Chiều 2-11, CLB Sinh viên Quảng Ngãi tại TP.HCM thuộc Hội Đồng hương Quảng Ngãi đã tổ chức chương trình chào đón tân sinh viên và kỷ niệm 10 năm thành lập CLB.
Anh Lê Quang Phú – Chủ nhiệm CLB Sinh viên Quảng Ngãi tại TP.HCM – cho biết, CLB được thành lập vào 24-8-2014.
10 năm qua, CLB nhận được sự đóng góp, quan tâm của nhiều đơn vị, tổ chức. Trong đó phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Hội Đồng hương Quảng Ngãi và CLB Doanh nhân Quảng Ngãi tại TP.HCM. Nhờ đó giúp CLB tồn tại và phát triển ngày càng vững mạnh.
CLB Sinh viên Quảng Ngãi tại TP.HCM là nơi để sinh viên tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thiện nguyện giúp đỡ xã hội.
CLB đã thực hiện nhiều chương trình mang lại tiếng cười cho trẻ em khó khăn; giải cứu chuối; giải cứu dưa hấu; thực hiện chương trình “Sách quê hương”; ly cà phê thiện nguyện…
“CLB đã thực sự trở thành là “ngôi nhà” chung của sinh viên Quảng Ngãi tại TP.HCM. Nơi đây cũng là cầu nối gắn kết sinh viên với doanh nghiệp, nâng đỡ sinh viên trong hoạt động khởi nghiệp, trở thành doanh nhân thành đạt.
Ông Trần Nhã Thụy – Phó Chủ tịch Hội Đồng hương Quảng Ngãi – cho rằng, 10 năm không phải thời gian quá dài nhưng khoảng thời gian ấy đã để lại bao kỷ niệm đẹp cho sinh viên Quảng Ngãi tại TP.HCM.
“Chúng ta dù sinh ra ở đâu cũng phải có dòng máu tự hào về quê hương, đất nước. Khi có sự tự hào chúng ta sẽ có khát vọng, có tư duy đột phá xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Chúng tôi mong rằng, các em sinh viên trong CLB sẽ tích cực học tập, tham gia hoạt động để trở thành sinh viên tích cực, năng động, xứng đáng là sinh viên của tỉnh Quảng Ngãi.
Nhằm hỗ trợ sinh viên Quảng Ngãi học tập tại TP.HCM, Báo Thanh niên đã trao 40 suất học bổng Nguyễn Thái Bình cho sinh viên vượt khó, học giỏi.
Dịp này, CLB Sinh viên Quảng Ngãi tại TP.HCM đã ra mắt ban chấp hành mới do anh Lê Quang Phú làm chủ nhiệm.
Trong khuôn khổ chương trình, các em sinh viên đã được xem vở kịch “Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt – Người mang chín án tử” của đạo diễn Hoàng Duẩn.
Vở kịch tái hiện một phần cuộc đời của nhân vật được người dân gọi bằng tên cung kính – “Đức Ông”. Tác phẩm lấy bối cảnh sau khi vua Gia Long qua đời, Minh Mạng (diễn viên Quang Thảo đóng) lên nối ngôi.
Để kìm bớt thế lực của Lê Văn Duyệt (diễn viên Đình Toàn đóng), vua rút ông từ Gia Định về Phú Xuân phò tá tân vương.
Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt là cánh tay đắc lực của vua Gia Long, xông pha trận mạc giúp vua lên ngôi. Khi làm Tổng trấn thành Gia Định, ông giữ cuộc sống luôn yên bình, được dân tin tưởng, giúp Chân Lạp thoát khỏi sự quấy nhiễu của quân Xiêm La. Vắng ông, thành Gia Định lầm than, cướp bóc khắp nơi. Minh Mạng đành chấp thuận cho Lê Văn Duyệt trở lại Gia Định làm Tổng trấn, đồng thời ngầm cho Phó trấn Huỳnh Công Lý theo dõi ông.
Vốn là tham quan, Huỳnh Công Lý ra tay hà hiếp dân, ăn cắp của công. Trước đơn tố cáo của người dân, Lê Văn Duyệt định xử tử Huỳnh Công Lý, nhưng hắn vốn là quốc trượng, cha của Huệ Phi, người đang được vua sủng ái, do đó không dễ bị hành quyết.
Dài hai tiếng rưỡi, tác phẩm lôi cuốn sinh viên nhờ xây dựng câu chuyện kịch tính. Chân dung Lê Văn Duyệt không chỉ hiện lên bằng các công trạng, mà còn qua những lần đối thoại với các nhân vật xung quanh.
Đối diện vua, ông thể hiện sự khảng khái của bậc công thần, không chịu luồn cúi như các gian thần xung quanh Minh Mạng. Khi Lê Văn Duyệt đã quyết, không ai có thể cản được ông, kể cả vua.
Vở kịch không chỉ giúp sinh viên được giải trí mà còn ôn lại lịch sử, qua đó khắc ghi công ơn của Đức Thượng Công Tả Quân Lê Văn Duyệt.
Hồ Trinh
Bình luận (0)