Trong bức tranh phát triển của TP.HCM, huyện Củ Chi – nơi được biết đến như một vùng ngoại thành yên bình, đang ghi nhận những thay đổi tích cực không chỉ về hạ tầng mà còn trong giáo dục.
Trường THPT An Nhơn Tây, một ngôi trường vùng xa của huyện, là ví dụ tiêu biểu cho sự chuyển mình đó. Trường không chỉ cải thiện chất lượng dạy và học mà còn đóng góp tích cực vào việc cân bằng nguồn lao động và thúc đẩy chương trình nông thôn mới của địa phương.
Nỗ lực của nhà trường để biến thách thức thành động lực
Cô Nguyễn Thị Hoa Huệ – Hiệu trưởng Trường THPT An Nhơn Tây thẳng thắn chia sẻ: “Chất lượng đầu vào của học sinh từ các trường THCS trong khu vực như An Nhơn Tây, An Phú, Phú Mỹ Hưng và Nhuận Đức khá thấp. Bình quân mỗi môn thi của các em chỉ đạt từ 3,5 đến 4,0 điểm, thấp nhất trong toàn TP. Đây là một thách thức lớn với nhà trường”.
Tuy nhiên, chính những thử thách này đã đặt ra động lực để nhà trường thay đổi phương pháp giảng dạy và thích ứng với hoàn cảnh thực tế.
Thời gian vừa qua, nỗ lực của thầy và trò đã được đền đáp khi năm học 2024, trường đạt tỷ lệ tốt nghiệp THPT 100%, một thành tích đáng tự hào khi điểm đầu vào của học sinh chỉ khoảng 10,5 điểm.
Em Hải Yến – học sinh lớp 12 tại trường tâm sự: “Em không phải học sinh giỏi, nhưng các thầy cô không bỏ rơi đứa nào cả. Ai học yếu thì được phụ đạo thêm, có môn nào cần thì được thầy cô gợi ý chọn cho phù hợp. Học ở đây, em thấy mình đỡ áp lực hơn và có định hướng rõ ràng hơn sau này”.
Cùng với Hải Yến, em Hoàng Liêm cho biết: “Ban đầu, em cũng hơi lo vì nghe nói trường mình ở xa và điểm đầu vào thấp. Nhưng sau khi học một thời gian, em thấy mọi thứ ổn hơn nhiều”.
Đây là minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của cả thầy và trò, với các biện pháp kịp thời và sáng tạo để hỗ trợ học sinh, từ phụ đạo kiến thức cho đến định hướng môn học phù hợp. Sự thành công này không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn khẳng định rằng, với phương pháp đúng đắn, mọi học sinh đều có thể phát triển và đạt kết quả tốt.
Kết nối giáo dục với thị trường lao động
Trong bối cảnh huyện Củ Chi đang chuyển mình với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, Trường THPT An Nhơn Tây đã nhanh chóng nhận thấy cơ hội để gắn kết giáo dục với nhu cầu lao động.
“Trường luôn tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài giờ học và những buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ lớp 10, giúp các em hiểu rõ hơn về thị trường lao động địa phương”, cô Huệ cho biết.
Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với các trường trung cấp và cao đẳng trong khu vực để mở ra nhiều lựa chọn nghề nghiệp cho học sinh không có nguyện vọng hoặc khả năng thi đại học. Thay vì bị động, các em được hướng dẫn sớm về học nghề, từ đó nhanh chóng hòa nhập vào thị trường lao động, góp phần giảm áp lực di cư lao động về TP.
Dù địa phương có nhiều cơ hội việc làm, học sinh vùng ngoại thành vẫn gặp bất lợi so với những bạn trẻ ở trung tâm TP, nơi ngành nghề đa dạng hơn và thị trường năng động hơn. Nhận thức được điều này, Trường THPT An Nhơn Tây tập trung vào việc nâng cao kỹ năng mềm cho học sinh. Các câu lạc bộ ngoại khóa được tổ chức thường xuyên, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, và khả năng tự học.
“Mục tiêu của trường không chỉ là đào tạo kiến thức mà còn chuẩn bị cho các em một tâm thế sẵn sàng để bước vào thị trường lao động”, cô Huệ khẳng định. Điều này đặc biệt quan trọng khi thị trường việc làm hiện đại không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn mà còn cần khả năng thích nghi và sáng tạo.
Trường THPT An Nhơn Tây không chỉ dừng lại ở việc cải thiện thành tích học tập mà còn chú trọng vào việc cá nhân hóa lộ trình học cho từng học sinh. Ngay từ đầu năm lớp 10, học sinh được tư vấn để chọn các môn học phù hợp với năng lực và sở thích. Sau năm học đầu tiên, nếu nhận thấy lựa chọn ban đầu chưa phù hợp, các em có thể chuyển đổi môn học để tìm ra hướng đi đúng đắn nhất cho mình.
“Nhà trường cũng tổ chức các kỳ đánh giá năng lực sớm, giúp học sinh chuẩn bị tốt cho các kỳ thi cuối cấp và đồng thời xác định rõ hơn các lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Đây là một trong những yếu tố giúp học sinh của trường không chỉ tốt nghiệp với kết quả cao mà còn tự tin hơn trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp”, cô Huệ nói thêm.
Những thay đổi tích cực từ giáo dục không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân học sinh mà còn tạo ra ảnh hưởng lớn cho địa phương. Những học sinh sau khi ra trường có thể tham gia vào các khu công nghiệp, xí nghiệp, hoặc tiếp tục học tập để trở thành lực lượng nòng cốt trong các ngành nông nghiệp công nghệ cao.
Em Xuân Thịnh, học sinh lớp 12, thẳng thắn chia sẻ về kế hoạch tương lai của mình: “Em không định thi đại học, mà sẽ đăng ký học ngành cơ khí ở một trường trung cấp. Thầy cô tư vấn cho em từ sớm, chỉ rõ cơ hội việc làm và con đường phát triển nếu học nghề. Ban đầu em cũng băn khoăn, nhưng giờ thì em thấy thoải mái với lựa chọn này. Ngành này đang cần nhân lực và em nghĩ mình sẽ sớm tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp”.
Trường THPT An Nhơn Tây là minh chứng cho việc một ngôi trường vùng xa có thể chuyển mình mạnh mẽ nếu biết tận dụng cơ hội và nỗ lực vượt qua khó khăn. Sự kết hợp giữa giáo dục và nhu cầu thực tiễn đã mở ra nhiều cánh cửa cho học sinh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho địa phương.
Những kết quả tích cực trong giáo dục và sự đóng góp của nhà trường vào chương trình nông thôn mới đã khẳng định rằng giáo dục không chỉ dừng lại ở giảng dạy tri thức mà còn là nền tảng để xây dựng tương lai cho cộng đồng. Trong hành trình đó, Trường THPT An Nhơn Tây đang từng bước khẳng định mình là một điểm sáng giáo dục của vùng đất Củ Chi, mở ra những cơ hội mới cho thế hệ trẻ và tạo động lực phát triển cho quê hương.
Thủy Phạm
Bình luận (0)