của các cấp có thẩm quyền, chính sách này tiếp tục được đề xuất và có đánh giá tác động tài chính để tính toán nguồn lực thực hiện. Đây là quy trình bắt buộc trong xây dựng Luật Nhà giáo. Trong đó, việc dự toán số kinh phí chi trả cho con nhà giáo dựa trên mức trung bình học phí các cấp học theo quy định hiện hành. Con số được đưa ra đang là con số dự kiến và sẽ tiếp tục được rà soát để điều chỉnh phù hợp.
Ngay sau khi các đề xuất dự kiến (nhất là về kinh phí) được thông tin, Ban soạn thảo nhận được nhiều ý kiến góp ý, phản biện của dư luận xã hội. Sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT đã đưa ra khỏi dự thảo nội dung quy định về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo này.
Không công khai thông tin sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền
Ngoài quy định rõ hơn những việc nhà giáo không được làm, Dự thảo Luật Nhà giáo còn quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo. Bao gồm: Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.
Có ý kiến băn khoăn rằng quy định không được “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo. Tuy nhiên, bộ cho hay quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định.
“Đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học” – Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo
Một trong những điểm mới quan trọng ở Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GD-ĐT cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo. Đồng thời, điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Dự thảo luật quy định việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.
Nhà giáo có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn phù hợp hoạt động nghề nghiệp
Tuổi nghỉ hưu của nhà giáo trong dự thảo được quy định linh động, phù hợp hoạt động nghề nghiệp. Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Còn nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện. Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo.
Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư. Chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhà giáo.
Mê Tâm
Bình luận (0)