Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên: Yêu cầu có tính cấp thiết

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện Quy định số 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới tại Đảng bộ TP.HCM, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai các chuẩn mực đạo đức mới cần được gắn liền với các giải pháp cụ thể, từ đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát. Và việc nâng cao phẩm chất đạo đức cho cán bộ, đảng viên đang là yêu cầu có tính cấp thiết hiện nay…

Quận ủy quận 7 (TP.HCM) tổ chức lễ kết nạp Đảng cho học sinh. Ảnh: H.Triều

Quy định 144 của Bộ Chính trị ban hành ngày 9-5-2024 về “Chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới” thể hiện tính hệ thống, khái quát, đồng bộ các quy định về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và có sự liên thông với các quy định về những điều đảng viên không được làm. Quy định số 144 có 5 điều về chuẩn mực đạo đức cách mạng, với 19 tiêu chí để đánh giá việc thực hiện các chuẩn mực này, gắn với 5 mối quan hệ và các nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các mối quan hệ đó.

Cán bộ, đảng viên phải “soi” và “sửa” một cách tích cực

Theo ThS. Nguyễn Minh Hải – Trưởng phòng Tuyên truyền – Báo chí – Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, việc đề ra giải pháp thực hiện Quy định số 144 cần gắn chặt với điều kiện cụ thể của các địa phương, đơn vị và chú ý tính thời điểm sẽ giúp nâng cao đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Quy định số 144 tuy đã nêu khá rõ nội hàm nhưng vẫn cần được triển khai cụ thể ở các tổ chức Đảng, các địa phương, đơn vị. Việc thực hiện nghiêm túc quy định này có ý nghĩa quan trọng góp phần xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Ông Hải đề xuất, các cấp ủy nên tăng cường công tác giáo dục, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm triển khai các khóa học về đạo đức cách mạng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; lồng ghép nội dung về đạo đức cách mạng trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, cập nhật kiến thức; tăng cường các buổi báo cáo chuyên đề về đạo đức công vụ, vấn đề nêu gương, đạo đức nghề nghiệp… Với nội dung này cần thực hiện phương thức “mưa dầm thấm lâu”, không nên tiến hành ồ ạt, đại trà sau đó dừng lại.

Bên cạnh đó, các tổ chức Đảng cần xây dựng kế hoạch cụ thể, rõ ràng để triển khai các chuẩn mực đạo đức gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị; cụ thể hóa thành các tiêu chí, tiêu chuẩn đạo đức phù hợp với đối tượng cán bộ, đảng viên; tăng cường kiểm tra, giám sát, cần kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện quy định và đạo đức của cán bộ, đảng viên. Qua đó, chấn chỉnh ngay các biểu hiện chưa phù hợp, lệch lạc hoặc có thể điều chỉnh các quy định, chỉ đạo, định hướng. Việc kiểm tra cần được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ từ khâu triển khai, chỉ đạo, thực hiện, xử lý vi phạm…

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tự phê bình và phê bình trong các sinh hoạt của tổ chức Đảng, của đơn vị. Trong đó, nội dung liên quan đến đạo đức nên được “soi” và “sửa” một các tích cực, thẳng thắn, nhất là với cấp ủy, người đứng đầu. Cấp ủy cần có cơ chế và xây dựng mối quan hệ phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức chính trị – xã hội để giám sát việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là ở nơi cư trú. Nếu thực hiện tốt điều này, các trường hợp đảng viên sống xa hoa, hoang phí, cách biệt với nhân dân hoặc có hành vi tham nhũng… có thể bị phát hiện và xử lý kịp thời. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu các mô hình tốt, cách làm hay trong việc thực hiện chuẩn mực đạo đức và lan tỏa rộng rãi để các tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên theo dõi, học tập.

Giám sát chặt chẽ các chuẩn mực đạo đức mới

TS.Nguyễn Văn Đạo – Trường ĐH Văn Lang, Đảng ủy Khối ĐH, CĐ TP.HCM – cho rằng, việc triển khai các chuẩn mực đạo đức cần gắn liền với các giải pháp cụ thể, từ đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát đến đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và đảm bảo điều kiện sống cho cán bộ, đảng viên. Về giải pháp cụ thể, cần xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đạo đức cách mạng toàn diện, liên tục, có hệ thống và mang tính thực tiễn cao để hiện thực hóa hệ thống chuẩn mực đạo đức mới của Quy định 144. Chương trình này gồm các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn, từ đó nâng cao nhận thức và phát triển phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế đánh giá và giám sát chặt chẽ các chuẩn mực đạo đức mới. Việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế đánh giá và giám sát là một bước đi quan trọng và cần thiết…

Ngoài ra, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và tạo môi trường làm việc lành mạnh cho các tổ chức Đảng và chính quyền. Để đạt được điều này, cần tập trung vào sự minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình trong công tác lãnh đạo và quản lý.

Nói về giải pháp triển khai thực hiện Quy định số 144, ThS. Đào Vũ Hoàng Nam – Đảng ủy viên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết, trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung và đội ngũ giảng viên ở các trường ĐH nói riêng đang là yêu cầu có tính cấp thiết, nhằm góp phần tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó cần tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên tham gia các hình thức đào tạo tiên tiến và tăng cường giao lưu, học tập, nghiên cứu trong môi trường quốc tế; khuyến khích đổi mới phương pháp giảng dạy. Đồng thời, nhà trường cần tăng cường trang bị cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy như các loại máy móc, công cụ thực hành, thực nghiệm hiện đại để đội ngũ giảng viên có thêm các phương tiện phục vụ việc truyền đạt tri thức, kích thích óc sáng tạo của người học.

Ngoài ra, không ngừng trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức nhà giáo. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giảng viên phải có cả đức lẫn tài, cũng giống như phải đi vững trên “hai chân”: Chuyên môn và đạo đức; mất đi một trong hai chân đó thì thành lệch lạc, què quặt.

“Chính vì vậy, cùng với chuyên môn giỏi, mỗi giảng viên cần có ý thức tu dưỡng đạo đức, giữ gìn danh dự, nhân ái, bao dung, hòa nhã, đúng mực. Đặc biệt, trong bối cảnh tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, nhà giáo phải có bản lĩnh vững vàng, tâm huyết với nghề, hết lòng hết sức cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Muốn vậy, phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, đạo đức nghề nghiệp”, ông Nam cho hay.

Nhật Huy

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)