Nếu 10 năm trước, các trường ĐH của nước ta gần như vắng bóng trên những bảng xếp hạng ĐH khu vực và quốc tế thì đến nay, trong xếp hạng mới nhất, nhiều trường ĐH của Việt Nam đã lọt top châu Á lẫn thế giới. Nếu không có sự phát triển vượt bậc về thành tích nghiên cứu khoa học, không thể có uy tín, thứ hạng các ĐH của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã khẳng định điều này tại lễ trao giải thưởng khoa học công nghệ dành cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở giáo dục ĐH năm 2024 do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Khoa học – Công nghệ tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM ngày 9-11.
Nghiên cứu khoa học giúp ĐH của Việt Nam lọt top quốc tế
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá, trường ĐH có hai sứ mệnh chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học. Những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH ở nước ta có bước phát triển mạnh mẽ. Thành tựu này nhờ chủ trương, chính sách về đổi mới giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và sự quan tâm đầu tư. So với 10 năm trước đây, nghiên cứu khoa học của nước ta đã hội nhập quốc tế rất nhanh, đây là điều đáng mừng.
“Nếu 10 năm trước, các trường ĐH của nước ta gần như vắng bóng trên những bảng xếp hạng ĐH khu vực và quốc tế thì đến nay, trong xếp hạng mới nhất, các trường ĐH của Việt Nam đã lọt top châu Á lẫn thế giới. Nếu không có sự phát triển vượt bậc về thành tích nghiên cứu khoa học, không thể có uy tín, thứ hạng các ĐH của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới” – Thứ trưởng nhận định.
Theo Thứ trưởng, không thể tách rời đào tạo và nghiên cứu khoa học vì hai lĩnh vực này bổ sung cho nhau. Muốn nâng cao chất lượng đào tạo phải nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đồng thời nếu chất lượng nghiên cứu khoa học tốt sẽ tạo nền tảng thuận lợi cho giảng viên, sinh viên, nghiên cứu sinh học tập.
“Hiện nay, giáo dục nói chung và giáo dục ĐH nói riêng đang chịu tác động lớn bởi khoa học kỹ thuật trong đó có cách mạng công nghiệp 4.0 mà nổi lên là sự phát triển rất nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, ngành bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Tất cả những điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục ĐH, trong đó có hoạt động nghiên cứu khoa học phải liên tục đổi mới và nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu mới nhằm phát triển đất nước cũng như bắt kịp xu thế phát triển của thế giới” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cần đi nhanh hơn trong bối cảnh mới
Mặc dù điều kiện của giáo dục ĐH nước ta không được thuận lợi như các nước phát triển nhưng Thứ trưởng nhìn nhận không có con đường nào khác là phải tiếp cận, tiếp thu các thành tựu khoa học công nghệ mới nhất. Trong bối cảnh mới này, giáo dục ĐH càng phải quyết tâm hơn; giai đoạn tới cần đi nhanh hơn.
Thứ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT đã tham mưu Chính phủ để ban hành Nghị định 109 vào tháng 12-2022 quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH và những thông tư liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, sinh viên. Trong Nghị định 109 có một điểm rất quan trọng là nhấn mạnh liêm chính học thuật. Theo đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải ban hành quy định nội bộ về liêm chính học thuật để giảng viên, sinh viên tuân thủ. Vừa qua, bộ cũng ban hành kế hoạch định hướng phát triển khoa học công nghệ trong các đơn vị trực thuộc bộ đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phải hội nhập quốc tế trong chất lượng nghiên cứu khoa học.
Thứ trưởng khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục nhằm góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo của đất nước; để ngành giáo dục nước ta đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045.
Tìm đầu ra cho các nghiên cứu của sinh viên, giảng viên trẻ
Được biết, giải thưởng khoa học công nghệ cho giảng viên trẻ và sinh viên trong các cơ sở giáo dục ĐH năm 2024 được tổ chức nhằm biểu dương thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và bồi dưỡng tài năng khoa học trẻ. Thông qua giải thưởng, hoạt động nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên, sinh viên trên khắp cả nước được đẩy mạnh; phát hiện những đề tài mới có thể ứng dụng vào thực tiễn.
Năm nay, Bộ GD-ĐT giao Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đăng cai tổ chức, tiếp nhận hồ sơ giải thưởng khối sinh viên, Trường ĐH Mở TP.HCM tổ chức tiếp nhận hồ sơ giải thưởng khối giảng viên trẻ. Vòng sơ khảo có 47 công trình nghiên cứu; gần 100 sản phẩm công bố khoa học và chuyển giao của các giảng viên trẻ đến từ 29 trường ĐH; 536 đề tài của sinh viên ở 95 trường ĐH trên khắp cả nước tham gia. Các đề tài dự giải tập trung vào 6 lĩnh vực gồm: Khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ, y dược, nông nghiệp, khoa học xã hội nhân văn. Kết quả, đối với các công trình khoa học của đội ngũ giảng viên trẻ, ban tổ chức đã trao 7 giải nhất, 10 giải nhì, 10 giải ba, 18 giải khuyến khích. Còn với đề tài khoa học công nghệ của sinh viên, ban tổ chức đã trao 18 giải nhất, 85 giải nhì.
Thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đề nghị lãnh đạo, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH quan tâm hơn đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, sinh viên. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên trẻ và sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Giới thiệu những ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên trẻ, sinh viên với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong – ngoài nước.
Mê Tâm
Bình luận (0)