Ngày 31-10-2024, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo lấy ý kiến định mức kinh tế – kỹ thuật (KT-KT) các ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) năm 2024.
Tham dự có các doah nghiệp; đại diện ban giám hiệu và giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL.
Hội thảo nhằm lấy ý kiến, góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở GDNN (GDNN) đối với dự thảo các định mức KT-KT của 6 ngành nghề có thời gian đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng gồm: Điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, lái xe ô tô hạng B2, lái xe ô tô hạng C và bảo dưỡng ô tô. Qua đó đảm bảo thực hiện theo quy trình thẩm định định mức KT-KT dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước để hoàn thiện, trình Hội đồng thẩm định định mức KT-KT xem xét, thông qua.
Tại hội thảo, đại diện các ban chủ nhiệm xây dựng dự thảo định mức KT-KT đã trình bày về: Quá trình thực hiện dự thảo; quy trình xây dựng các định mức KT-KT đối với 6 ngành nghề. Theo quy định, việc xây dựng, thẩm định định mức KT-KT từng ngành, nghề, từng trình độ phải thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12-10-2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15-8-2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan.
Theo các đại biểu, nhìn chung, các dự thảo định mức KT-KT đã đáp ứng yêu cầu trên; với những nội dung chi tiết (năng lực của đơn vị, theo từng vị trí việc làm, công việc, môn học, mô đun, tín chỉ) của ngành, nghề và trình độ đào tạo theo quy định; được các đại biểu đánh giá là phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của TP. Chẳng hạn định mức KT-KT nghề điện tử có 4 thành phần cơ bản gồm: Định mức lao động trực tiếp và gián tiếp, định mức thiết bị, định mức vật tư, định mức cơ sở vật chất. Điều kiện lớp học lý thuyết tối đa 35 học viên, lớp thực hành tối đa là 18 học viên, thời gian đào tạo định mức KT-KT là 290 giờ. Các quy định pháp luật có liên quan; Số lượng công việc và thời gian cho công việc; Định mức thiết bị dạy lý thuyết, dạy thực hành, vật tư, cơ sở vật chất và thời gian đào tạo.
Đối với đào tạo nghề điện dân dụng, định mức điều kiện lớp học lý thuyết là 35 học viên và lớp học thực hành là 18 học viên. Thời gian đào tạo là 360 giờ; bên cạnh đó là định mức đối với những thiết bị dạy lý thuyết và thực hành; Định mức cơ sở vật chất trong phục vụ công tác giảng dạy…
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, sau khi định mức KT-KT của 6 nghề này được Hội đồng thẩm định TP thông qua, đơn vị chủ trì sẽ lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, hoàn chỉnh gửi Sở Tư pháp thẩm định trước khi trình UBND TP.
Việc xây dựng, thẩm định định mức KT-KT các ngành, nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đối với GDNN để trình UBND TP ban hành là căn cứ để xác định đơn giá đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nghề; giúp các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động GDNN; thúc đẩy xã hội hóa lĩnh vực này đồng thời tạo môi trường hoạt động bình đẳng giữa các cơ sở GDNN công lập và ngoài công lập; nâng cao hiệu lực, tiết kiệm và hiệu quả cho ngân sách Nhà nước.
Đan Phượng
Bình luận (0)