Không rõ từ bao giờ, các địa phương đều đặt mục tiêu hàng năm cho ngành giáo dục là “chất lượng giảng dạy, học tập năm sau phải cao hơn năm trước”! Một mục tiêu, xét về mặt tích cực, thì đó là mục tiêu hướng tới của mỗi giáo viên, mỗi học sinh và mỗi đơn vị giáo dục.
Tuy nhiên, xét về mặt tiêu cực, rất dễ nảy sinh bệnh thành tích bởi “sản phẩm” của giáo dục không phải là hàng sản xuất đồng loạt; sản xuất kiểu công nghiệp với máy móc hiện đại. Từ đó, khi không đạt yêu cầu “năm sau phải cao hơn năm trước” thì nhà trường sẽ phù phép cho chất lượng cao lên, mặc dù thực chất không phải như vậy! Đây là chiếc “vòng kim cô” đặt lên ngành giáo dục, ai “nhúc nhích” một chút, muốn thoát khỏi nó thì càng bị siết chặt hơn! Bệnh thành tích trở thành căn bệnh khó chữa; mang đến những thành tích ảo, điểm số ảo…
Dạy thật, học thật là mục tiêu hướng tới, là động lực giảng dạy, học tập trong nhà trường. Quyết tâm được đặt ra từ trên xuống dưới, ngỡ chừng phen này có chuyển biến về mặt nhận thức cũng như hành động. Điểm mấu chốt bây giờ là dạy cho học sinh hiểu, vận dụng kiến thức một cách hiệu quả nhất. Đối với học sinh, sự chủ động trong học tập, trong tiếp nhận kiến thức cũng được đề cao. Học sinh không còn phải tái hiện cảnh “chữ thầy lại trả cho thầy” mà là bằng cách riêng, sáng tạo của mỗi cá nhân khi được thầy cô khai tâm, phát huy trí lực. Nổi bật là bộ môn ngữ văn, quy định bài kiểm tra không được lấy ngữ liệu trong chương trình mà là ngữ liệu bên ngoài. Đúng như vậy, học xong các phần văn, tiếng Việt, học sinh sẽ phát huy khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tế một văn bản mới, chưa tiếp xúc bao giờ. Đó là nói về mặt lý thuyết, nhưng trên thực tế không diễn ra như vậy! Vì trường nào, hiệu trưởng nào cũng luôn muốn cho đơn vị mình có thành tích cao hơn; không còn ý nghĩa thi đua nữa mà chuyển sang “ganh đua” quyết liệt!
Tôi từng chứng kiến một vị hiệu trưởng phê bình một giáo viên trong cuộc họp rút kinh nghiệm sau kỳ thi học kỳ. Vì giáo viên này nghiêm quá, không cho học sinh “thoải mái” trao đổi trong khi làm bài thi học kỳ. Bản thân tôi còn được hiệu trưởng nhắc nhẹ là nên bỏ mấy vụ lập biên bản học sinh vi phạm quy chế thi (kèm tang vật là những cái “phao” làm sẵn). Vì nếu lưu lại biên bản vi phạm sẽ phải xếp mấy học sinh này hạnh kiểm “khá”, làm ảnh hưởng tới thành tích chung của trường; trong lúc đó, chỉ tiêu yêu cầu về hạnh kiểm là 100% học sinh xếp loại “tốt”. Hoặc trước đó, khi coi thi có giáo viên nào nghiêm khắc thì sẽ bị thay ra, làm giám thị 3 ở vòng ngoài, với nhiệm vụ là chuyển giấy làm bài thi cho các giám thị khác…
Điều kỳ lạ là bây giờ ít tình trạng học sinh ở lại lớp, từ tiểu học tới trung học phổ thông. Nghĩa là học sinh cuối năm đều phải… lên lớp, dù chưa đạt chuẩn cũng phải cho đạt. Từng xảy ra tình trạng học đến lớp 5, lớp 6 mà chưa đọc thông viết thạo, báo chí đã phản ánh cũng từ “bệnh thành tích” mà ra. |
Điều kỳ lạ là bây giờ ít tình trạng học sinh ở lại lớp, từ tiểu học tới trung học phổ thông. Nghĩa là học sinh cuối năm đều phải… lên lớp, dù chưa đạt chuẩn cũng phải cho đạt. Từng xảy ra tình trạng học đến lớp 5, lớp 6 mà chưa đọc thông viết thạo, báo chí đã phản ánh cũng từ “bệnh thành tích” mà ra.
Dạy thật, học thật đúng nghĩa là có học sinh lên lớp, có học sinh ở lại lớp vì chưa đạt yêu cầu. Dạy thật, học thật là số lượng học sinh đạt học lực khá, giỏi ít và học sinh có học lực trung bình nhiều. Bây giờ tìm đỏ mắt cũng không ra một học sinh bị xếp loại học lực yếu, trung bình mà toàn khá, giỏi cả lớp. “Bệnh thành tích” rõ ràng, hiển hiện như vậy mà không ai nói ra sự thật vì nhiều lý do; sợ bị trù dập, sợ ảnh hưởng đến xếp loại thi đua cuối năm… “Bệnh thành tích” khiến giáo viên trở nên vô cảm, không còn thiết tha mấy đến chuyện nâng cao chất lượng thật vì “ai cũng gù lưng” cả! Làm thầy cũng khổ tâm, phải cho học sinh điểm cao cho đạt chỉ tiêu thi đua mà mình đăng ký đầu năm học, mặc dù thực chất không phải như thế. Đó cũng là một cách tự lừa dối mình, một nỗi khổ âm thầm mà mấy ai thấu hiểu được!
Xin hỏi bây giờ có hiệu trưởng nào dũng cảm cho học sinh trường mình ở lại lớp không khi không đạt yêu cầu về học lực và các mặt khác? Nếu có sẽ trở thành “chuyện lạ” trong nhà trường. Hiệu trưởng sẽ là người bị phòng/sở giáo dục mời lên làm việc và số phận chiếc ghế hiệu trưởng cũng bắt đầu lung lay từ đây. Ngay cả học sinh cũng biết được “bệnh thành tích” nên khi vi phạm khuyết điểm, dù có lặp lại nhiều lần, các em vẫn hỏi giáo viên rằng: “Thầy cô có hạ được hạnh kiểm của em không?”, “Thầy cô có để cho em ở lại lớp không?”… Vì nếu có, giáo viên sẽ là người nhận hậu quả trước: không hoàn thành chỉ tiêu đăng ký và nếu không hoàn thành nhiệm vụ trong hai năm liên tục thì sẽ bị xem xét lại.
Người viết bài này cũng từng được hiệu trưởng nhà trường phân công duyệt kết quả hạnh kiểm cuối năm của học sinh. Trong gần 30 giáo viên chủ nhiệm lớp, cũng có người công bằng, cương trực, sâu sát, theo dõi lớp tốt suốt năm và có những học sinh bị hạ một bậc hạnh kiểm, từ “tốt” còn “khá”. Vậy mà hiệu trưởng kêu sửa lại hạnh kiểm “tốt” hết để chứng tỏ trường ta luôn tốt!
Chúng ta hô hào “dạy thật, học thật, thi thật” nhưng từ khẩu hiệu đến thực tế còn khoảng cách xa.
Thạch Hoài Lam
Bình luận (0)