Sau 1 năm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu (quận Bình Thạnh), cô Trần Thị Thơm đã khoác “tấm áo mới rất đẹp” cho ngôi trường. “Nhà Phan” (cách học sinh gọi Trường THPT Phan Đăng Lưu) đang từng ngày từng giờ thay đổi, hạnh phúc với diện mạo về cơ sở vật chất cho đến các hoạt động giáo dục.
Đưa giao lưu hợp tác quốc tế về trường
Giữa học kỳ 2 năm học 2023-2024, lần đầu tiên thầy trò Trường THPT Phan Đăng Lưu đón những vị khách đặc biệt là học sinh, giáo viên Trường Fukusho (Nhật Bản). Sự rộn ràng, tất bật từ công tác chuẩn bị cho đến những ngày cả trường tinh tươm, rạo rực… đón khách quốc tế là cảm giác chưa bao giờ học sinh, giáo viên nhà trường có được trong suốt nhiều năm trước đó.
“Chúng tôi mỗi người một tay, một chân, người chuẩn bị nón lá, kịch bản; học sinh thì tập các tiết mục văn nghệ để giao lưu với bạn bè quốc tế. Phụ huynh cũng “xắn tay áo” vào phụ với nhà trường. Hôm đón đoàn quốc tế, học sinh vui lắm, các em tự tin thể hiện khả năng tiếng Anh, dẫn dắt bạn quốc tế cùng tham gia vào các hoạt động của trường. Giáo viên chúng tôi cũng vui vì chưa bao giờ trường chúng tôi có được không khí này” – cô Trương Thị Hoàng Phụng – Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Phan Đăng Lưu chia sẻ.
Tiếp nối sự kiện đón đoàn học sinh, giáo viên Trường Fukusho, từ hè năm học 2023-2024 đến thời điểm đầu năm học 2024-2025, thầy trò Trường THPT Phan Đăng Lưu đã liên tiếp đón thêm 3 đoàn học sinh, giáo viên các trường Otemon (Nhật Bản); Trường Bành Hồ (Đài Loan) và Trường Showa Gakuin (Nhật Bản) đến giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Đặc biệt, ngay trong hè, học sinh, giáo viên nhà trường cũng đã lần đầu tiên “xuất ngoại” đến giao lưu với trường bạn bên Đài Loan.
Hơn 30 năm công tác tại Trường THPT Phan Đăng Lưu, cô Phụng kể, chưa bao giờ bản thân cô và nhiều giáo viên nghĩ rằng có một ngày nhà trường có thể rộng cửa đón các đoàn khách trường quốc tế qua giao lưu, học tập và ngược lại, giáo viên, học sinh nhà trường được sang trường bạn để tham quan, học hỏi.
“Cô hiệu trưởng mới về, giáo viên tụi tui “cực” gấp cả chục lần so với trước đây, nhưng cực mà vui, cực mà hạnh phúc. Chúng tôi được làm những điều mà trước đây chúng tôi chỉ biết ao ước. Từ những hoạt động đó, học sinh nhà trường được hạnh phúc. Cũng từ đó, chất lượng giáo dục nhà trường đi lên. Bằng chứng là qua các hoạt động giao lưu quốc tế, trong năm học này nhà trường đã đưa vào giảng dạy thêm nhiều ngoại ngữ: tiếng Nhật, Trung, Hàn, Pháp vào thứ bảy hàng tuần, theo chương trình nhà trường, học sinh, phụ huynh rất hưởng ứng” – cô Phụng hào hứng.
Thầy Trần Thành Trung – Bí thư Chi đoàn giáo viên, Trường THPT Phan Đăng Lưu đánh giá, các chương trình giao lưu quốc tế là cơ hội thúc đẩy đội ngũ giáo viên nhà trường có cơ hội được phát triển và trau dồi thêm kỹ năng, chuyên môn. Từ chương trình giao lưu đầu tiên đã trở thành tiền đề, cầu nối, tạo làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong đội ngũ.
“Nhà trường như đang thay một chiếc áo mới, rất đẹp. Những hoạt động về chuyên môn cho giáo viên được thúc đẩy, quan tâm từ chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy học. Với sự động viên, tạo động lực, nâng đỡ từ cán bộ quản lý, trong suốt 1 năm qua, các tổ bộ môn mạnh dạn tổ chức các chuyên đề. Từ những rụt rè ban đầu, giáo viên đã chủ động sáng tạo, phát triển chuyên môn, tạo cơ hội để học sinh được hòa cùng, được đóng vai, được tự mình tìm hiểu kiến thức, các em rất hồ hởi”.
Theo thầy, “tấm áo đẹp” của trường còn là sự thay đổi diện mạo cơ sở vật chất. Hiện nay, sóng wifi đã được phủ đến từng lớp học, phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Mỗi lớp học đều có máy chiếu, ti vi. Mái che sân trường được trang bị, các tiết học giáo dục thể chất thầy trò không phải học dưới sân nắng, các hoạt động trải nghiệm, CLB… được thỏa sức không sợ trời nắng, mưa.
