Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tăng cường hoạt động truyền thông tương tác đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 15-11, Bảo tàng Tôn Đức Thắng phối hợp cùng Khoa Truyền thông và Khoa Di sản văn hóa Trường ĐH Văn hóa TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học “Giải pháp tăng cường hoạt động truyền thông tương tác đối với Bảo tàng Tôn Đức Thắng”.

Tọa đàm nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong hoạt động truyền thông từ các bảo tàng, trung tâm bảo tồn di tích, các công ty truyền thông, các trường học đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM. Qua đó giúp Bảo tàng Tôn Đức Thắng thấy rõ cơ hội, thách thức và lựa chọn hướng tiếp cận phù hợp cho hoạt động truyền thông của bảo tàng trong thời gian tới.

Chủ trì tọa đàm

Theo TS. Nguyễn Đức Tuấn – Phó Trưởng khoa Truyền thông Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, hoạt động truyền thông tương tác tại bảo tàng luôn đóng vai trò quan trọng và cấp thiết.

Đây là cầu nối kết hợp giữa các phương tiện truyền thống với các yếu tố kỹ thuật số mang tính cải tiến, hiện đại, tạo sức ảnh hưởng trong xã hội. Đồng thời mở ra một không gian tương tác mới với khách tham quan, giúp công chúng có những trải nghiệm sâu hơn với không gian trưng bày và các hiện vật của bảo tàng.

Xu hướng truyền thông của các bảo tàng hiện nay là tập trung vào việc ứng dụng công nghệ số và mạng xã hội để tạo sự kết nối mạnh mẽ hơn với cộng đồng và công chúng tham quan.

“Việc ứng dụng các mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đa dạng là một hình thức truyền tải gián tiếp thông điệp, tạo ra trải nghiệm mới mẻ và hấp dẫn hơn cho khách tham quan”, TS. Tuấn chia sẻ.

Đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

ThS. Vũ Chi Mai (giảng viên Khoa Truyền thông Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) cho biết, truyền thông tương tác là loại truyền thông hai chiều. Trong đó, người tham gia không chỉ đơn thuần tiếp nhận thông tin một cách thụ động mà còn có thể phản hồi, tương tác và ảnh hưởng trực tiếp vào nội dung truyền thông.

“Đối tượng Bảo tàng Tôn Đức Thắng là học sinh, sinh viên, giáo viên, khách du lịch. Theo đó, bảo tàng có thể đầu tư số hóa hình ảnh, hiện vật, tài liệu dưới dạng 3D; truyền thông qua mạng xã hội và các nền tảng online; đẩy mạnh truyền thông trên online với những người nổi tiếng. Ngoài ra, bảo tàng cũng có thể tăng cường trải nghiệm thực tế và tương tác tại chỗ…”, ThS. Chi gọi ý.

Tại tọa đàm, đại diện một số bảo tàng trên địa bàn TP.HCM đã chia sẻ về giải pháp truyền thông tại bảo tàng trong việc thu hút khách tham quan.

Hồ Trinh

 

Bình luận (0)