hiều 1-11-2024, UBND TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP theo quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1519 của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 2-12-2023 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1519 phê duyệt quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu Cần Thơ là TP sinh thái, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Tây Đô; là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ… của vùng ĐBSCL. Quyết định này là hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của TP.Cần Thơ.
Hội nghị công bố quy hoạch ngành nông nghiệp tích hợp vào quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là dịp để ngành NN& PTNT TP công khai định hướng quy hoạch ngành nông nghiệp để nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã và bà con nông dân có định hướng, chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp trong phát triển sản xuất.
Theo quy hoạch định hướng đến 2030, Cần Thơ sẽ phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở tích hợp đa ngành, có điều phối liên kết vùng, liên kết ngành. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên, tập trung xây dựng các vùng sản xuất nông – thủy sản chuyên canh đạt tiêu chuẩn, đáp ứng theo từng nhóm thị trường. Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp gắn với loại hình du lịch nông nghiệp. Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu… Phát triển nông nghiệp đô thị góp phần xây dựng môi trường sinh thái, cảnh quan, cung cấp thực phẩm xanh, đô thị bền vững. Phát huy tối đa lợi thế chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới để phối hợp nguồn lực, phát triển mọi mặt của sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn…
TP sẽ phát triển nhiều vùng chuyên canh quy mô lớn (như vùng sản xuất lúa chất lượng cao 48.000ha; vùng sản xuất cây ăn trái tập trung quy mô lớn trên địa bàn huyện Phong Điền, Thới Lai; vùng nuôi thủy sản tập trung, chuyên canh ven sông Hậu…). Đặc biệt, Cần Thơ được quy hoạch xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản ĐBSCL, với 250ha, gồm: quận Bình Thủy 50ha, huyện Cờ Đỏ 200ha; 7 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 1.665ha, 2 khu chăn nuôi tập trung quy mô 384ha, 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm Nông trường sông Hậu, Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, DN, lãnh đạo UBND các quận, huyện đã trình bày tham luận, đóng góp ý kiến nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch; và xây dựng ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ hiện đại; trong đó tham luận “Giải pháp thu hút đầu tư vào nông nghiệp” của TS. Nguyễn Trọng Uyên – nguyên Phân Viện trưởng Phân viện Quy hoạch & Thiết kế nông nghiệp, và tham luận “Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai gắn với phát triển bền vững nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu” của PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, với nhiều giải pháp, kiến nghị mang tính khoa học, có giá trị thực tiễn, được đại biểu đánh giá cao.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, đề nghị Sở NN-PTNT tiếp thu những đóng góp, tham luận của các đại biểu, và tham mưu, đề xuất UBND có biện pháp thực hiện theo thẩm quyền; đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân, DN nắm được quy hoạch; từ đó xác định được các vị trí vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng được phép chăn nuôi tập trung… Phối hợp với các sở ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND TP triển khai đầy đủ các chính sách, góp phần thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; kết hợp UBND các quận huyện tạo điều kiện thuận lợi để các DN, nhà đầu tư triển khai các dự án ở địa phương; tổ chức thực hiện quy hoạch hiệu quả.
Thực hiện tốt quy hoạch thủy lợi, phòng chống thiên tai ứng phó hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu… Tham mưu UBND TP xây dựng đề án thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để các nhà đầu tư kịp thời triển khai các dự án. Xây dựng bản đồ nông hóa, thổ nhưỡng để các hợp tác xã, bà con nông dân định hướng được từng loại cây trồng, vật nuôi phù hợp.
“Cần Thơ là trung tâm ĐBSCL, điều kiện kết nối giao thông thuận lợi, đất đai phì nhiêu, thích hợp để phát triển sản xuất nông nghiệp và bảo quản, chế biến… Tôi mong các nhà đầu tư, các DN quan tâm nghiên cứu, tìm cơ hội đầu tư… Đặc biệt là triển khai các dự án tại Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ĐBSCL tại TP.Cần Thơ. Đầu tư vào trung tâm này, các DN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi như: Thủ tục hành chính, thuế và đất đai… TP rất trân trọng, và luôn muốn được đồng hành cùng các nhà khoa học, nhà đầu tư, các DN để cùng xây dựng Cần Thơ trở thành TP sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL, và vì một ngành nông nghiệp phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng” – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ bày tỏ.
Đan Phượng
Bình luận (0)