Không gói gọn trong không gian lớp học truyền thống, năm học này, nhiều trường học ở TP.HCM đẩy mạnh tổ chức các lớp học mở từ chính thiết chế văn hóa nhà trường như vườn trường, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và xa hơn là bước ra ngoài không gian trường học.
Sự mới mẻ về không gian học tập và phương pháp tiếp cận đã mang đến cho học sinh những giờ học vui vẻ, thoải mái, hạnh phúc.
Lớp học diễn ra ở vườn trường
Giờ học mỹ thuật của lớp 5/6 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.Gò Vấp) đặc biệt hơn tất cả các giờ học khác. Lớp học được đặt ở khu vườn trường, xung quanh là cây xanh rợp bóng mát, không gian chan hòa ánh nắng buổi sớm mai. Học sinh trong lớp ngồi theo từng nhóm, trải ra tại khu vườn trường. Những giá đỡ được xếp phía trên để học sinh trưng bày các sản phẩm tranh vẽ của mình trong tiết học. Đan cùng với bài giảng của giáo viên là véo von tiếng chim hót trong vòm cây. Học sinh vẽ tranh theo khung cảnh xung quanh vườn trường.
Cô Phan Thị Châu (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh) cho biết, khu vườn trường được nhà trường xây dựng như một không gian thư viện mở với nhiều cây xanh, đầu sách, để tổ chức các giờ học mở ở nhiều môn học như tiếng Việt, mỹ thuật, toán, khoa học, công nghệ… Các giờ học mở mang đến không gian và màu sắc riêng biệt cho từng môn học, khiến không chỉ học sinh mà ngay cả giáo viên cũng luôn thích thú, mong chờ.
Đặt trong bối cảnh đổi mới giáo dục, cô Châu đánh giá, việc triển khai các tiết học mở đóng vai trò quan trọng giúp giáo viên thay đổi phương pháp, hình thức tổ chức lớp học, tạo sự hứng thú cho học sinh trong tiếp cận kiến thức bài học, không giới hạn trong phạm vi kiến thức sách vở. Khi giáo viên “chạm” được đến học sinh trong tiết dạy là cách thầy cô xây dựng trường học hạnh phúc. “Đổi mới giáo dục sẽ trở nên hài hòa, dễ dàng và thiết thực khi được gắn liền với chính các thiết chế văn hóa nhà trường, như vườn trường, cây xanh… Nhà trường trao quyền và luôn khuyến khích thầy cô đổi mới không gian lớp học gắn với đổi mới giáo dục. Ví dụ, với môn khoa học, giáo viên có thể cho học sinh ra sân trường học để các em quan sát cây xanh; tiết tập làm văn lại quan sát tả cây cối trong vườn trường… Không gian lớp học không còn gói gọn trong lớp học truyền thống nữa sẽ tạo sự hào hứng cho học sinh trong học tập, việc tiếp thu kiến thức sẽ chủ động hơn, các em cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng hơn”, cô Châu nhìn nhận.
Mang tiết học đến Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
Năm học này, do số lớp học tăng thêm nên Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức) thiết kế, làm mới lại để phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất nhà trường. Đi cùng với đó, các hoạt động liên quan đến Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng được nhà trường sắp xếp, làm mới lại để đưa không gian đến gần hơn với học sinh trong từng tiết học.
Thầy Nguyễn Văn Ngãi (Phó Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đặt tại một khu vực riêng trong thư viện trường. Do đó, nhà trường đẩy mạnh tổ chức các tiết đọc sách, các tiết học mở tại thư viện ở nhiều bộ môn như lịch sử, giáo dục địa phương để học sinh có điều kiện tiếp cận với không gian và tìm hiểu thêm kiến thức. Bên cạnh đó, Đoàn trường cũng tổ chức các hoạt động, cuộc thi tìm hiểu về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đặc biệt, một số câu lạc bộ của trường cũng sẽ sinh hoạt tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh… “Nhà trường quan điểm Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng sẽ trở thành một thiết chế văn hóa gắn liền với hoạt động giáo dục của trường, không chỉ dừng ở các hoạt động phong trào mà còn phải đi vào từng tiết học. Do đó, việc mở rộng không gian, tổ chức các tiết học với Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhà trường khuyến khích giáo viên thực hiện, là cách để thầy cô làm mới bài học, làm mới không gian lớp học, mang đến các giờ học thú vị, bổ ích”, thầy Ngãi cho biết.
Học ở Thảo Cầm Viên
“Gieo hạt yêu thương – Lan tỏa hạnh phúc” là ngày hội dành cho học sinh khối 1 vừa được Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) tổ chức ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Ngày hội được thiết kế với nhiều trạm trải nghiệm như: Khám phá Thảo Cầm Viên; Khu rừng bí ẩn; Thảo Cầm Viên muôn màu; Giải cứu động vật; Cuộc đua muông thú không chỉ giúp học sinh vừa chơi vừa học mà còn rèn luyện và củng cố bài tiếng Việt đã học với chủ đề “Đi sở thú”. Quan trọng hơn cả là ngày hội đã nhận được rất nhiều tiếng cười, sự háo hức của học sinh.
Theo các giáo viên khối 1 của trường, việc tổ chức các tiết học ngoài nhà trường gắn liền với thiên nhiên còn giúp học sinh khối 1 tăng cường khả năng giao tiếp tiếng Việt, hình thành cho các em kỹ năng giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ trong các tình huống hàng ngày, phát triển kỹ năng đọc, viết và nghe; khả năng quan sát, ghi nhớ… Cô Đỗ Ngọc Chi (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, thuận lợi của nhà trường là nằm ngay cạnh Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Bảo tàng Mỹ thuật và cách không xa Dinh Độc Lập. Do vậy, đây là thuận lợi rất lớn để giáo viên đổi mới không gian lớp học cho học sinh bên ngoài nhà trường, bên cạnh việc tổ chức các tiết học tại sân trường, thư viện…
“Lớp học xanh, lớp học mở là chủ đề được nhà trường đặc biệt đẩy mạnh trong năm học này khi hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc. Bởi với nhà trường, trường học hạnh phúc cần được bắt đầu từ chính các giờ học hạnh phúc. Chỉ khi học sinh háo hức, hạnh phúc trong giờ học thì việc giáo dục học sinh mới đạt hiệu quả cao nhất”, cô Chi nhận định.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)