Điểm mới đáng chú ý trong xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ không cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình giáo dục phổ thông mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ.
Ngày 31-10, tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020-2024, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Đề thi giữa các năm không đồng đều, có tình trạng lạm phát điểm cao
Báo cáo của Bộ GD-ĐT tại hội nghị cho thấy, năm học 2019-2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức hai đợt nhằm bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, đợt 1 dành cho thí sinh của 62 địa phương không thực hiện cách ly xã hội và cho các thí sinh không thuộc diện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đợt 2 dành cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chưa thi đợt 1 tại 26 địa phương khi các địa phương kiểm soát được dịch.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cũng được tổ chức hai đợt cho thí sinh của các tỉnh đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thí sinh chưa dự thi đợt 1 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong các năm 2022, 2023, 2024 được bộ đánh giá là đã đáp ứng được mục tiêu kép vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh vừa đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, khách quan, công bằng.
Kết quả thi đáp ứng yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp THPT; có độ tin cậy, được hầu hết trường sử dụng làm căn cứ xét tuyển. Giáo viên, học sinh và phụ huynh đồng thuận; dư luận xã hội đánh giá cao phương án và kết quả tổ chức kỳ thi trong bối cảnh dịch Covid-19.
Tuy nhiên, báo cáo của bộ cũng chỉ ra, từ năm 2020, kỳ thi tốt nghiệp THPT ngày càng được cải tiến kỹ thuật để công tác tổ chức được tốt hơn. Song việc ra đề thi giữa các năm và giữa các môn học (khoa học tự nhiên và khoa học xã hội) không được đồng đều nhau, đã có tình trạng lạm phát điểm cao.
Việc các trường sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh sớm khiến chỉ tiêu xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT bị thu hẹp, nhiều em điểm thi cao nhưng vẫn không đậu được nguyện vọng mình yêu thích tạo tâm lí xã hội không tốt cho hàng ngàn thí sinh và phụ huynh.
Việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi trong năm học 2020-2021 còn gặp khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; chưa có đội ngũ chuyên gia chuyên trách nên phải huy động giáo viên, giảng viên từ các cơ sở giáo dục vừa dạy học, ôn luyện vừa tham gia công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và ra đề thi.
Bên cạnh đó, vẫn còn thí sinh vi phạm quy chế thi và đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định. Trong quá trình tổ chức kỳ thi còn để xảy ra một số thiếu sót cục bộ tại địa phương trong công tác in sao đề thi, coi thi đã được xử lý kịp thời, bảo đảm quyền lợi của thí sinh.
Dự kiến không cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT từ 2025
Một số điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng được bộ công bố tại hội nghị. Theo đó, dự kiến tất cả thí sinh đều có thể đăng ký dự thi trực tuyến, bao gồm cả thí sinh tự do. Thí sinh được bố trí tại 1 phòng thi duy nhất trong suốt các buổi thi. Đề thi có cấu trúc định dạng mới, tăng cường độ phân hóa để tạo thuận lợi cho công tác tuyển sinh. Xét công nhận tốt nghiệp sẽ sử dụng kết quả thi và kết quả đánh giá quá trình 3 năm học theo tỷ lệ 50-50.
Đáng chú ý, dự kiến sẽ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ để miễn thi nhưng không quy đổi thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp. Cũng sẽ không cộng điểm chứng chỉ nghề do chương trình giáo dục phổ thông mới không còn quy định về hoạt động giáo dục dạy nghề như chương trình cũ.
Theo lộ trình, từ năm 2025-2030, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ giữ ổn định phương thức thi trên giấy; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu. Giai đoạn sau 2030, dự kiến từng bước thí điểm thi trên máy tính tại các địa phương có đủ điều kiện (có thể kết hợp giữa thi trên giấy và thi trên máy tính). Phấn đấu đến khi tất cả các địa phương trên toàn quốc có đủ điều kiện tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức thi trên máy tính đối với các môn trắc nghiệm.
Nội dung thi sẽ bám sát mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đề thi theo hướng tăng cường đánh giá năng lực, phù hợp với quy định và lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trừ ngữ văn thi theo hình thức tự luận; các môn còn lại thi trắc nghiệm. Mỗi thí sinh thi 4 môn trong đó có 2 môn bắt buộc là ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (gồm ngoại ngữ, lịch sử, vật lí, hóa học, sinh học, địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ nông nghiệp, công nghệ công nghiệp).
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng ghi nhận những kết quả mà toàn ngành đã nỗ lực đạt được trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp những năm qua.
Năm nay, cả xã hội quan tâm nhiều hơn tới kỳ thi vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chính vì vậy, Thứ trưởng đề nghị cần chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo hơn. Phải nâng cấp độ trong tất cả các khâu từ chỉ đạo, chuyên môn đến kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi.
Thứ trưởng cũng mong muốn các bộ, ngành, cơ quan Trung ương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong tổ chức kỳ thi; mong các địa phương tiếp tục vào cuộc hiệu quả, trách nhiệm. Các sở GD-ĐT chỉ đạo tổ chức hoạt động chuyên môn ở trường học bám sát yêu cầu kiểm tra, đánh giá thường xuyên; đồng thời quan tâm tuyển chọn giáo viên có trình độ, năng lực tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi, ra đề thi, kiểm tra, đánh giá.
Việt Ngân
Bình luận (0)