Sở GD-ĐT Hà Nội vừa phối hợp với quận Thanh Xuân tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024.
Tham dự và phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, chúng ta đang hướng tới một nền giáo dục phát triển con người toàn diện. Trong việc phát triển con người toàn diện, đặc biệt chú ý đến phát triển đạo đức và nhân cách. Để phát triển đạo đức và nhân cách, trong Chương trình GDPT 2018 có rất nhiều môn học, nhiều nội dung xác định rất rõ những giá trị học sinh cần phải đạt được trong quá trình học tập. Trong đó yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trách nhiệm… đều là những giá trị cốt lõi, quan trọng. Tuy nhiên, tối thiểu của đạo đức, căn cứ của đạo đức, bắt đầu của đạo đức lại từ việc tuân thủ pháp luật, làm theo pháp luật và ý thức pháp luật. Và trong pháp luật đã có những cái tối thiểu của đạo đức.
Nhắn nhủ tới các em học sinh, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề cập tới nhiều chữ “không” trong việc dạy, học và thực thi pháp luật trong và ngoài nhà trường.
Đó là, học tập và làm theo pháp luật “không phải là việc một ngày”. Dạy về pháp luật, rèn về pháp luật, thực thi pháp luật phải là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục. Việc học tập, tuân thủ và làm theo pháp luật “không phải việc của một người”. Pháp luật là cho nhiều người trong xã hội nên cần phải chung tay cùng nhau thực hiện pháp luật.
Mỗi học sinh “không đợi lớn” mới tìm hiểu và thực hiện pháp luật. “Không chỉ có nhận thức” mà phải có hành động. Hiểu và ý thức về pháp luật là hết sức quan trọng, nhưng không chỉ đọc, tìm hiểu mà không làm. “Không chỉ làm theo pháp luật đối với những việc lớn”, “không chỉ tuân thủ theo các luật, các bộ luật” mà đối với học sinh việc thực hiện pháp luật cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như tuân thủ quy định, quy tắc, nguyên tắc, quy chế của nhà trường…
Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, tuân thủ pháp luật không chỉ là việc của các em học sinh mà thầy cô, cha mẹ phải là những tấm gương, người gương mẫu trong thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật.
Năm 2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, lấy ngày 9-11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định vị trí vai trò quan trọng của pháp luật trong việc quản lý Nhà nước và đời sống xã hội, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật.
Ngày Pháp luật được phát động hưởng ứng hàng năm bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả với sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Các đơn vị, trường học đã phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh, người lao động và nhân dân về vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội, giúp những chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến gần với người dân hơn.
Dịp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tặng sách phổ biến giáo dục pháp luật cho thầy trò Trường THCS Thanh Xuân.
N.Trinh
Bình luận (0)