Đặc biệt, từ đầu năm học này, màn hình led với hệ thống âm thanh đã được trang bị tại sân trường, thuận lợi để nhà trường làm mới các buổi sinh hoạt dưới cờ, đa dạng thêm hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
“Khi thấy trường từng ngày “thay da đổi thịt” học sinh thụ hưởng, hạnh phúc mỗi ngày đến trường, phụ huynh đã rất ủng hộ nhà trường trang bị màn hình led. Khu vực khoảng sân mát, màn hình led sẽ là nơi để học sinh cùng nhau chơi những bản nhạc, cùng nhau đàn, hát tạo sự gắn kết, chia sẻ, tránh xa điện thoại hay bạo lực học đường…”.
Cô hiệu trưởng “nói được làm được”
Tháng 11 này là tròn 1 năm cô Trần Thị Thơm nhận vai trò Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đăng Lưu, nhiều món quà bất ngờ đã được học sinh nhà trường gửi tặng đến cô. Đó là video hát tặng cô do học sinh lớp 10C10 thực hiện cùng lời chúc tan chảy: “Chúng em kính chúc cô luôn được 10 điểm quản lý”; là tấm thiệp nhỏ nhắn, nét chữ còn rụt rè của 1 học sinh lớp 11: “Em cảm ơn cô đã tạo ra môi trường hạnh phúc để chúng em hạnh phúc mỗi ngày đến trường”; hay đơn giản chỉ là một lời viết trên Fanpage trường: “Bài viết này em chỉ muốn được cảm ơn cô Hiệu trưởng. Ban đầu những lời cô nói về nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường em vẫn có chút nghi ngờ tuy nhiên cô thực sự đã làm được, rồi việc đẩy mạnh giao lưu nước ngoài – thực sự cô đã rất thành công trong chuyện đó… Cô là tấm gương để em nói riêng và cả “Nhà Phan” noi theo về việc “nói được làm được””…
Với cô Trần Thị Thơm, đây là những “trái ngọt” mà cô và đội ngũ sư phạm nhà trường dày cô vun bồi trong suốt 1 năm qua trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc. Bằng quan điểm trường học hạnh phúc cần được khơi nguồn từ các mối quan hệ tốt đẹp, sự gắn kết…, trong vai trò “thuyền trưởng”, cô Thơm đã đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế, nâng cấp cơ sở vật chất tạo môi trường để giáo viên, học sinh cùng phát triển.
Các khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn về ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), đổi mới dạy và học… đã được “phủ” đến mỗi giáo viên, giúp thầy cô tự tin trong đổi mới. Đặc biệt, xuất phát từ chính mong muốn của giáo viên, một lớp học khiêu vũ cho thầy cô đã được “mở” ngay tại trường vào mỗi cuối tuần, giúp đội ngũ có sân chơi giải trí, xả stress. Trong ngày chào đón học sinh lớp 10 đầu năm học mới đây, thầy cô đã tự tin thể hiện tiết mục khiêu vũ để đón học sinh mới, nhận được sự thích thú, hưởng ứng mạnh mẽ của học sinh.
Song song với tạo môi trường, điều kiện, cô Thơm xây dựng chính sách động viên, khen thưởng, khích lệ kịp thời giáo viên theo nhiều hình thức. Trong quy chế của trường, giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn lên thạc sĩ sẽ được thưởng nóng 5 triệu, tạo động lực để giáo viên đổi mới.
“Ngày đầu về trường, tôi chia sẻ với thầy cô và các em học sinh về ước mơ một trường học hạnh phúc, về việc trang bị mái che sân trường để cô trò cùng đứng dưới một mái sân rợp bóng, không sợ nắng, mưa. Về mơ ước một ngày không xa trường sẽ giao lưu quốc tế… Ban đầu học sinh, giáo viên đều hoài nghi về những mơ ước đó. Nhưng rồi từng chút một, cả thầy trò chung tay, đến nay những mơ ước đó đã thành hiện thực” – cô Thơm bày tỏ.
Khi được hỏi về sự “thay da đổi thịt” của trường trong 1 năm qua, Lê Hoàng Phúc (học sinh lớp 12A7), tự hào “khoe” trường như được khoác áo mới về cả cơ sở vật chất cùng rất nhiều hoạt động, sân chơi, học sinh được thỏa sức tham gia. Từng giờ học cũng “khác biệt” với những đổi mới của thầy cô.
Phúc kể, mình và nhiều bạn bè trong lớp đã “kết bạn” Facebook với cô Hiệu trưởng, thỉnh thoảng được cô nhắn tin “xin” ý kiến về những chương trình dự định sắp tổ chức. “Em thích nhất là các chương trình giao lưu quốc tế với trường bạn. Chương trình hay đến mức nhiều bạn bè trường khác còn phải ghen tị. Em thấy thêm tự hào về trường, hạnh phúc khi thấy trường ngày một đổi mới”.
Trong khi đó, Phạm Lê Kiều Anh (học sinh lớp 12A15) lại ấn tượng với cách cô hiệu trưởng “nói được làm được” khi những điều cô hứa từ ngày đầu về trường nay đều đã thành hiện thực. Không chỉ vậy, những góp ý của học sinh đều được cô lắng nghe, thay đổi. “Khi chúng em góp ý với cô rằng không muốn ngồi học bàn ghế dính liền mà muốn ngồi bàn ghế được dựa lưng, cô cũng đổi. Khi chúng em phản ánh máy lạnh của lớp không mát, ngay hôm sau máy lạnh được sửa… Chính điều này đã mang đến môi trường luôn hạnh phúc cho chúng em mỗi ngày đến trường”.
Yến Hoa
Bình luận (0)